Bản in     Gởi bài viết  
Công tác vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh qua 10 năm thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính tri. 
  Qua 10 năm thực hiện hiện Quyết định số 290-QĐ/TW gắn với việc thực hiện Quyết định số 1406-QĐ/TU, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã thu được nhiều kết đáng ghi nhận.  


   Thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Công văn số 112-CV/BDVTW ngày 01/4/2010 của Ban Dân vận Trung ương về việc triển khai thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị; Quyết định số 1406-QĐ/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy “Về việc ban hành Qui chế Công tác dân vận của hệ thống chính tri”. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức quán triệt cho toàn thể đội ngũ cán bộ cốt cán làm công tác Mặt trận, các tổ chức thành viên các cấp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Mặt trận các văn bản liên quan đến công tác dân vận, như: Công văn số 84-CV/TU về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Quy chế công tác dân vận; Chương trình hành động số 24-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về tăng cường công tác dân vận; Kế hoạch số 83-KH/TU về triển khai Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW về Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Quy định Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Kế hoạch số 104-KH/TU về tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Quyết định số 1896-QĐ/TU ban hành Quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan nhà nước đối thoại trực tiếp với nhân dân…

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện QĐ 290/QĐ-TW

   Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng trong thuận xã hội. Trong thời gian qua, MTTQ các cấp đã phối hợp tổ chức tuyên truyền khoảng 13.701 buổi với hơn 931.179 lượt người tham dự; phối hợp với Sở Tư pháp cấp phát cho Mặt trận cơ sở, khu dân cư khoảng 100.000 cuốn tài liệu; phối hợp với Báo Quảng Bình, Đài PT –TH Quảng Bình đăng tải hàng nghìn tin, bài, ảnh... liên quan về lĩnh vực dân vận trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sưu tầm đăng tải nhiều tin, bài mang tính thời sự trong, ngoài tỉnh, các video phóng sự, Chuyên mục Đại đoàn kết; các văn bản hướng dẫn của Mặt trận Trung ương, địa phương để phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật trên Trang thông tin điện tử UBMT tỉnh. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở phối hợp với chính quyền tổ chức tốt việc tuyên truyền, vận động Nhân dân ổn định tư tưởng, không giao động nghe theo các phần tử xấu xúi giục, kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc sau sự cố ô nhiễm môi trường biển tại một số địa bàn ở huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Ninh. Tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng tình, ủng hộ việc triển khai xây dựng các dự án trọng điểm của tỉnh, công tác phòng, chống đại dịch Covid -19 có hiệu quả. Đồng thời, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp Nhân dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đến nay đã tập hợp được 39 tổ chức tham gia thành viên của Mặt trận; vị thế của Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội được nâng lên.

   Mặt trận các cấp tăng cường các hoạt động giám sát và phản biện xã hội để góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh. MTTQVN tỉnh các cấp đã chủ động lựa chọn những vấn đề quan trọng, được dư luận xã hội quan tâm liên quan mật thiết đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân cũng như trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, đại biểu dân cử, như: Công tác quản lý tài nguyên, môi trường; đền bù, giải phóng mặt bằng; giải quyết chế độ chính sách đối với người có công, người nghèo; công tác bồi thường sự cố ô nhiễm môi trường biển; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; công tác tổ chức bộ máy cán bộ, chuyển đổi vị trí việc làm theo quy định của Nhà nước; việc thực hiện niêm yết giá thuốc tân dược và thanh toán của bệnh nhân tại khu vực khám, chữa bệnh theo quy định trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh…

  Thời gian qua, MTTQ các cấp đã chủ trì, phối hợp tổ chức 1.231 cuộc giám sát (trong đó Mặt trận cấp tỉnh chủ trì tổ chức 12 cuộc giám sát chuyên đề; các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tổ chức 33 cuộc giám sát chuyên đề; Mặt trận cấp huyện tổ chức 147 cuộc giám sát chuyên đề; Mặt trận cấp xã tổ chức 1.039 cuộc giám sát chuyên đề); phối hợp tham gia giám sát với HĐND và các cơ quan có thẩm quyền 1.881 cuộc; nghiên cứu, xem xét 2.321 văn bản của các cơ quan chức năng ban hành liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân. Thông qua công tác giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã góp phần tích cực vào việc phát hiện những tồn tại, sai sót, vi phạm, trên cơ sở đó kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu khắc phục sửa chữa, phòng ngừa hoặc xử lý theo quy định của pháp luật, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

   Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận TQVN tỉnh đẩy mạnh các hoạt động phản biện xã hội, đã tổ chức 05 Hội nghị góp ý và phản biện, tập trung phản biện, góp ý vào các dự thảo Luật có ý nghĩa quan trọng trong đời sống Nhân dân. Đồng thời tích cực tham gia góp ý xây dựng khoảng 30 dự thảo Luật của Trung ương và 18 dự thảo quy phạm pháp luật của địa phương gửi đến. Thông qua các Hội nghị phản biện xã hội và lấy ý kiến góp ý vào dự thảo văn bản, Ban Thường trực UBM tỉnh đã tổng hợp được 946 nội dung ý kiến tham gia vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 2013 (lần 1); 161.782 phiếu tham gia ý kiến (lần 2); 261 nội dung ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai; 10 nội dung ý kiến đối với dự thảo Bộ luật Dân sự; 19 nội dung ý kiến với dự thảo Bộ luật Hình sự, 12 nội dung ý kiến phản biện đối với Quyết định ban hành Quy chế thi đua khen thưởng tỉnh Quảng Bình và nhiều ý kiến tham gia vào các dự thảo Luật, văn bản quy phạm pháp luật…

