Kết quả thực hiện kết luận của Chủ tọa kỳ họp lần thứ 12, HĐND tỉnh khoá XVI 

 Tại kỳ họp lần thứ 12-HĐND tỉnh khoá XVI, Chủ toạ kỳ họp đã kết luận những vấn đề nổi lên cần được giải quyết. Ngay sau kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện kết luận, đến nay đạt kết quả như sau:

   Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
  1. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chủ trương của Quốc hội, Chính phủ về hỗ trợ ngư dân đóng tàu khai thác vùng biển xa; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, đóng mới, sửa chữa, cải hoán tàu thuyền và neo đậu tránh trú bão.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường nghề cá đẩy mạnh tuyên truyền chính sách; hướng dẫn ngư dân đăng ký vay vốn đóng tàu cá khai thác vùng biển xa, đến nay có 971 ngư dân đăng ký vay vốn trên 2.370 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã đăng ký vốn ban đầu thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản với số tiền 910 tỷ đồng.
  Theo kế hoạch, trong 3 năm từ 2014-2016 sẽ đóng mới 5 tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản, 110 tàu khai thác hải sản (trong đó 80 tàu theo phân bổ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), 30 tàu đóng mới thay thế tàu giải bản theo quy định); nâng cấp công suất 58 tàu cá lên trên 400CV. Trong đó, thí điểm triển khai thực hiện Nghị định 67 giai đoạn từ tháng 11-2014 đến tháng 3-2015 với các chỉ tiêu: Đóng mới 5 tàu vỏ thép (3 tàu khai thác, 2 tàu thu mua), 11 tàu vỏ gỗ (1 tàu thu mua, 10 tàu khai thác); đồng thời đã ban hành hướng dẫn tạm thời tiêu chí lựa chọn và trình tự xét duyệt vay vốn trong giai đoạn thực hiện thí điểm...

  2. Chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, tiến hành điều tra, đánh giá hiện trạng rừng, cắm mốc 3 loại rừng, tiến hành giao đất gắn với giao rừng cho dân, nhằm nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế rừng.
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2410/QĐ-UBND ngày 3-9-2014 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Quảng Bình, giai đoạn đến năm 2020, đồng thời chỉ đạo Sở NN-PTNT tổ chức hội nghị công bố, bàn giao hồ sơ, tài liệu quy hoạch cho các đơn vị liên quan, các địa phương quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch; xây dựng dự án cắm mốc sau quy hoạch 3 loại rừng để trình UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện.

Mở rộng các cánh đồng mẫu lớn ở Lệ Thuỷ.

  UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1334/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo Kiểm kê rừng tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2014-2020, đồng thời chỉ đạo Sở NN-PTNT xây dựng phương án kiểm kê rừng của tỉnh để điều tra, đánh giá hiện trạng rừng kèm theo dự toán kinh phí thực hiện gửi Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính thẩm định để thực hiện trong năm 2015.
Đối với việc cắm mốc ranh giới 3 loại rừng sau khi điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn đến năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT xây dựng đề cương dự án cắm mốc 3 loại rừng tỉnh, làm cơ sở để lập dự án cắm mốc 3 loại rừng trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện trong năm 2015.
  3. Đẩy mạnh xây dựng cánh đồng mẫu lớn; tiếp tục thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa. Chỉ đạo chuyển đổi diện tích cây trồng hiệu quả thấp để canh tác các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường đầu ra cho nông sản; thực hiện liên kết 4 nhà để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Năm 2014, từ nguồn chính sách nông nghiệp, UBND hỗ trợ huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch 400 triệu đồng để thực hiện chuyển đổi (định mức 4 triệu đồng/ha). Để thực hiện kế hoạch năm 2015, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN- PTNT trực tiếp làm việc với UBND các huyện, thị xã, thành phố nhằm thực hiện kế hoạch chuyển đổi 1.600ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang sản xuất các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn.
  Năm 2015, các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tiếp tục liên kết với nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo cánh đồng mẫu lớn như Công ty CP Tổng công ty Giống Cây trồng Quảng Bình, Công ty TNHH Duy Phong, Công ty Chu Hạnh, Công ty CP Lương thực Bình-Trị-Thiên....
Ngoài ra, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với các địa phương rà soát diện tích đất lúa kém hiệu quả để xây dựng kế hoạch chuyển đổi đến năm 2020.
   Lĩnh vực công thương
  1. Chỉ đạo các cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng xây dựng Nhà máy thủy điện Hố Hô; có giải pháp bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho dân do việc đầu tư xây dựng nhà máy gây ra; có giải pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho dân trong mùa mưa lũ.
UBND tỉnh đã tổ chức kiểm tra thực tế và làm việc với Công ty CP Đầu tư và Phát triển điện miền Bắc 1 và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan xác định nguyên nhân và mức độ sạt lở, biện pháp khắp phục sạt lở đất ở khu vực hạ lưu Nhà máy Thủy điện Hố Hô để bàn phương án giải quyết bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và đôn đốc chủ đầu tư hoàn thành công tác đền bù, hỗ trợ đất bị sạt lở vùng hạ du nhà máy trong quý 4/2014.
  Về hỗ trợ di dời các lăng mộ có nguy cơ bị sạt lở cao: Công ty đã cùng UBND xã Hương Hóa, các hộ dân tiến hành kiểm đếm, thống kê số có lăng mộ trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao (cách bờ sông 25 mét), số mộ hiện còn chưa di dời: 17 ngôi mộ (nhân dân đã tự di chuyển 10 ngôi mộ) để áp giá đền bù trình UBND huyện Tuyên Hóa thẩm tra và phê duyệt. Khi phương án đền bù được phê duyệt, Công ty sẽ tiến hành chi trả ngay cho người dân.
  Về hỗ trợ thiệt hại đất nông nghiệp bị sạt lở: Công ty đang tiến hành kiểm tra lại phương án đền bù, hỗ trợ diện tích đất canh tác bị sạt lở, vùi lấp (phần diện tích có thể cải tạo phục hồi được và diện tích không thể phục hồi) do Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Tuyên Hóa lập để trình UBND huyện Tuyên Hóa phê duyệt và thực hiện. Thực tế trong mấy năm qua từ năm 2010-2013 do liên tục bị ảnh hưởng, thiệt hại của lũ lụt nhà máy phải dừng sản xuất, đến đầu năm 2014 mới khắc phục và đi vào vận hành trở lại nên sản xuất kinh doanh bị thua lỗ, do đó Công ty cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn chi trả một lần số tiền hỗ trợ diện tích đất canh tác bị sạt lở của người dân.
  Về phương án khắc phục bảo đảm an toàn hồ đập, vận hành hồ chứa: Trong năm 2014, Công ty NEDI.1 đã đầu tư hơn 16 tỷ đồng xây dựng các công trình chống sạt lở hạ lưu như kè bê tông, rọ đá; thi công mỏ hàn, đê quai để nắn dòng, chống sạt lở đất vùng hạ lưu Nhà máy. Đồng thời tiến hành bảo dưỡng cửa cung tràn, máy phát điện dự phòng; xây dựng và thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa, phương án bảo vệ đập thủy điện; phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập và vùng hạ lưu nhà máy năm 2014 được UBND tỉnh Quảng Bình và UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt để thực hiện.
  2. Đánh giá chất lượng, hiệu quả đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho các xã chưa có điện lưới.
  Dự án Cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình được triển khai nhằm cung cấp điện cho trên 1.294 hộ gia đình và các đơn vị tại 9 điểm lưới quốc gia không đến được. Dự án có tổng mức đầu tư 13,783 triệu USD, trong đó: Vốn vay Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF-KeximBank Hàn Quốc) 12 triệu USD; vốn đối ứng của Việt Nam 1,783 triệu USD. Đây là dự án được Chính phủ ưu đãi cho tỉnh Quảng Bình với mục đích an sinh xã hội, theo đó cơ chế vốn cấp phát dưới dạng ngân sách.
  Dự án được bắt đầu triển khai từ đầu năm 2012, đã hoàn thành công tác tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật thi công-tổng dự toán. Trong quá trình tổ chức đấu thầu để thi công dự án, do các nhà thầu (nhà thầu Hàn Quốc) không đáp ứng đầy đủ tiêu chí của hồ sơ mời thầu, do vậy không chọn được đơn vị trúng thầu. Hiện nay, Dự án đã tổ chức đấu thầu lại và đang trong quá trình thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, dự kiến khởi công công trình vào đầu năm 2015, hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2016.

 (Theo Báo QBĐT lược ghi)
(còn nữa)