Mặt trận cần có vai trò lớn hơn trong phản biện xã hội 
 Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ĐBQH Võ Thị Dung – Chủ tịch UB MTTQ TP.Hồ Chí Minh đã nói nhiều về tính chủ động và vai trò của Mặt trận được thể hiện trong Dự thảo Luật.

    

ĐBQH Võ Thị Dung

   Hiến pháp mới đã quy định chức năng giám sát của Mặt trận, theo bà, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) đã cụ thể hóa vấn đề đó chưa và cần bổ sung thêm những vấn đề gì?

   Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) đưa ra xin ý kiến Quốc hội kỳ này không có nhiều vướng mắc, vấn đề giám sát, phản biện đã rõ. Trong Luật Mặt trận Tổ quốc  Việt Nam (sửa đổi) lần này chỉ đề cập đến việc giám sát, phản biện đối với cơ quan nhà nước, rồi đại biểu dân cử, cán bộ công chức không đề cập đến tổ chức Đảng và đảng viên. Tôi thấy ý kiến của Đoàn Chủ tịch cũng đúng nhưng trong thực tiễn hiện nay, trong Điều 4 của Hiến pháp cũng đã quy định tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ pháp luật cũng là cơ sở để đưa vào Luật những nội dung cụ thể nhằm xác định mối quan hệ và vai trò của Mặt trận giám sát cán bộ đảng viên như thế nào. Theo tôi nên xem xét bởi hiện nay cán bộ công chức cũng là đảng viên nhưng đơn thuần là hệ thống chính trị chỉ nói đến quan hệ với chính quyền, chứ còn mối quan hệ của Mặt trận và vai trò của Mặt trận trong hệ thống chính trị với tổ chức Đảng chưa thể chế được trong Luật.

    Có ý kiến cho rằng việc giám sát của Mặt trận cần phải có kiến nghị với các cơ quan chức năng để thực hiện, ý kiến của bà thế nào?

   Đã giám sát thì phải đưa ra kiến nghị nhưng cơ chế giải quyết kiến nghị như thế nào thì trong Luật chưa thể hiện được. Lâu nay chúng ta vẫn giám sát, vẫn có kiến nghị nhưng kiến nghị đó vẫn mang tính chất nhân dân chứ không phải của cơ quan quyền lực. Đã là giám sát của nhân dân và kiến nghị của nhân dân cho nên chỉ là kênh để cơ quan nhà nước tham khảo chứ chưa mang tính chất bắt buộc phải giải quyết, phải thực hiện theo ý nguyện của nhân dân.

   Luật lần này về vấn đề giám sát và cơ chế đề xuất phải làm sao  để  trên cơ sở đó  có quy định khi các cơ quan tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của Mặt trận cần phải có chế tài về việc tiếp thu như thế nào và giải quyết ra sao với những kiến nghị đó chứ không phải để tham khảo, để lắng nghe, nghiên cứu chung chung. Nói tóm lại là phải có hướng xử lý rõ ràng.

  Thưa bà, hiện Mặt trận Tổ quốc đã làm chức năng giám sát. Còn một chức năng quan trọng nữa là phản biện xã hội, lâu nay chức năng này vẫn còn hạn chế. Nay Bộ Chính trị đã trao cho Mặt trận chức năng ấy, thời gian tới, từ công tác cơ sở, bà thấy chức năng phản biện cần phải tập trung ra sao?

  Theo Quyết định của Bộ Chính trị và đặc biệt trong Hiến pháp mới cũng quy định, nhưng cơ chế để thực hiện phản biện xã hội chưa được thông suốt, chưa rõ ràng, từ thực tiễn tôi hình dung là nó rất khó thực hiện.

  Theo tôi, để mọi cấp Mặt trận Tổ quốc thực hiện được chức năng phản biện phải quy định về phạm vi, nhưng việc phối hợp giữa cơ quan chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, trách nhiệm tổ chức phản biện như thế nào thì chưa rõ. Thứ hai, hiện nay Hiến pháp quy định chung, nhưng quy định của Đảng thì chỉ phản biện về các văn bản, tức là những chủ trương đó đã hình thành và đang trong dự thảo, thì phản biện ở mức như vậy. Khi muốn phản biện, Mặt trận phải trao đổi, chính quyền thống nhất thì mới thực hiện phản biện được.

   Tôi cho rằng phản biện những chủ trương không chỉ là những văn bản hay những kế hoạch trong quá trình tổ chức thực hiện có những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân thì Mặt trận được chọn lựa và Mặt trận là cơ quan chủ trì đề xuất việc đó, chính quyền tạo điều kiện để Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện sẽ thuận lợi hơn là Mặt trận đề xuất nội dung rồi chính quyền có đồng ý hay không. Nói gọn lại là nếu thế, vai trò chủ trì của Mặt trận và các đoàn thể chưa rõ lắm. Tất nhiên về nguyên tắc, việc giám sát, phản biện phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng nhưng Hiến pháp còn quy định Mặt trận đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân cho nên trong vấn đề phản biện phải làm sao thể hiện được tinh thần này; hay, Mặt trận phải có vai trò chủ động, chủ trì trong giám sát và phản biện; cơ quan chính quyền phối hợp tạo điều kiện để Mặt trận thực hiện hơn là hai cơ quan cùng phải đồng chủ trì một nội dung.

   Hiện nay cơ chế là như thế, nên tôi cho là, Luật lần này phải làm sao thể hiện được vai trò, trách nhiệm của Mặt trận cũng như các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát, phản biện. Nhưng, ngoài giám sát, phản biện các văn bản, Mặt trận  giám sát cả quá trình thực hiện sẽ hiệu quả hơn nhất là có những vấn đề từ thực tiễn mà thấy rằng không phù hợp thì Mặt trận phải có trách nhiệm phản biện bằng cách có kiến nghị nhưng kiến nghị đó không phải để tham khảo mà phải có trách nhiệm xem xét, giải quyết để đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân.

   Là ĐBQH, bà thấy các chức năng nhiệm vụ của Mặt trận đã có thể thực hiện được kiến nghị của cử tri chưa?

   Tôi thấy một số bộ ngành, các cơ quan chức năng, không phải các cơ quan quyền lực nên không có đủ yếu tố chế tài để bắt buộc các cơ quan phải thực hiện nên còn nhiều nơi, kiến nghị của nhân dân khi được Mặt trận gửi đến, một mặt trả lời nhưng trả lời không phải để tìm cách giải quyết mà trả lời để nêu khó khăn hoặc những quy định của pháp luật ràng buộc để thực hiện điều đó. Thứ hai, việc quan tâm để xem xét không đồng đều ở tất cả các bộ ngành, cơ quan chức năng.

 Xin cám ơn bà!

                                                                                                                 Theo H.Vũ-M.Loan (Báo Đại đoàn kết)