MTTQ Tỉnh Quảng Bình với công tác giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư 
Ngày 21/4/2006 Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận TQVN đã ký kết Nghị quyết liên tịch số 05 về việc ban hành Quy chế "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư".
 
Quảng Bình là một trong những tỉnh được Uỷ ban Trung ương MTTQVN chọn làm thí điểm về việc thực hiện Quy chế nói trên. Ngày 12/5/2006, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch, đồng thời báo cáo và được Thường vụ Tỉnh uỷ đồng ý chỉ đạo các cấp uỷ Đảng lãnh đạo tổ chức thực hiện. Ngày 08/6/2006, Thường vụ Tỉnh uỷ đã có Chỉ thị số 03/CT-TU về việc lãnh đạo thực hiện thí điểm Quy chế "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ công chức, đảng viên ở khu dân" trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong việc phối hợp với Mặt trận các cấp để triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế giám sát.
 
Ngày 22/01/2007, Uỷ ban MTTQ tỉnh và UBND tỉnh đã ký kết Kế hoạch liên tịch số 01 về phối hợp triển khai thực hiện Quy chế "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư" nhằm nâng cao, quy rõ trách nhiệm của các ngành chức năng trong giải quyết đơn giám sát của nhân dân và tạo điều kiện phối hợp, hỗ trợ cho Mặt trận triển khai. Uỷ ban nhân dân tỉnh cũng đã có công văn số 1142/UBND chỉ đạo Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các cấp phối hợp triển khai thực hiện và tạo mọi điều kiện, cấp kinh phí để Mặt trận triển khai có hiệu quả.
 
Ban thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh đã thống nhất chọn 26 xã, phường, thị trấn để thực hiện thí điểm của Trung ương và 6 xã, phường, thị trấn để thực hiện thí điểm của tỉnh và 7 huyện, thành phố. Ngay sau đó, đã tổ chức tập huấn từ tỉnh đến xã với các nội dung Nghị quyết liên tịch số 05 của Chính phủ và UBTƯ MTTQVN; Thông tri số 18 của Uỷ ban Trung ương MTTQVN về hướng dẫn thực hiện Quy chế "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư"; Quy trình giám sát, lịch cụ thể các bước triển khai thực hiện, quy cách hộp thư, địa điểm đặt hộp thư, quản lý hộp thư, mở hộp thư và quy trình xử lý đơn thư giám sát của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện giám sát thông qua hộp thư giám sát của Mặt trận... Các tài liệu, văn bản của Trung ương và địa phương đã được Ban thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh cung cấp đầy đủ cho tất cả các đại biểu tham gia tập huấn.
 
Căn cứ vào kế hoạch của tỉnh và huyện, các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm đã tiến hành xây dựng kế hoạch cụ thể ở cấp mình và tham mưu cho cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo công tác giám sát. Đảng uỷ đã ban hành chỉ thị, Nghị quyết lãnh đạo, gửi văn bản cấp trên về tận chi bộ, tổ chức quán triệt đến tận đảng viên trong toàn đảng bộ. Điển hình như thị trấn Hoàn Lão (huyện Bố Trạch) quán triệt trong toàn Đảng bộ với 520/543 đảng viên tham gia tiếp thu; xã Phúc Trạch quán triệt đến 100% đảng viên.
 
Uỷ ban MTTQ các xã làm điểm đã tiến hành kiện toàn Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn, hướng dẫn triển khai những nội dung mới về thanh tra nhân dân theo Nghị định số 99/2005/NĐ-CP ngày 28/7/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Kiện toàn Ban công tác Mặt trận khu dân cư đủ thành phần, số lượng, đảm bảo thủ tục pháp lý thành lập theo đúng quy định để thực hiện công tác giám sát. Để tạo điều kiện cho hoạt động giám sát, chính quyền đã tạo điều kiện về kinh phí cho Ban thanh tra nhân dân, Ban công tác Mặt trận khu dân cư tại các xã làm điểm. Trong đó kinh phí Ban công tác Mặt trận 01 triệu đồng/năm, kinh phí Ban thanh tra nhân dân được cấp từ 01 triệu đến 1,5 triệu đồng/năm.
 
26/26 đơn vị làm điểm đã tổ chức Hội nghị triển khai ở cấp xã với thành phần tham gia gồm: Toàn thể uỷ viên Uỷ ban MTTQ cấp xã, Ban thanh tra nhân dân, Trưởng, phó và toàn thể thành viên các Ban công tác Mặt trận trong xã, lãnh đạo các tổ chức thành viên ở cơ sở. Quá trình tập huấn, triển khai cấp xã đều có sự tham gia của cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường trực UBMTTQ cấp trên.
 
