Bản in     Gởi bài viết  
VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC TRONG ĐIỀU KIỆN HIỆN NAY Ở TỈNH QUẢNG BÌNH 

  Đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, là nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết là tư tưởng chiến lược nhằm cũng cố, mở rộng, tăng cường lực lượng cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Hồ Chí Minh khẳng định: Đoàn kết là lực lượng mạnh nhất; đoàn kết là sức mạnh vô địch; đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công. Trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, trước những yêu cầu và nhiệm vụ khác nhau, nhưng đoàn kết phải luôn luôn được nhận thức là vấn đề sống còn của cách mạng, là một chiến lược nhất quán và xuyên suốt.

    1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc

    Vai trò của đại đoàn kết toàn dân tộc được chính lịch sử kiếm chứng và được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định với quan điểm:

    Thứ nhất, đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, tập hợp lực lượng cách mạng, quyết định thắng lợi của cách mạng. Đoàn kết dân tộc không phải là một sách lược tập hợp lực lượng để phục vụ mục đích tức thời, càng không phải là một thủ đoạn chính trị. Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc, ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà”(1). Trong từng thời kỳ, từng giai đoạn của cách mạng, trước những yêu cầu và nhiệm vụ khác nhau, có thể và cần thiết có sự điều chỉnh chính sách và phương pháp tập hợp lực lượng cho phù hợp với những đối tượng khác nhau, nhưng đoàn kết phải luôn luôn được nhận thức là vấn đề sống còn của cách mạng, là một chiến lược nhất quán và xuyên suốt.

    Thứ hai, đại đoàn kết là mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của Đảng cách mạng. Hồ Chí Minh cho rằng, đại đoàn kết không đơn thuần là phương pháp tập hợp, tổ chức lực lượng yêu nước, cách mạng, mà cao hơn đó là mục đích, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng cách mạng. Để đạt được mục đích đó, nhiệm vụ đầu tiên của Đảng cách mạng là tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, hình thành nên khối đại đoàn kết dân tộc to lớn, mạnh mẽ. Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết là điểm mẹ. Điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt”(2). Do đó, đại đoàn kết phải là điểm xuất phát, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ đường lối, chủ trương của Đảng.

    Thứ ba, về lực lượng đoàn kết, theo Hồ Chí Minh: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác””3). Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, độc lập, dân chủ thì chúng ta đều thật thà đoàn kết với họ.

    Thứ tư, về hình thức tổ chức của khối đại đoàn kết dân tộc theo Hồ Chí Minh đó là đoàn kết trong Mặt trận dân tộc thống nhất. Mặt trận là một liên minh chính trị nhằm đoàn kết rộng rãi các tổ chức yêu nước vào một khối thống nhất, đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Mặt trận là phương tiện để thực hiện mục đích đoàn kết. Vai trò của đại đoàn kết toàn dân tộc, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong một chân lý bất hủ:
                                                                                    “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
                                                                              Thành công, thành công, đại thành công!”(4)

     Kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng vai trò của Nhân dân và đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong điều kiện mới hiện nay, Đảng ta chỉ đạo tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, cần chú trọng “Thực hành và phát huy rộng rãi xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân; cũng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội”(5).

      2. Công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình trong điều kiện hiện nay

     Quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “đoàn kết trong Mặt trận”, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phối hợp với các tổ chức thành viên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; kịp thời báo cáo, đề xuất với Mặt trận Trung ương, cấp ủy chính quyền cùng cấp theo dõi, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết những kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người dân không để phát sinh những điểm nóng, phức tạp. Tập trung tuyên truyền sâu rộng các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, các hoạt động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách, người có công.

