Bản in     Gởi bài viết  
Ngôi nhà Mặt trận thêm sinh lực mới 
   Tháng 12 - tháng cuối cùng của năm 2018 - tháng để tổng kết công việc sau một năm bộn bề nhưng trong tâm thế người Mặt trận vẫn bừng lên nhiều đổi mới. Đó là suy nghĩ sáng tạo, cách làm thiết thực tạo thêm sinh lực cho ngôi nhà Mặt trận để chuẩn bị bước vào một năm mới - một nhiệm kỳ mới: 2019-2024. 

   Đổi mới sáng tạo là quy luật tất yếu của cuộc sống. Trong suốt một năm qua, trên rất nhiều hành trình, điều mà Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn luôn trăn trở là trách nhiệm của Mặt trận trước Nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Trần Thanh Mẫn tới dự

Ngày hội đại đoàn kết bà con phường Nguyễn Du, TP Hà Nội

  Làm thế nào để Mặt trận xứng đáng là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân như Hiến pháp đã hiến định vừa trở thành mục tiêu vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để người đứng đầu Mặt trận tổ quốc Việt Nam “xốc” lại đội ngũ cán bộ của mình.

  Ngay cả việc phải thẳng thắn đối diện với những hạn chế, khó khăn từ đó đòi hỏi sự quyết liệt hơn, tận tâm hơn, sáng tạo hơn của đội ngũ những người làm công tác Mặt trận để đóng góp sức mình cho sự phát triển đi lên của đất nước, nhất là trong giai đoạn này, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

 Muốn như vậy, Mặt trận phải bám sát Nghị quyết của Đảng, phối hợp tốt với các tổ chức thành viên, thích ứng với thời cuộc, gần dân hơn, lắng nghe tiếng nói từ muôn hướng, kết nối mọi tấm lòng…

  Chúng tôi về Bắc Giang những ngày này, để thấy, tâm thế ấy đang thổi một luồng sinh khí mới cho công tác Mặt trận ở một vùng đất trung du- miền núi Bắc bộ.

  Ông Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang cho rằng, điều tự hào là sau hơn 30 năm đổi mới ở vùng đất này, trong nhiều thành tựu to lớn mà Bắc Giang đạt được đã có sự đóng góp không nhỏ của người làm Mặt trận.

  Tuy nhiên, ông Thắng rất trăn trở với câu chuyện đổi mới. Ông cho rằng, công tác Mặt trận đang bước cùng thời hội nhập với nhiều nhiệm vụ nặng nề. Mặt trận không chỉ làm công tác vận động, phong trào, chăm lo cho người nghèo mà còn giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền vì thế mỗi người làm Mặt trận phải nỗ lực vượt lên chính mình. Nếu không sẽ trở thành cũ kỹ và không đạt hiệu quả như chính vai trò và vị thế cần có

  Vai trò và vị thế đó cần được hiểu ngay trong cung cách làm việc của Mặt trận với các cấp chính quyền. Cụ thể như việc triển khai công tác Đại hội Mặt trận tổ quốc các cấp, trong đó ở cơ sở khâu hay “vướng” nhất vẫn là bố trí cán bộ về làm công tác Mặt trận và kinh phí để tổ chức đại hội.

  “Chúng tôi đã về nhiều nơi, làm việc trực tiếp với các đồng chí Bí thư cấp uỷ, bằng phương pháp phối hợp, có lý, có tình để địa phương sắp xếp, bố trí cán bộ, bố trí kinh phí sao cho hợp lý nhất”, ông Thắng chia sẻ.

  Cách làm của Mặt trận theo ông Thắng không phải bằng “mệnh lệnh” mà là sự phối hợp. Sự phối hợp vốn dĩ đã được hậu thuẫn bằng những cơ chế rất đặc biệt.
Vì theo ông Thắng, điểm đặc biệt nhất của Đại hội Mặt trận khác với những đại hội ban ngành khác là Ban bí thư Trung ương Đảng đã ban hành riêng Chỉ thị số 17-CT/TƯ ngày 4/1/2018 về lãnh đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024.

  Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã gửi văn bản yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp và tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức phong trào thi đua thiết thực, rộng khắp, lập thành tích chào mừng Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 17.

  Một kỳ đại hội có cả Chỉ thị của Ban bí thư và văn bản của Thủ tướng chỉ đạo thì cớ gì mà chúng ta lại không đủ sức mạnh để phối hợp với cấp uỷ, chính quyền tổ chức thành công”, ông Thắng nhấn mạnh.