Sau khi triển khai ở xã, phường, thị trấn, Ban công tác Mặt trận khu dân cư tổ chức hội nghị nhân dân gồm đại diện hộ gia đình để quán triệt các văn bản của Trung ương, của tỉnh và huyện về thực hiện Quy chế giám sát, kế hoạch triển khai của MTTQ cấp xã và hướng dẫn phương pháp thực hiện, nhất là phổ biến rõ mục đích, nguyên tắc, yêu cầu giám sát, đối tượng giám sát, phương pháp thực hiện giám sát và động viên nhân dân thực hiện. Các hội nghị ở khu dân cư đã thu hút khá đông nhân dân tham gia. Điển hình như: Tiểu khu 9 thị trấn Quy Đạt: 148 người; thôn Thống Nhất xã An Ninh hơn 300 người; thôn 3 Phúc Khê, xã Phúc Trạch 160 người; thôn Trung Vũ, xã Cảnh Dương 96 người; thôn Lạc Thiện (xã Minh Hoá) 245 người; thôn Minh Phượng (xã Quảng Thọ) 131 người; thôn Phan Xá (xã Xuân Thuỷ) 600 người; tiểu khu 6 (phường Đồng Phú) 100% đại diện hộ gia đình tham gia tiếp thu...
 
Khu dân cư là nơi diễn ra hoạt động giám sát, vì vậy Uỷ ban MTTQ các xã, phường, thị trấn, Ban công tác Mặt trận KDC làm điểm đã chủ động phối hợp với chính quyền cấp xã, trưởng thôn, tiểu khu trưởng tổ chức tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ và nhân dân về chủ trương giám sát của nhân dân và MTTQ Việt Nam đối với cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Các hình thức tuyên truyền chủ yếu là thông qua hệ thống loa truyền thanh; lồng ghép vào các cuộc họp ở xã, thôn và sinh hoạt đoàn thể ở thôn, bản để tổ chức tuyên truyền về chủ trương giám sát, động viên đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia giám sát theo các nội dung của Quy chế. Điển hình như huyện Tuyên Hoá, Đài truyền thanh huyện và tất cả hệ thống loa truyền thanh tại các xã đã dành thời gian vào tối thứ 3 và thứ 5 hàng tuần để tuyên truyền chủ trương giám sát cho nhân dân. Huyện Bố Trạch đã tổ chức 30 buổi tuyên truyền với các hình thức tuyên truyền miệng, phát thanh và bằng hình thức văn nghệ ở khu dân cư; xã Quảng Thọ (huyện Quảng Trạch) tổ chức được 24 buổi, tiểu khu 6 phường Đồng Phú tổ chức 14 buổi, thị trấn Quán Hàu 17 buổi, xã An Ninh 34 buổi.
 
Xây dựng hộp thư giám sát đặt tại phòng làm việc Uỷ ban Mặt trận xã, phường, thị trấn là một trong những hình thức để nhân dân thực hiện quyền giám sát. Tính đến cuối tháng 7 năm 2007, trong 26 xã làm điểm có 199/214 thôn, bản, tiểu khu đã có hộp thư giám sát đặt tại nhà văn hoá thôn, chiếm 86,5%. Số còn lại do một số lý do khách quan như chưa có nhà văn hoá thôn. Tuy nhiên, Mặt trận vẫn tạo điều kiện để việc tiếp nhận đơn giám sát, kiến nghị phản ánh trực tiếp của nhân dân, của chủ thể giám sát được tiến hành một cách thuận lợi thông qua các hình thức khác. Việc quản lý, mở hộp thư và xử lý đơn thư giám sát do Chủ tịch UBMTTQ cấp xã chủ trì tiến hành theo quy định. Điển hình về xây dựng hộp thư giám sát đủ và hiệu quả như thành phố Đồng Hới và các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hoá.
 