   Đổi mới công tác phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri, tăng số lượng các cuộc tiếp xúc theo chuyên đề. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và HĐND, UBND các huyện, thành phố tổ chức 211 hội nghị tiếp xúc cử tri trước, sau các kỳ họp Quốc hội và trước các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, khóa XIII, XIV với trên 23.450 cử tri tham dự và 1.330 ý kiến trực tiếp tại hội nghị. Các ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và Nhân dân được tập hợp để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước và có trách nhiệm thông tin cho đoàn viên, hội viên biết kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng.

   Tích cực tham gia tiếp công dân, xử lý và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã cử đại diện Lãnh đạo tham gia tiếp công dân định kỳ hàng tháng để theo dõi, giám sát và góp ý cùng chính quyền giải quyết những vấn đề Nhân dân đến phản ánh, kiến nghị; bố trí phòng tiếp công dân tại trụ sở Cơ quan (theo quy định của Luật Tiếp công dân và Hướng dẫn của Ủy ban TWMTTQ Việt Nam). Thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiếp hơn 65 lượt công dân đến Phòng tiếp dân của Cơ quan; nhận 291 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân (gửi qua đường bưu điện) để kiến nghị, phản ánh. Các nội dung đơn thư nói trên đều được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nghiên cứu, xử lý và chuyển đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

   Tổ chức thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận chủ trì phát động, nhất là cuộc vận động ”Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đẩy mạnh hoạt động cứu trợ, an sinh xã hội có trọng tâm trọng điểm, góp phần tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh.

   Từ thực tiễn thực hiện Quyết định số 290 và Quyết định số1406-QĐ/TU, có thể rút ra một số bài học kinh nghiêm sau:

   Một là, nơi nào các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu có nhận thức đúng về vai trò và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên đối với công tác dân vận, thì nơi đó tạo được sự đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố vững chắc.

   Hai là, hiệu quả của công tác Mặt trận nói chung thuộc vào công tác dân vận của Mặt trận các cấp, nhất là cấp cơ sở và việc xây dựng đội ngũ cán bộ có phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, nắm bắt tình hình nhân dân, đặt mình vào vị trí của người dân; các cấp, các ngành phải phối hợp chặt chẽ, thống nhất quan điểm, giải quyết kịp thời các bức xúc của Nhân dân.

   Ba là, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trên các lĩnh vực đời sống xã hội; các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự án đầu tư liên quan đến lợi ích của nhân dân thì công tác dân vận phải được tham gia ngay trong tất cả giai đoạn triển khai, sẽ tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

   Bốn là, kết quả của phong trào hành động cách mạng, các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo” phụ thuộc vào việc đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Cần tập trung hướng về cơ sở; chú trọng phát huy vai trò của cá nhân tiêu biểu, xây dựng lực lượng nòng cốt chính trị nhằm phát triển phong trào quần chúng tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở.

   Để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận trong thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau:

      1. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phải năng động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở và đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân; thực hiện tốt vai trò là người đại diện bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên; đa dạng hoá các hình thức tập hợp Nhân dân.Thực sự là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Để đạt được mục tiêu trên, cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, có đạo đức cách mạng trong sáng, thật sự tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm, gần gũi với nhân dân, được nhân dân tin yêu.

    2. Cấp ủy, chính quyền các cấp khi ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, thực hiện các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng đời sống, phải hướng đến giải quyết nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân, vì nhân dân, “Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết”; loại bỏ các yếu tố “Tư duy nhiệm kỳ”, “Lợi ích nhóm”...; tổ chức các hình thức phù hợp để người dân tham gia các khâu của quá trình ban hành chủ trương, chính sách; tạo cơ chế cho người dân tham gia giám sát, phản biện, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để “Ý Đảng” hợp với “lòng Dân”. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể nhân dân phải giám sát và phản biện tốt các việc này.

    3. Tích cực tham gia và làm nòng cốt trong việc nắm bắt dư luận xã hội, phát huy dân chủ, vận động Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi phong trào phải đưa lại hiệu quả thiết thực, chính đáng cho đoàn viên, hội viên, thông qua đó để tập hợp lực lượng, xây dựng tổ chức vững mạnh. Tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác Mặt trận, đoàn thể; nghị quyết đại hội Mặt trận, đoàn thể các cấp.

    4. Thực hiện có hiệu quả vai trò giám sát và phản biện xã hội, nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận, đoàn thể. Phát huy vai trò giám sát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ.

    Vai trò và tầm quan trọng của công tác dân vận ngày càng được khẳng định trong công cuộc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Công tác dân vận đang đứng trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao, đòi hỏi toàn đội ngũ cán bộ Mặt trận tỉnh cũng như cán bộ Mặt trận cơ sở phải thấm nhuần và thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, góp phần vun đắp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

 

( Văn Minh- MT tỉnh)

 

[Trở về]