Chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020: Tạo bước đột phá để Quảng Bình tiếp tục phát triển 

 Năm năm qua, với sự nỗ lực, chung lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, Quảng Bình đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, từng bước đưa nền kinh tế của tỉnh đi lên.

    Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tổng thu ngân sách trên địa bàn thời kỳ 2011-2015 đạt 11.185 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với thời kỳ 2006-2010; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2015 còn dưới 5%, giảm hơn 5 lần so với năm 2011.

   Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vượt kế hoạch đề ra với 28 xã đạt xã nông thôn mới; Chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) liên tục 4 năm từ 2011-2014 đứng đầu toàn quốc; đặc biệt Du lịch Quảng Bình đã xây dựng được thương hiệu đặc trưng, thương hiệu hang động Quảng Bình bước đầu gây được tiếng vang trên thế giới, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn vào khảo sát, đầu tư tại tỉnh.

   Đó thực sự là những con số ấn tượng đã nói lên sự thành công bước đầu của tỉnh trong phát triển kinh tế-xã hội, thể hiện sự quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

   Những năm tháng khó khăn của chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2015 đang dần khép lại, đồng thời cũng sắp mở ra trang sử mới đối với tỉnh ta. Còn nhớ, sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Quảng Bình hừng hực khí thế bước vào công cuộc dựng xây mới.

   Tuy nhiên, suy thoái kinh tế thế giới, kinh tế trong nước suy giảm ngay thời kỳ đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015; việc thực hiện một số giải pháp tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu thị trường tài chính, chính sách tiền tệ thắt chặt, phần lớn nguồn vốn đầu tư dành cho thanh toán nợ xây dựng cơ bản... đã ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.

   Bên cạnh đó lại chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt là cơn bão năm 2013 với cấp 12 cấp 13 giật trên cấp 13 đã đổ bộ vào tỉnh ta gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn toàn tỉnh; hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ... tạo không ít trở ngại cho sự phát triển của địa phương. Các chính sách khuyến khích của Trung ương, của tỉnh đã có nhưng chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp lớn. Vì thế, Quảng Bình vẫn là một tỉnh nghèo, đời sống người dân còn ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo đầu nhiệm kỳ là 25,1% và là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trong 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.

   Thế nhưng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Bình không vì khó khăn mà lùi bước, không vì thiếu thốn mà nản lòng, toàn tỉnh đã quán triệt sâu sắc, chủ động, tích cực xây dựng, triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề, các chương trình, đề án cụ thể hóa các nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV bằng những mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình và giải pháp cụ thể.

   Nhờ vậy, quy mô, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế có bước cải thiện đáng kể. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, chất lượng tăng trưởng kinh tế được nâng lên; trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 22,5%; công nghiệp, xây dựng chiếm 23,5%; thương mại và dịch vụ chiếm 54%. Sản lượng lương thực bình quân đạt 28 vạn tấn/năm.

   Từ xuất phát điểm gần như trắng về công nghiệp, hiện nay công nghiệp tỉnh ta đã có bước phát triển mới. Nhiều ngành công nghiệp quan trọng của nền kinh tế như sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, may mặc, khai thác, chế biến các mặt hàng nông - lâm - thủy sản... được hình thành. Trong xu thế hội nhập, với các cơ chế chính sách rộng mở, thông thoáng, Quảng Bình đã và đang là điểm đến thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu, khảo sát, triển khai thực hiện nhiều dự án quan trọng, góp phần đắc lực vào việc thúc đẩy nền kinh tế tỉnh nhà phát triển.

   Bên cạnh đó, công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai đồng bộ và đã có những chuyển biến rõ nét. Đời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc, miền núi, vùng sâu ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 27 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%/năm (đạt 100% kế hoạch), đến cuối năm 2015 còn dưới 5%. Giáo dục và đào tạo có những chuyển biến tích cực, chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao.

   Đến năm 2015, 100% xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập trung học cơ sở; 32% trường mầm non, 72% trường tiểu học, 45% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng lên.

   Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, khơi dậy vai trò chủ thể, tính tự giác của người dân và cộng đồng dân cư, của các cấp, các ngành chung tay xây dựng nông thôn mới. Với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau, việc không cần nhiều tiền làm trước, việc cần nhiều tiền làm sau” đã tạo ra phong trào sâu rộng và nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân trong tỉnh.

  Qua 4 năm triển khai thực hiện, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, thu nhập và đời sống dân cư nông thôn được cải thiện; cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp có bước tiến đáng kể; tính chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo và làm giàu của người dân được nâng lên. Các nhân tố mới, mô hình điểm, cách làm hay được kịp thời tổng kết và nhân rộng. Số tiêu chí nông thôn mới đạt bình quân/xã của toàn tỉnh là 11,2 tiêu chí. Đến nay, toàn tỉnh có 28 xã đạt nông thôn mới, chiếm 20,58% số xã, đạt chỉ tiêu đề ra.

Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo 

   Dù trong điều kiện có nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển; tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư tổ chức khảo sát lập dự án đầu tư để triển khai đầu tư vào tỉnh, đặc biệt là các dự án mang tính động lực. Các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, thương mại, dịch vụ và một số vùng động lực như Khu kinh tế Hòn La, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng... ngày càng phát huy hiệu quả.

   Bên cạnh đó, Quảng Bình đã đổi mới trong đầu tư hạ tầng bằng việc xã hội hóa đầu tư để huy động nguồn lực xã hội trong đầu tư, xem đây là kênh đầu tư quan trọng góp phần tạo bứt phá trong đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất và phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

   Ngoài việc đầu tư hạ tầng nông thôn mới, tỉnh kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng và xây dựng cơ sở vật chất theo hình thức đối tác công tư, BT, BOT như xây dựng trung tâm hành chính tỉnh, xây dựng bến xe Đồng Hới, xây dựng bãi đỗ xe cửa khẩu Cà Roòng, xây dựng chợ ở nông thôn, thành thị và hạ tầng của huyện lỵ mới Quảng Trạch, hạ tầng thủy lợi và nhiều dự án hạ tầng khác trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã...

   Một trong những điểm nhấn nổi bật trong nhiệm kỳ 2010-2015 chính là sự phát triển của du lịch tỉnh ta với những dấu ấn hết sức quan trọng. Chưa có khi nào Quảng Bình được nhân dân trong nước và thế giới quan tâm, chú ý đến Quảng Bình, đến hang động như hiện nay.

   Truyền hình trong nước và quốc tế liên tục phát sóng những chương trình đặc biệt về Sơn Đoòng. Ngày 14-2-2015, Chương trình đặc biệt của VTV1 phát sóng “Bản hòa tấu Sơn Đoòng” đã gây tiếng vang trong nước. Ngày 13-5-2015, Hãng truyền hình ABC của Mỹ phát sóng Chương trình “Goodmorning America” truyền hình trực tiếp về hang Én và hang Sơn Đoòng đã làm cho khán giả Mỹ và thế giới thật sự choáng ngợp trước vẻ đẹp kỳ vĩ, ấn tượng của Sơn Đoòng. Đây là lần đầu tiên một địa danh của Việt Nam được ABC truyền hình trực tiếp, hơn 6 triệu thuê bao đăng ký xem truyền hình trực tiếp và khoảng 60 triệu người trên thế giới xem qua internet.

   Ngày 3-7-2015, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã được UNESCO vinh danh lần thứ hai vào danh sách Di sản thiên nhiên thế giới theo hai tiêu chí mới. Phong Nha - Kẻ Bàng là Vườn quốc gia thứ ba ở Châu Á và đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á đạt 3/4 tiêu chí dành cho một di sản thiên nhiên thế giới. Sự công nhận của UNESCO không những khẳng định mức độ da dạng, đặc hữu và toàn vẹn của thế giới tự nhiên nơi đây mà còn ghi nhận nỗ lực của tỉnh Quảng Bình trong việc quản lý, bảo tồn di sản.

   Những sự kiện trên đã góp phần khẳng định Quảng Bình thực sự là “vương quốc hang động”, nói theo một cách khác thì Quảng Bình đã xây dựng cho mình một thương hiệu đặc trưng, đặc sắc về du lịch có một không hai trên hành tinh này.

   Xác định cải cách hành chính có yếu tố quyết định, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nhất là cải cách thủ tục hành chính ở các cơ quan, chính quyền địa phương. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực, nhiều ngành, địa phương có sự đột phá, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

   Việc hiện đại hóa nền hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, điều hành công việc trên internet vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị hướng tới xây dựng chính phủ điện tử có bước phát triển mang tính đột phá. Ngày 14-4-2015, Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng đã công bố Chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Quảng Bình tiếp tục là một trong những tỉnh đứng đầu về chỉ số PAPI trong năm 2014. Đây là chỉ số đánh giá về sự hài lòng của người dân đối với bộ máy hành chính cấp tỉnh. Như vậy, 4 năm liên tục từ năm 2011 đến 2014, tỉnh ta đứng tốp đầu cả nước về Chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh.

   Để quyết tâm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, trong thời gian tới, Quảng Bình tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ và giải pháp như Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Đó là, tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư, phát triển kinh tế nhanh, bền vững; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp; chú trọng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế trọng điểm và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

   Về phát triển văn hóa - xã hội, tập trung phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học, công nghệ; chăm lo xây dựng và phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; thực hiện tốt chính sách người có công; giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...

   Có thể thấy, tiềm năng và triển vọng của Quảng Bình là rất lớn. Tỉnh đã xác định rõ hướng đi lên của nền kinh tế, đó là đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế trọng điểm, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và từng bước tạo nền tảng quan trọng để phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.

   Thành quả của 5 năm nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV chính là hành trang vững chắc, đang tạo đà, tạo bước đột phá để cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Bình bước vào Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI với quyết tâm: Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực, quyết tâm đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững.

Nguyễn Hữu Hoài
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh