Kết quả thực hiện kết luận của Chủ toạ kỳ họp lần thứ 12, HĐND tỉnh khoá XVI (tiếp theo) 
 Tại kỳ họp lần thứ 12-HĐND tỉnh khoá XVI, Chủ toạ kỳ họp đã kết luận những vấn đề nổi lên cần được giải quyết. Ngay sau kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện kết luận, đến nay đạt kết quả như sau:
  Lĩnh vực giao thông vận tải

  1. Giải quyết dứt điểm những tồn đọng trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1; chỉ đạo các đơn vị nhận thầu thi công khẩn trương khôi phục các tuyến đường hư hỏng, xuống cấp do xe quá khổ, quá tải vận chuyển vật liệu trong quá trình thi công Quốc lộ 1.

  Hiện nay, Hội đồng GPMB đang tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân ủng hộ và tự giác chấp hành chủ trương thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, đồng thời rà soát lại các chế độ, chính sách, các khiếu nại và kiến nghị của các hộ dân để thẩm định lại phương án, tiến hành các thủ tục chi trả bồi thường, hỗ trợ bảo đảm công bằng theo đúng các quy định, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đối với các trường hợp đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng, nhưng vẫn cố tình cản trở thi công sẽ tiến hành các biện pháp bảo vệ thi công.

  Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải (GT-VT), Sở GT-VT đã làm việc với các chủ đầu tư, nhà đầu tư và các địa phương nơi có dự án đi qua để rà soát, thống nhất danh mục các tuyến đường thực tế được sử dụng làm đường công vụ và chỉ đạo  đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan thực hiện khảo sát để lập hồ sơ thiết kế, dự toán chi tiết cho công tác hoàn trả mặt đường các tuyến được sử dụng làm đường công vụ ngoại tuyến tương ứng với phạm vi của từng dự án, trình duyệt theo quy định để triển khai thực hiện sau khi hoàn thành thi công các dự án mở rộng Quốc lộ 1.

  Riêng đối với Đường tỉnh 565, các nhà thầu tập trung chở vật liệu nên lưu lượng xe tăng cao, nhiều xe quá tải làm hư hỏng nặng nhiều đoạn tuyến, gây mất an toàn giao thông. Do đó, các nhà thầu sẽ chịu trách nhiệm cung cấp vật liệu để đơn vị quản lý đường bộ bố trí máy móc, nhân sự tiến hành việc sửa chữa những vị trí hư hỏng sau khi hoàn thành thi công Quốc lộ 1, bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến.

  2. Thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng xe quá tải, quá khổ lưu thông trên các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh.

  UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-UBND ngày 3-4-2014 về việc ban hành kế hoạch phối hợp thực hiện việc tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá trọng tải của ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ, đồng thời chỉ đạo Sở GT-VT phối hợp với Công an tỉnh thành lập Trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động trên các tuyến quốc lộ. Qua các đợt tuần tra, kiểm soát đã phát hiện và xử lý 1.873 trường hợp vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 1.456 trường hợp và xử phạt các trường hợp vi phạm hành chính với tổng số tiền nộp phạt trên 5,03 tỷ đồng.  

  Trong thời gian tới, Sở GT-VT, Công an tỉnh sẽ tiếp tục duy trì hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, kiểm soát tải trọng phương tiện trên toàn bộ mạng lưới đường trên địa bàn tỉnh bằng thiết bị cân xe hoặc kiểm tra hóa đơn hàng hóa, hợp đồng vận tải, vận đơn; đồng thời tăng cường hơn nữa công tác truyền thông nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của lái xe, các đơn vị kinh doanh vận tải trong việc chấp hành nghiêm xe vận chuyển đúng tải trọng.

  3. Tích cực chỉ đạo nạo vét các cửa sông Nhật Lệ, sông Gianh, sông Roòn để tàu thuyền ra vào cửa sông được an toàn.

  Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, UBND tỉnh đã báo cáo, đề nghị Bộ GTVT và Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để nạo vét nhưng do thiếu vốn đầu tư nên Bộ GT-VT chưa thực hiện được. Bộ GT-VT, UBND tỉnh cũng đã có chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp bỏ vốn nạo vét để tận thu cát nhiễm mặn xuất khẩu, kết hợp khơi thông luồng tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền ra vào các cửa sông. Trong quá trình nạo vét, do gặp nhiều khó khăn về địa hình nên tiến độ các dự án nạo vét triển khai chậm.

  4. Khẩn trương hoàn chỉnh quy hoạch các điểm đỗ xe, các tuyến xe buýt vận tải hành khách trong và ngoài tỉnh; chỉ đạo nâng cao chất lượng phục vụ hành khách của xe buýt tại các khu du lịch; triển khai mở các tuyến xe buýt chở khách tuyến Đồng Hới-Quảng Ninh-Lệ Thủy.

  Hiện có 2 tuyến xe buýt đã công bố và đưa vào khai thác sử dụng gồm: Đồng Hới-Ba Đồn (khai thác từ năm 2012) và Đồng Hới - Phong Nha (khai thác từ năm 2014) và 2 tuyến dự kiến công bố tuyến vào thời gian sắp tới gồm: Điều chỉnh lộ trình tuyến Đồng Hới-Ba Đồn thành Đồng Hới-Ba Đồn-Ròon-Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mở mới tuyến Đồng Hới-Kiến Giang.

