Giám sát: Dấu ấn mới 
 Năm 2014 là năm đầu tiên Hiến pháp 2013 đi vào cuộc sống, cũng là năm đầu tiên thực hiện Quy chế Giám sát - Phản biện của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đó cũng chính là vinh dự và trách nhiệm của Mặt trận với dân, với Đảng. Trách nhiệm nặng nề ấy đang được những người làm công tác Mặt trận cụ thể hóa bằng nhiều hành động thiết thực, góp phần tạo nên những dấu ấn mới cho một nhiệm kỳ mới. 

 

 1. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của MTTQ Việt Nam được đưa vào văn kiện Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ VIII lần này, là thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Có thể nói, thời gian qua MTTQ Việt Nam làm khá tốt chức năng phản biện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên hiệu quả giám sát của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội chưa cao. Sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp 2013, Bộ Chính trị ban hành "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” cùng "Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền”, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã có đầy đủ chức năng và quy chế thực hiện để đảm nhiệm trọng trách này.

 Ngay sau đó, MTTQ Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức thành viên, phối hợp với các cơ quan bộ, ban ngành triển khai thực hiện 5 nội dung giám sát ở cấp quốc gia: Giám sát tổng rà soát chính sách đối với người có công, giám sát việc đầu vào đối với vật tư nông nghiệp, giám sát đối với các phòng khám, bệnh viện tư, việc đóng bảo hiểm xã hội, việc thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ… và trong năm 2015, dự kiến cùng Chính phủ có hướng dẫn thực hiện giám sát việc khiếu nại tố cáo ở cơ sở. Đây đều là những việc rất mới và vừa qua các đoàn thể, ban ngành đã phối hợp chặt chẽ cùng Mặt trận tiến hành triển khai. 

 

Lễ ký kết chương trình phối hợp tổng rà soát việc thực hiện 
chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng

                                                                                         Ảnh: Hoàng Long

2. Ngay từ tháng 4, MTTQ Việt Nam và Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với các bộ ngành liên quan tiến hành việc Tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015. Chính sách đối với người có công với cách mạng luôn là một chính sách đặc biệt, thể hiện rõ trách nhiệm và tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với sự hy sinh xương máu của biết bao người. Nhưng phải sau hàng chục năm, lần đầu tiên việc Tổng rà soát chính sách cho người có công với cách mạng mới được thực hiện. 

 Cho đến thời điểm này, đã có 43/63 tỉnh, thành phố báo cáo về tiến độ công việc. Mặt trận và Sở LĐTB&XH các tỉnh đã chủ động tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai, thành lập các Ban chỉ đạo ở các cấp và Tổ rà soát tại cộng đồng dân cư theo quy định. Nhiều địa phương đã tích cực triển khai những cách làm sáng tạo, như tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức rà soát tập trung tại nhà sinh hoạt cộng đồng có sự giám sát của Ban chỉ đạo cấp huyện, một số nơi tổ chức rà soát theo nhóm, đối với những trường hợp già yếu, ốm đau thì tổ rà soát đến tận nhà. Tỉnh Bắc Giang đã công bố địa chỉ email của UBMTTQ tỉnh và số điện thoại của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, Trưởng ban Phong trào để nhân dân biết và phản ánh… Những việc làm đó đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân. 

 Người dân đồng thuận vì chưa khi nào việc Tổng rà soát chính sách cho người có công được thực hiện, bởi lâu nay xung quanh việc thực hiện chính sách đã bộc lộ nhiều thiếu sót cũng như bất cập mà giá trị ưu việt của những chính sách đã được ban hành chưa thể nào với tới. Quan trọng hơn, người dân đang đặt nhiều kỳ vọng vào công tác hậu rà soát khi Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Còn một người chưa được hưởng thì phải giải quyết ngay và phải được hưởng sớm. Cũng như vậy, những trường hợp hưởng sai thì phải cắt ngay.

 Nhưng khó khăn là không thể tránh khỏi đối với một cuộc Tổng rà soát liên quan đến quá nhiều chính sách, nhiều đối tượng. Trước sức ép về tiến độ thời gian, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định sẽ không ép các địa phương hoàn thành vào ngày, giờ cố định, nhưng yêu cầu hàng đầu là phải rà soát đảm bảo chất lượng, không bỏ sót một trường hợp người có công nào. 

 

Sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp 2013, Bộ Chính trị ban hành "Quy chế Giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” cùng "Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền”, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã có đầy đủ chức năng và quy chế thực hiện để đảm nhiệm trọng trách này.

 

3. Trên tinh thần làm việc khẩn trương, đầu tháng 7 năm nay, tại trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ LĐTB&XH, Thanh tra Chính phủ và BHXH Việt Nam trong giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH trong các loại hình doanh nghiệp. 

 Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng, trước thực trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH diễn ra phổ biến, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, việc ký kết chương trình phối hợp giữa MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ LĐTB&XH, Thanh tra Chính phủ và BHXH Việt Nam trong giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH trong các loại hình doanh nghiệp là rất quan trọng; thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của các tổ chức chính trị trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động.

 Có thể nói, Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH trong các doanh nghiệp của 5 cơ quan thể hiện sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH. 

 4. Trong bối cảnh người nông dân đang có nhiều bức xúc về nạn hàng giả, hàng kém chất lượng xung quanh lĩnh vực vật tư nông nghiệp, để bảo vệ lợi ích cho người nông dân, cũng trong tháng 7, MTTQ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương đã ký kết Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014-2020. Theo chương trình phối hợp, các cơ quan, đơn vị sẽ giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp; đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp giả, ngoài danh mục lưu hành, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. 

 Các cơ quan, đơn vị giám sát việc ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân tham gia giám sát; giúp người dân phân biệt những sản phẩm vật tư nông nghiệp tiêu chuẩn, chất lượng. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị xây dựng mô hình điểm về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực giám sát cho đội ngũ cán bộ Hội Nông dân, MTTQ các cấp và hội viên nông dân…

 5. Từ đầu năm đến nay, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đến làm việc với Tổng hội Y học Việt Nam 4 lần, để giao nhiệm vụ cho Tổng hội Y học Việt Nam tham gia giám sát về hành nghề y tế tư nhân. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để sử dụng một trong những Hội trí thức tham gia công việc xã hội. Thể hiện tinh thần đó, ngay trong tháng 9 này, trước thềm Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ VIII, Lễ ký kết Chương trình phối hợp giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân giữa Ban Thường trực UBTƯMTTQ Việt Nam với Bộ Y tế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Dược học Việt Nam đã được thực hiện. 

 Chương trình ký kết phối hợp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của nhân dân tại các cơ sở y tế tư nhân, đồng thời phát huy vai trò của UBTƯMTTQ Việt Nam, Bộ Y tế và các tổ chức thành viên trong việc giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh, nhà thuốc tư nhân về việc tuân thủ các quy định của pháp luật.

 Theo GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, để làm tốt việc trên, Tổng hội Y học Việt Nam sẽ huy động các Hội thành viên ở địa phương, Trung ương, các nhà trí thức trong Hội cùng tham gia. "Đây là việc quan trọng để chấn chỉnh các thiếu sót về ngành y tế tư nhân của ta hiện nay”, ông Phạm Mạnh Hùng khẳng định. 

(Theo nguồn Báo Đại đoàn kết)