Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh 
 Tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Trang Thông tin điện tử UBMT tỉnh xin đăng những nội dung chủ yếu sau:
 1. Về nông nghiệp và nông thôn

Mô hình sản xuất “Cánh đồng lớn” đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm, giảm giá thành, mang lại thu nhập cao hơn, tạo tiền đề cho người nông dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy vậy, sản phẩm nông nghiệp còn có nhiều vấn đề phải giải quyết như việc tiêu thụ nông sản còn khó khăn, giá cả không ổn định, trong khi đó giá vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi vẫn còn tăng; việc dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cây trồng vật nuôi một số nơi còn chậm; hiệu quả sản phẩm còn thấp, thu nhập nông dân hạn chế. Cử tri và nhân dân đề nghị tỉnh tăng mức đầu tư cho nông nghiệp, có chính sách hỗ trợ cho người nông dân và chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp liên kết với nông dân, để hợp tác cùng phát triển theo phương thức sản xuất “Cánh đồng lớn”.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành một cuộc vận động quy mô lớn, huy động cả hệ thống chính trị các cấp và nhân dân tham gia. Nhờ  đó bộ mặt nông thôn trên địa bàn của tỉnh có sự chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng thiết yếu được xây dựng và nâng cấp, cơ cấu kinh tế được chuyển dịch phù hợp với điều kiện từng địa phương, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao, văn hóa – xã hội có bước cải thiện… Tuy nhiên, cử tri và nhân dân phản ánh vẫn còn nhiều bất cập trong việc xây dựng nông thôn mới, do yêu cầu Chương trình mục tiêu cao, có tiêu chí không phù hợp với từng địa phương; mức huy động từ đóng góp của nhân dân còn ở mức cao, trong lúc thu nhập của người dân còn thấp; nhà nước không đủ khả năng đầu tư nguồn vốn một cách kịp thời, kể cả những xã làm điểm cũng nên ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch theo dự kiến. Những bất cập trong việc vận động, thu tiền đóng của nhân dân, của các đối tượng thuộc diện khó khăn, đối tượng chính sách; bất cập trong việc lập dự toán, tổ chức đấu thầu thi công công trình…, đó là những vấn đề cần phải được rút kinh nghiệm trong thời gian tới

Cử tri và nhân dân đề nghị Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Bình kiểm tra, chấn chỉnh và có biện pháp xử lý kịp thời công tác huy động đóng góp của nhân dân cho xây dựng nông thôn mới  phù hợp trên địa bàn tỉnh theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo rà soát và quy định cụ thể về danh mục, mức trần các loại đóng góp của nhân dân, phù hợp với điều kiện của từng nơi, tránh việc địa phương yêu cầu người dân đóng góp quá nhiều, không tương xứng với thu nhập thực tế, nhưng cũng tránh được tư tưởng trông chờ, ỷ lại đầu tư của Nhà nước. Cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ cho những xã còn khó khăn, vùng sâu, vùng bãi ngang đang triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới khi chưa đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Việc huy động đóng góp của người dân phải được bàn bạc dân chủ và phải được sự đồng tình của người dân. Không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc và huy động quá sức dân; không được yêu cầu những hộ dân nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách phải đóng góp (trừ khi họ tự nguyện). Đồng thời, phải tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và tự nguyện tham gia. Tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh một số tiêu chí của Chương trình cho phù hợp với từng vùng, từng địa phương để Chương trình có tính thiết thực và khả thi.

2. Về hoạt động của doanh nghiệp và chính sách bảo hiểm đối với người lao động

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và ảnh hưởng của thiên tai năm 2013, nhiều doanh nghiệp gặp rất nhiều kho khăn trong sản xuất, người lao động không có việc làm, đời sống khó khăn, các chế độ chính sách cho người lao động không được thực hiện. Tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn còn cao (Theo báo cáo của BHXH tỉnh, tính đến 31/10/2014 các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nợ 88,894 tỷ đồng, trong đó nợ trên 03 tháng với số tiền 57,46 tỷ đồng). Tình hình chi trả các chế độ, chính sách về BHXH còn bất cập như: CNVLĐ đóng BHXH thì theo mức lương là 1.150.000đ, nhưng khi giải quyêt chế độ lại áp dụng theo mức lương là 1.050.000đ, đã ảnh hưởng đến lợi ích thiết thực của CNVCLĐ.

Đề nghị tỉnh cần có giải pháp tích cực hơn để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn nhằm duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động; chỉ đạo các doanh nghiệp phải giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động; có giải pháp thu nợ, lộ trình trả nợ đối với doanh nghiệp khó khăn; kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo BHXH Việt Nam sớm thực hiện việc đóng và hưởng chế độ bảo hiểm theo cùng một mức.

3. Về triển khai thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã cơ bản hoàn thành việc tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Quyết định số 217- QĐ/TW, Quyết định số 218- QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về ban hành "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội", "Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền". Đây là những chủ trương hết sức quan trọng nhằm tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, đồng thời tiếp tục thể chế hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, góp phần củng cố và giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Tuy nhiên, hiện nay hệ thống cơ chế giám sát và phản biện xã hội còn thiếu. Các quy định về vai trò hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ còn nằm ở nhiều văn bản, chưa cụ thể và thiếu tính đồng bộ. Các điều kiện đảm bảo hoạt động, chế độ giám sát chưa rõ ràng, khó thực hiện trong thực tế. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác MT và các tổ chức chính trị - xã hội còn thiếu, không được đào tạo cơ bản, nhất là ở cấp huyện và cơ sở; nhiều cán bộ trình độ chưa ngang tầm với nhiệm vụ, tính chuyên sâu không cao; năng lực nhìn nhận, phân tích vấn đề, đánh giá và kết luận trong quá trình giám sát và phản biện xã hội còn có mặt bất cập; đồng thời chính sách, điều kiện làm việc của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội chưa được quan tâm đúng mức đó là những trở ngại, khó khăn cho công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong thời gian tới. Do đó, đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân có liên quan cần quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, phối hợp tích cực, tạo điều kiện để Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

 Mỹ Hiền (lược ghi)

 (Còn nữa)