  Hiện nay Bắc Giang đang được xem là một trong những địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết Hội nghị trung ương 6, Khoá XII về tinh giản biên chế với tinh thần ghép các chức năng nhiệm vụ. Điều này được quy định rất rõ trong Kế hoạch số 47 của Tỉnh uỷ tỉnh Bắc Giang: Chủ tịch Mặt trận xã phải kiêm Trưởng ban thanh tra nhân dân. Phó chủ tịch Mặt trận xã phải kiêm Chủ tịch Hội người Cao tuổi. Uỷ viên thường trực Mặt trận cấp xã phải tìm người từ Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ, Cựu Chiến binh chứ không thể đưa một Trưởng ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư vào Uỷ ban thường trực cấp xã, vì không có lương để trả. Trong khi đó, Trưởng ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư cơ bản phải là Trưởng thôn hoặc Bí thư chi bộ.

 Ông Thắng diễn giải: “Một người làm nhiều việc, nhưng không quá 3 việc và phải có phụ cấp. Tinh giản biên chế phải giảm như thế, tức là từ bé đến to, tích tiểu thành đại. Công tác tổ chức Đại hội Mặt trận các cấp cứ theo đó mà làm sẽ góp phần đưa Nghị quyết vào cuộc sống”.

 Bên cạnh đó, Chủ tịch Mặt trận tỉnh Bắc Giang cùng đội ngũ cán bộ nhân viên của mình đã đề ra mục tiêu trong năm 2019, Bắc Giang phải xoá xong nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo. Kế hoạch được Hội đồng nhân dân thông qua, 450 nhà dột nát trên toàn tỉnh đã nằm trong danh sách được rà soát kỹ lưỡng, việc còn lại là công tác vận động các nguồn ủng hộ.

  Mặt trận Bắc Giang đã đề nghị Mặt trận các huyện trong nguồn quỹ an sinh xã hội và chăm lo cho người nghèo phải để dành ít nhất 500 triệu đồng cho nhiệm vụ xoá nhà dột nát. Mặt trận tỉnh hỗ trợ thêm mỗi nhà 20 triệu đồng. Ngôi nhà mới được xây lên với giá trị bao nhiêu là chuyện còn lại của gia đình và dòng họ.

  “Ngôi nhà sau khi hoàn thiện có giá trị 50, 60, hay 100 triệu đồng không quan trọng mà quan trọng là chúng ta tạo được cho người nghèo một xuất phát điểm để họ vươn lên”, ông Trần Công Thắng khẳng định.

 Đó cũng chính là một trong những sản phẩm thiết thực nhất để Mặt trận Bắc Giang chào mừng Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX.
Nỗ lực vì một kỳ đại hội thành công, tinh thần ấy chúng tôi còn bắt gặp ở rất nhiều nơi, trong nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới.
Còn nhớ trong không khí ấm cúng của Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư phường Nguyễn Du, TP. Hà Nội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đứng trên sân khấu bắt nhịp bài ca đoàn kết với đội văn nghệ khu dân cư phường Nguyễn Du.

  Hình ảnh người đứng đầu Đảng, Nhà nước Việt Nam hoà nhịp bài hát cùng với bà con nhân dân ở một khu dân cư thật ấm cúng, chan hoà, đó cũng là hình ảnh tiêu biểu của khối đại đoàn kết mà Mặt trận tổ quốc Việt Nam đóng vai trò là trung tâm gắn kết.

  Để tổ chức được những ngày hội như vậy, Mặt trận Tổ quốc TP. Hà Nội đã chủ động phối hợp với UBND TP. Hà Nội ký và triển khai kế hoạch liên tịch giữa về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư nhân kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam 18/11/2018.
Mặt trận Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước có kế hoạch Liên tịch với UBND về việc tổ chức ngày hội.
Theo ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch UBMTTQ TP. Hà Nội, đây là năm đầu tiên và cũng là điểm mới trong công tác tổ chức ngày hội mà Mặt trận Hà Nội đã thực hiện.

  Điều này đã tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên nhằm đảm bảo các điều kiện cho các khu dân cư tổ chức ngày hội được tốt hơn.
Chính vì vậy, chỉ riêng Hà Nội năm nay, Ngày hội Đại đoàn kết đã thu hút, tập hợp được đông đảo nhân dân hơn, nội dung hoạt động phong phú, sinh động và thiết thực hơn.
Hy vọng rằng, điểm sáng ký kết liên tịch giữa Mặt trận TP Hà Nội và UBND TP Hà Nội trong việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết sẽ được nhân lên ở nhiều tỉnh thành khác trong cả nước vào năm 2019.

  2019 - năm của một nhiệm kỳ mới đi cùng với những tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm chắc chắn sẽ mang đến sức sống mới, sinh lực mới cho mái nhà Mặt trận.

 

(Theo Báo ĐĐK)
 

[Trở về]