Đi sát dân và nghe cho hết (22/09/2014) 
 (Theo Báo ĐĐK) Đó là khẳng định của GS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng – Phó chủ nhiệm HĐTV về Khoa học Giáo dục- UBTƯ MTTQ Việt Nam với Đại Đoàn Kết về việc Mặt trận lắng nghe nhân dân nói và nói cho nhân dân hiểu – một trong những trọng tâm đổi mới về công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ 2014-2019. 
 

PV: Trong 5 năm qua MTTQ Việt Nam đã tổ chức cho các nhân sĩ trí thức tham gia nhiều hơn vào Mặt trận cũng như có tiếng nói góp ý vào nhiều chủ trương chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, GS có thể đánh giá về những đóng góp này của giới trí thức thông qua các HĐTV trong nhiệm kỳ qua?

 

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Phải khẳng định, MTTQ Việt Nam đã cố gắng thể hiện vai trò này thông qua các HĐTV. Đơn cử như là HĐTV về pháp luật, mọi văn bản luật trước khi Quốc hội thông qua đều được đưa sang Mặt trận và đều được tập hợp các trí thức lại để góp ý kiến. Các ý kiến cũng được đóng góp rất cụ thể, cái này nên bỏ, cái này thêm vào, câu này nên sửa. Nhưng bên cạnh đó các HĐTV khác vẫn thiếu các đơn đặt hàng nên chúng tôi phải nghĩ ra các nội dung để khảo sát. Như HĐTV về Khoa học giáo dục, phải tự nghĩ ra đi thẩm tra một trường đại học, một trường phổ thông, thẩm tra một cơ sở sản xuất tư nhân rồi từ đó rút ra những bài học. Bởi vậy, mong muốn của chúng tôi cũng giống như HĐTV pháp luật là phải có "đơn đặt hàng” để các HĐTV hoạt động có hiệu quả.

 Trong Hội nghị tổng kết hoạt động của các HĐTV, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định là phải tăng cường việc đặt hàng các HĐTV. 

 

 Có ý kiến cho rằng  nên thu hẹp nhân sự của các HĐTV để việc hoạt động của Hội đồng đạt hiệu quả và tránh lãng phí. Quan điểm của GS về vấn đề này như thế nào?

 

- Chức năng giám sát, phản biện xã hội là "vinh dự, trách nhiệm” của MTTQ nhưng theo tôi phải làm hiệu quả, tiết kiệm. Tôi nghĩ sắp tới cần củng cố các HĐTV chỉ nên duy trì mỗi hội đồng một số nhân sự chủ chốt, còn lại tổ chức cộng tác viên không cố định, dựa trên từng nội dung, chuyên đề riêng. Họ là những người hiểu biết về những vấn đề đó trong cả nước. Trí thức của mình nhiệt tình lắm, cứ mời là họ đến và đến không phải vì tiền bồi dưỡng mà vì họ muốn đóng góp, muốn cống hiến cho nên khối lượng cộng tác viên phải rất đông, và để tiết kiệm phải tổ chức những hội thảo để lấy ý kiến cả ở hai miền đất nước cộng lại là ý kiến chung của trí thức cả nước.

 

 Vậy cần làm gì để Mặt trận thực sự nói được tiếng nói của các tầng lớp nhân dân, thưa giáo sư? 

 

- Mặt trận là nơi phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, muốn như vậy phải đi sát nhân dân. Chúng ta có hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến các địa phương. Ai không nghe thì không biết nhưng Mặt trận phải nghe và phải nghe cho được hết mọi ý kiến. Ý kiến hoan nghênh, ý kiến không hoan nghênh cũng phải nghe để từ đó phản ánh đến các cấp về ý kiến thật của dân là như thế nào. Số đông như thế nào, nguyện vọng của dân ra sao. 

 

 Việc thứ hai là phải nói được tiếng nói của dân. Mặt trận phải phản ánh cho được với Đảng, Nhà nước, Quốc hội ý kiến thật của dân. Chúng ta không thể đợi các đại biểu Quốc hội nói vì thực ra thời gian họp rất ít nhưng Mặt trận các cấp có đầy đủ ý kiến và chúng ta nên tập hợp ý kiến đó để thường xuyên phản ánh đến Đảng, Chính phủ, Quốc hội. Có như vậy mới không còn tình trạng bất bình trong dân, chỗ nào  còn điểm nóng, Mặt trận cần có ý kiến và Nhà nước sẽ có biện pháp giải quyết.

 

Ví dụ như vừa qua có việc phá trại cai nghiện ở Hải Phòng, ta phải nghe lý do tại sao? Bản thân tôi đã từng giám sát trại này tôi chưa từng thấy trại nào tốt như thế, các học viên đều là người nghiện hút lâu năm, một số có tiền án tiền sự vậy mà họ được tổ chức cai nghiện, lại được học nghề. Điều này là rất tốt nhưng do sự kích động của kẻ xấu làm các học viên không muốn thực hiện thời gian là 4 năm và bỏ về. Thực ra để duy trì thời gian 4 năm là rất tốn kém cho Nhà nước. Những việc như vậy mình phải nắm vững vì nếu phản ánh sai là những trại này chỉ bắt giam như tội phạm kéo dài để khai thác lao động là không đúng. Chúng ta nghe nhưng phải nghe thật sự đúng, nghe nhiều chiều để phản ánh đúng tiếng nói của nhân dân để nói lại cho nhân dân nghe và từ đó dân sẽ gắn bó với Mặt trận, coi Mặt trận là một tổ chức không thể thiếu được trong một nước chỉ có một Đảng lãnh đạo. 

 

  Theo ông, đội ngũ cán bộ Mặt trận cần làm gì để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên?

 

 - Cán bộ Mặt trận phải là những người có tâm, không vì mình, vì làm công tác Mặt trận không có quyền lợi gì. Chúng ta nhớ lại trong kháng chiến, gian khổ lắm, nhưng cán bộ luôn là người đi tiên phong, không vì bản thân, nếu cán bộ nào muốn có chức có quyền để thu lợi cho mình thì nhân dân xa lánh. Và dân sáng suốt lắm người nào tham nhũng, hách dịch họ biết, người nào vì dân họ biết.  Muốn như vậy, cán bộ Mặt trận phải gần dân để hiểu dân nói gì, đúng, sai ra sao để phản ánh được ý kiến của nhân dân một cách chính thống và có tổ chức. 

 Trân trọng cảm ơn ông! 

                                                                                                                                                                                                                       Anh Vũ (thực hiện)