KHÁI QUÁT LỊCH SỬ MẶT TRẬN TQVN TỈNH QUẢNG BÌNH 
          Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Kế thừa và phát huy truyền thống đó, ngay từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), ngày 18/11/1930, Ban thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về việc thành lập “Hội Phản đế đồng minh” - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Trong hơn tám thập kỷ qua, lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và lịch sử dân tộc. Cùng với cả nước, lịch sử Mặt trận Quảng Bình không ngừng phát triển qua các chặng đường vẻ vang của cách mạng. Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, từ tháng 4-1930 các tổ chức cơ sở Đảng Quảng Bình lần lượt ra đời và lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi chia lại ruộng đất công, đòi các quyền lợi dân sinh, dân chủ…Cờ đỏ búa liềm và truyền đơn ủng hộ phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh, kêu gọi quần chúng đoàn kết đấu tranh chống thực dân Pháp đã xuất hiện ở thị xã Đồng Hới và ga Thuận Lý vào ngày Quốc tế lao động 1-5-1930.

      Trong cao trào Mặt trận dân chủ (1936-1939) các hình thức tổ chức quần chúng như Công Hội, Nông Hội, Hội tương tế, Hội thể thao…được hình thành. Các cơ sở Đảng trong tỉnh đã vận dụng những hình thức đấu tranh hợp pháp và bán công khai để phát triển tổ chức và tập hợp lực lượng hùng hậu của quần chúng.

Sau Hội nghị trung ương lần thứ 8 (5/1941) và thành lập Mặt trận Việt Minh, từ tháng 2/1942 phong trào cách mạng ở Quảng Bình có bước phát triển nhảy vọt. Các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh một số nơi được thành lập, một số đội tự vệ, đội tuyên truyền xung phong lần lượt ra đời. Trước chuyển biến mau lẹ của tình hình cách mạng, ngày 4/7/1945, tỉnh bộ Việt Minh Quảng Bình đã được thành lập với bí danh “Việt Minh Cô Tám” nhằm tiến hành thống nhất các tổ chức Việt Minh trong tỉnh, phát triển mạnh các đoàn thể cứu quốc…Khi thời cơ đến, tỉnh bộ Việt Minh Quảng Bình đã tiếp nhận lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương, gấp rút chuẩn bị lực lượng và phát động quần chúng cách mạng vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ngày 23/8/1945.

Năm 1947, thực dân Pháp trở lại xâm lược tỉnh ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Mặt trận Việt Minh và các tổ chức đoàn thể đã vận động nhân dân đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, chống địch càn phá mùa màng…Trong những năm tháng oanh liệt ấy, nhiều làng xã đã trở thành lũy thép kiên cường như Cảnh Dương (Quảng Trạch), Cự Nẫm (Bố Trạch), Hiển Lộc (Quảng Ninh)…Trải qua gần 9 năm kháng chiến, Mặt trận Việt Minh ở Quảng Bình đã góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh viết nên những trang sử hào hùng của “Quảng Bình quật khởi”, cùng với cả nước đánh bại thực dân Pháp, giải phóng quê hương.

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã tích cực phối hợp đẩy mạnh các phong trào “Ba sẵn sàng” trong thanh niên, “Ba đảm đang” của phụ nữ, động viên gần 4 vạn con em đi bộ đội, đi thanh niên xung với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Những khẩu hiệu hành động “Tay búa, tay súng, tay cày, tay súng”, “Tiếng hát át tiếng bom”, “Xe không qua nhà không tiếc”…đã thể hiện quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của nhân dân Quảng Bình. Quảng Bình vinh dự, tự hào được Bác Hồ gửi thư khen là tỉnh “Chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”. Mặt trận và các tổ chức thành viên đã phát động mỗi người dân, mỗi gia đình, đơn vị phấn đấu để đạt danh hiệu “Hai giỏi”, trở thành phong trào thi đua yêu nước mạnh mẽ, cổ vũ động viên nhân dân trong tỉnh chung lòng, chung sức vượt qua gian khổ, hiểm nguy lập nên những chiến công hiển hách, xây dựng nên truyền thống “Quảng Bình hai giỏi”, góp phần cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, thu non sông về một mối, Bắc Nam sum họp một nhà.

     Sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, ngày 06/3/1976 Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa III) ra Quyết định số 26003 QNNS/TW về việc sáp nhập tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế và khu vực Vĩnh Linh thành tỉnh Bình Trị Thiên. Được sự hướng dẫn của Ủy ban TWMTTQVN, sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, từ ngày 6/7/1976 tại Thành phố Huế đã diễn ra Đại hội hợp nhất về tổ chức Mặt trận ba tỉnh với tên gọi Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên (sau thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên). Kể từ ngày hợp nhất ba tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận TQVN Bình Trị Thiên đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vận động nhân dân từng bước vượt qua khó khăn, thử thách, phát huy truyền thống cách mạng, ý chí tự lực tự cường, cố gắng duy trì và phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

    Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, ngày 01/7/1989, Quảng Bình trở về với địa giới và tên gọi vốn có trong lịch sử theo Nghị quyết kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VIII và Nghị quyết số 87/HĐBT Hội đồng Bộ trưởng. Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh được nhanh chóng kiện toàn và đi vào hoạt động. Từ ngày tái lập tỉnh đến nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã phát huy vai trò, vị trí trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội, không ngừng xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương, xây dựng tỉnh Quảng Bình ngày càng giàu đẹp.