Quá trình triển khai thực hiện Quy chế "Mặt trận TQVN giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư" của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể, của Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn và của nhân dân đã được thực hiện bằng nhiều hình thức như: trực tiếp phản ánh; gửi đơn khiếu nại, tố cáo cho Mặt trận; đơn, khiếu nại, tố cáo thông qua hộp thư giám sát... bước đầu đã thu được những kết quả thiết thực. Trong 26 xã, phường, thị trấn làm điểm đã có 158 đơn phản ánh, kiến nghị (các huyện Lệ Thuỷ 11, Quảng Ninh 02, Bố Trạch 24, Quảng Trạch 87, Tuyên Hoá 15, Minh Hoá 05; TP. Đồng Hới 14), trong đó có 55 đơn nặc danh (12 đơn nặc danh không có nội dung rõ ràng nên không giải quyết). Toàn bộ các đơn kiến nghị, phản ánh được Mặt trận xã, phường, thị trấn tiếp nhận, phân loại và kiến nghị các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết. Đến nay đã có 84 đơn được các cơ quan chức năng giải quyết, 62 đơn đang được xem xét. Nội dung đơn chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực về đất đai, chế độ chính sách, nguyên tắc quản lý tài chính, phẩm chất đạo đức, vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở, quản lý sử dụng tiền đóng góp của nhân dân...
 
Nhờ có sự phát hiện của nhân dân và kiến nghị của Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ xã, phường, thị trấn. Các vụ việc vi phạm đã được cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý công khai, nghiêm minh. Cụ thể đến nay đã có 01 Đảng viên bị xử lý hình thức kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng (ở huyện Tuyên Hoá), ở huyện Minh Hoá có 01 Đảng viên bị xử lý hình thức kỷ luật cảnh cáo, 02 Đảng viên bị hình thức khiển trách. Xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) xác minh kết luận 60 trường hợp làm hồ sơ thương binh giả. Tại xã Phúc Trạch (huyện Bố Trạch) có 01 đơn tố cáo Trưởng thôn và nguyên Trưởng thôn 3 Phúc Khê bao che để người thân trong gia đình không thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước, đã xử lý buộc bồi thường 1.390.000 đồng. Tại xã Phong Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ), qua ý kiến của cử tri, UBMTTQ xã đã kiến nghị với UBND xã kiểm tra việc sử dụng tiền đóng góp của học sinh để xây dựng cơ sở vật chất trường học, kết quả đã giải quyết thu hồi 19.929.500 đồng chi sai nguyên tắc. ở phường Nam Lý (TP. Đồng Hới) có 03 đơn kiến nghị về đảng viên vi phạm nguyên tắc sinh hoạt đảng và vi phạm phẩm chất đạo đức của người Đảng viên. ở phường Đồng Mỹ và phường Đồng Phú (Đồng Hới) có 02 kiến nghị về Tiểu khu trưởng tham ô tiền đóng góp của nhân dân và xoá hộ nghèo đang đề nghị hình thức kỷ luật. Các trường hợp khác đang được tiến hành xem xét hình thức kỷ luật thích hợp...
 
Nhờ triển khai Quy chế giám sát nghiêm túc, cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư đã có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật và vận động gia đình chấp hành pháp luật, các quy định của chính quyền địa phương, hương ước, quy ước thôn, bản, tiểu khu; có ý thức hơn trong việc tham gia sinh hoạt và đóng góp ý kiến xây dựng thôn xóm...
 
Nhìn lại sau hơn một năm tổ chức triển khai thực hiện Quy chế "Mặt trận TQVN giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư" vẫn còn một số tồn tại như: Nhận thức của một số cấp uỷ Đảng, chính quyền và Mặt trận còn hạn chế, thiếu quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Mặt trận cấp xã và Ban công tác mặt trận một số nơi còn lúng túng trong việc phối hợp với chính quyền và các thành viên Mặt trận Tổ quốc để triển khai; một số địa phương chưa phát động được phong trào giám sát sâu rộng trong quần chúng nhân dân; nhiều nơi kinh phí cấp cho Mặt trận quá hạn hẹp không đủ ở mức tối thiểu để Mặt trận triển khai. Ngoài ra, ý thức của một bộ phận quần chúng nhân dân còn tỏ ra thờ ơ hoặc còn nể nang, sợ trù dập...
 
Tuy nhiên cái được nhất, hiệu quả nhất của việc thực hiện Quy chế theo ông Hoàng Tiến Dũng - Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh: "Đa số nhân dân đồng tình, phân khởi vì Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền dân chủ trực tiếp trong giám sát cán bộ, công chức, đảng viên và các cơ quan nhà nước trên địa bàn. Không có hiện tượng trả thù, trù dập người phát hiện, tố cáo và các hành vi lợi dụng quyền giám sát để gây rối, làm mất uy tín, danh dự cá nhân và tập thể. Nhân dân mong muốn nhân rộng quy chế giám sát để ngăn ngừa, phát hiện và đấu tranh phòng chống những hành vi tiêu cực, tham nhũng, xa dân..."²
 
                                                                            Duy Hưng 
                                                                          (MTTQ tỉnh Quảng Bình)