     Theo Báo cáo số 545/BC-MTTQ-BTT của Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Bình ngày 15/11/2023 về “Kết quả công tác Mặt trận năm 2023, trọng tâm Chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2024”, riêng năm 2023, Mặt trận TQ các cấp đã tập trung lấy ý kiến góp ý Luật đất đai (sửa đổi), việc đền bù giải phóng mặt bằng tuyến đường cao tốc Bắc – Nam và đường ven biển. Mặt trận đã phối hợp công tác thông tin, tuyên truyền với các cơ quan báo chí, thông qua các trang mạng xã hội (facebook, Zalo) để tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện chuyên mục, chuyên trang “Đại đoàn kết”. Riêng năm 2023 đã thực hiện 22 được 22 phóng sự ngắn và 03 phóng sự chuyên đề phát trên Đài PTTH tỉnh và 12 chuyên trang trên Báo Quảng Bình. Hoạt động của Trang Thông tin điện tử Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, đóng góp đáng kể vào công tác tuyên truyền hoạt động của hệ thống Mặt trận các cấp trong tỉnh. Trang cộng đồng Fanpage Mặt trận các cấp hoạt động hiệu quả, truyền tải thông tin, nhanh chống, kịp thời đến người dân.

     Mặt trận các cấp tiếp tục triển khai Chương trình hành động của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 15/12/2021 của Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo” giai đoạn 2021-2025. 100% đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được nhận sự hỗ trợ của Nhà nước, của Mặt trận các cấp, các tổ chức thành viên, các đơn vị, doanh nghiệp và các cá nhân hảo tâm. Ban thường trực UB MTTQVN tỉnh đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức thành công Chương trình “Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản” và Ngày hội Biên phòng toàn dân. Triển khai các chương trình an sinh xã hội. Năm 2023, Ban thường trực UB MTTQVN tỉnh trích hơn 9 tỷ đồng từ Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ cứu trợ, Quỹ An sinh xã hội tỉnh để hỗ trợ làm mới và sửa chữa hơn 200 nhà Đại đoàn kết cho đồng bào DTTS và miền núi. Chương trình an sinh xã hội, chăm lo Tết cho người nghèo và công tác dân tộc được Mặt trận các cấp triển khai đạt kết quả tốt. Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các đối tượng chính sách, gia đình có công, các hộ nghèo các đối tượng xã hội đã nhận được sự hỗ trợ trên 137.000 suất quà với tổng giá trị gần 57 tỷ đồng và gần 1.250 tấn gạo. Năm 2023, xây mới, sửa chữa 347 nhà đại đoàn kết với số tiền trên 20 tỷ đồng.

Bà Phạm Thị Hân, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng quà cho các hộ nghèo

    Tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với công tác giảm nghèo bền vững; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Năm 2023, tổ chức 33 lớp truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững. Tập trung xây dựng mới và duy trì có hiệu quả trên 700 mô hình điểm của Mặt trận các cấp về thực hiện cuộc vận động, huy động xã hội hóa trên 70 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Ban thường trực UB MTTQVN tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”. UB MTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp trong tỉnh đã chủ động lồng ghép, triển khai nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả gắn với phong trào “đoàn kết sáng tạo” trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” vào nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị.

   Ban Thường trực UB MTTQVN tỉnh triển khai Kế hoạch, hướng dẫn hoạt động trên lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, trong đó quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của Nhân dân; thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tham gia xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh. Thường xuyên nắm bắt tình hình, ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để kịp thời phản ánh nguyện vọng chính đáng của người dân đến cấp ủy, chính quyền có liên quan.

    Trong thời gian qua, MTTQVN tỉnh đã thể hiện vai trò quan trọng trong xây dựng, cũng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận đã vận dụng và thực hiện có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết và đoàn kết trong Mặt trận dân tộc thống nhất: “Chính sách mặt trận là một chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là một công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng… trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Mặt trận dân tộc thống nhất vẫn là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam”(6).

Nguyễn Thị Nhật Trang
Trường Chính trị Quảng Bình


(1), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.9, tr.244
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.10, tr.589
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.13, tr.120
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.13, tr.453

[Trở về]