“Mặt trận giám sát, phản biện chủ trương chính sách, pháp luật là đủ” 
    Đó là chia sẻ của Luật sư Lê Đức Tiết – Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, MTTQ Việt Nam với Đại Đoàn Kết xung quanh một số vấn đề liên quan đến dự án Luật MTTQ Việt Nam sửa đổi vừa được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến.
    PV: Qua Tờ trình của Đoàn Chủ tịch tại Quốc hội ngày 22-10, về dự án Luật MTTQ Việt Nam sửa đổi, nhiều ý kiến đề nghị giữ lời mở đầu của Luật, tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị bỏ để đảm bảo sự đồng bộ trong kết cấu chung của các luật trong hệ thống pháp luật hiện nay. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

   Luật sư Lê Đức Tiết: Theo Luật ban hành văn bản pháp quy, ngoài Hiến pháp, các văn bản pháp luật khác đều không có lời mở đầu của Luật. Theo tôi, lời mở đầu có cũng được mà không có cũng được, vì đó không phải là điều cơ bản trong Luật MTTQ Việt Nam sửa đổi lần này. Có hay không có lời mở đầu là quyền quyết định của Quốc hội.

   Việc MTTQ góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với dự thảo đường lối, chính sách của Đảng hay không vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Theo ông, có nên quy định để luật hóa một trong những điểm mới của Hiến pháp là ghi nhận chức năng của MTTQ trong việc giám sát và phản biện xã hội?

   - Trong luật không nên nói giám sát phản biện chủ trương chính sách của Đảng. Điều 4 Hiến pháp quy định: "Đảng …chịu sự giám sát của nhân dân…” Điều 9 Hiến pháp quy định: " Mặt trận…giám sát, phản biện xã hội…” vì vậy, không cần phải nói chính sách, pháp luật của ai vì chính sách, pháp luật là của Đảng, của Nhà nước mà không phải của ai khác. Do vậy chỉ cần quy định Mặt trận giám sát, phản biện chủ trương chính sách, pháp luật là đủ. 

   Theo điều 9 Hiến pháp, MTTQ Việt Nam có 5 nhiệm vụ: đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài các chương Quy định chung, thi hành, sửa đổi luật, nội dung cơ bản của Luật Mặt trận là cụ thể hóa  5 nhiệm vụ đã được Hiến định thành 5 chương. Luật phải cụ thể hóa Hiến pháp theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực thi, dễ kiểm tra. Không nên lặp lại nguyên văn của Hiến pháp.

   Trong dự thảo Luật lần này cũng đã dành tới 2 chương để quy định về giám sát và phản biện xã hội, Luật sửa đổi lần này có cơ chế nào để đảm bảo việc thực hiện, thưa ông?

   - Đối với nhiệm vụ giám sát và phản biện, luật cần quy định rõ là MTTQ địa phương tập trung giám sát, phản biện chính sách, chủ trương và văn bản pháp luật do địa phương ban hành. Giám sát, phản biện nên có trọng tâm, trọng điểm. Đảng, chính quyền các cấp nên đặt hàng trước những vấn đề cần tập trung phản biện để MTTQ chủ động có kế hoạch huy động chuyên gia, sắp xếp thời gian để làm cho kỹ. Cần khắc phục tình trạng "lấy ý kiến” mà người góp ý không đủ thời gian đọc tài liệu. 

   Chính sách, chủ trương là nguồn của pháp luật. Nếu chính sách, chủ trương chưa được cân nhắc kỹ mà ban hành pháp luật thì pháp luật sẽ khập khiễng. Chính sách thông suốt là cơ sở của tính đồng thuận, tự nguyện trong chấp hành pháp luật. Cho nên cần chú trọng phản biện, giám sát chủ trương, chính sách trước tiên. Hơn nữa, để tránh tình trạng dân chủ hình thức, trong chương về giám sát phản biện cần quy định rõ trình tự, trách nhiệm của MTTQ với các cơ quan Đảng, Nhà nước trước, trong và sau giám sát, phản biện và có chế tài cụ thể. 

   Về Ban Công tác Mặt trận tại khu dân cư có ý kiến cho rằng, việc quy định trong Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) sẽ hỗ trợ cho hoạt động của các Ban Công tác Mặt trận trong thời gian tới. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

   - Đối với quy định về Ban Công tác Mặt trận, theo tôi nên để trong Điều lệ của MTTQ Việt Nam. Thực tế Mặt trận là một tổ chức của nhân dân, không có quyền lực hành chính. Thực tế đã chứng minh thành công của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư chính là từ tính thuyết phục của công việc. 

   Trân trọng cảm ơn ông!

 

                                                                                                                                                                                                     Theo Anh Vũ (Báo ĐĐK)