  Riêng tuyến Đồng Hới-Kiến Giang, trong năm 2012 Sở GT-VT đã tiến hành các thủ tục để công bố mở tuyến theo đúng các quy định, nhưng không có nhà đầu tư nào tham gia. Hiện tại, Sở GTVT đã tiếp tục thông báo (lần 2) về việc mời các đơn vị kinh doanh vận tải tham gia đầu tư khai thác tuyến theo hình thức xe buýt tự trang trải, không trợ giá; dự kiến sẽ tiến hành các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư trong quý IV năm 2014; trường hợp nếu tiếp tục không có đơn vị nào đầu tư khai thác tuyến, UBND tỉnh sẽ xem xét phương án trợ giá.

  Giai đoạn 2 của quy hoạch sẽ tiến hành mở mới 7 tuyến; về phía nam của tỉnh sẽ mở 4 tuyến, bao gồm: Thị trấn Việt Trung-thị trấn Lệ Ninh; Kiến Giang-Bang; Dinh Mười-thị trấn Lệ Ninh và Quán Hàu-Ga Lệ Kỳ. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GT-VT thực hiện các nội dung quản lý quy hoạch theo quy định; đồng thời chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể nhân dân về hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

  Lĩnh vực nội vụ

  1. Chỉ đạo rà soát lại biên chế tại các trường học trong toàn tỉnh để tổ chức xét tuyển giáo viên đúng quy định của pháp luật; giảm thiểu và chấm dứt tình trạng sử dụng giáo viên giảng dạy hợp đồng trong các trường học như hiện nay.

  UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn tỉnh kể từ ngày 1-6-2014 trở đi chấm dứt chế độ hợp đồng làm việc trong biên chế được giao, những trường hợp đặc biệt do đặc thù của ngành cần thực hiện chế độ hợp đồng lao động chờ tuyển dụng phải được sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

  Năm 2014, biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo được giao: 15.054 biên chế, kết quả thực hiện tuyển dụng 1.228 viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo, một số đơn vị đang xây dựng kế hoạch tuyển dụng trình Sở Nội vụ thẩm định dự kiến hoàn thành trước ngày 31-12-2014. Còn lại 960 biên chế chưa tuyển dụng, chiếm 6,4%. Số lượng này các đơn vị đã hợp đồng giảng dạy chưa tuyển dụng để dự phòng trong trường hợp giảm học sinh, giảm lớp. Đây là tỷ lệ biên chế dự phòng đúng định mức, phù hợp với kế hoạch tuyển dụng biên chế giáo dục đã đề ra.

  2. Chỉ đạo khẩn trương rà soát và giải quyết việc đề nghị xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” tại các huyện, thị xã, thành phố theo Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ, không để xảy ra tồn đọng hồ sơ như hiện nay.

  UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tiến hành lập hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" cho 688 bà mẹ. Hiện nay còn 37 hồ sơ đang để lại (trong đó 12 hồ sơ không đủ điều kiện tiêu chuẩn và 25 hồ sơ chưa đủ thủ tục đang hướng dẫn bổ sung, xác minh). Ngày 4-11-2014, Ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh tiếp nhận thêm 29 hồ sơ (trong đó 3 hồ sơ phong tặng và 26 hồ sơ truy tặng). UBND tỉnh đã chỉ đạo thẩm định số hồ sơ còn lại để báo cáo Trung ương chậm nhất 31-12-2014.

  3. Chỉ đạo giải quyết chế độ khen thưởng cho những người có thành tích trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã nhận bằng khen lâu nhưng không có tiền thưởng kèm theo.

  Việc giải quyết chế độ tiền thưởng kèm theo bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho những người có thành tích trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh đã nhiều lần đề nghị Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương nhưng vẫn chưa có kết quả.

  Ngày 6-7-2006, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương có Công văn số 961/BTĐKT TW-V3 về việc trả lời vướng mắc trong triển khai thực hiện Quyết định số 98/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ:  “Căn cứ Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH 11, ngày 29-6-2005 và Nghị định số 54/2006/NĐ-CP, ngày 26-5-2006 của Chính phủ thì các tập thể, cá nhân có thành tích tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có chế độ tiền thưởng kèm theo bằng khen”.

  Lĩnh vực tài chính, tín dụng

  1. Chỉ đạo giải quyết tình trạng nợ đọng thuế và thu thuế nợ đọng tại các doanh nghiệp và các khoản nợ sau cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.

  Cục Thuế triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm thu nợ thuế của các doanh nghiệp. Kết quả, trong 10 tháng đầu năm 2014 toàn ngành Thuế đã thu được 173,7 tỷ đồng tiền thuế nợ đọng. Tuy nhiên, tính đến 31-10-2014, tổng số nợ thuế toàn tỉnh là 253,8 tỷ đồng, tăng 13,3% so với thời điểm 31-12-2013. Đối với các khoản nợ sau khi cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước, đã thu hồi được trên 41,6 tỷ đồng trong tổng số nợ là hơn 57,6 tỷ đồng, còn lại hơn 16 tỷ đồng (phần vốn Nhà nước là hơn 7,9 tỷ đồng, lãi quá hạn hơn 8 tỷ đồng).

  2. Chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vay vốn đóng tàu và các phương tiện phục vụ khai thác vùng biển xa.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Bình chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tích cực triển khai nhiều giải pháp. Hiện nay đã có 6 ngân hàng (Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Đầu tư Quảng Bình, Ngân hàng Đầu tư Bắc QB, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín) đăng ký tham gia và sẵn sàng nguồn vốn (bước đầu gần 1.000 tỷ đồng) để giải ngân cho các chủ tàu có nhu cầu đóng mới, nâng cấp tàu nằm trong danh sách được UBND tỉnh phê duyệt.

(tiếp theo và hết)

(Theo Báo QBĐT lược ghi)