PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG 85 NĂM MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM, TIẾP TỤC PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN, KHÔNG NGỪNG ĐỔI MỚI, GÓP PHẦN XÂY DỰNG TỈNH QUẢNG BÌNH PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG (Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 18/11/1930- 18/11/2015 ) 

  Trang Thông tin điện tử tổng hợp UBMT tỉnh Quảng Bình xin trân trọng giới thiệu Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/2015)

   I. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ VẺ VANG CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

  Trải qua 85 năm kể từ ngày thành lập đến nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đã không ngừng phát triển vững mạnh, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của đất nước.

   Ngay từ lúc mới ra đời, Đảng đã đề ra các nguyên tắc và chiến lược, sách xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất. Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đã xác định: Cách mạng Việt Nam phải được tiến hành bằng lực lượng cách mạng rộng lớn của toàn dân, lấy công nông làm động lực chính do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo và là một bộ phận của cách mạng thế giới. Ngoài công- nông, Đảng phải đoàn kết tất cả các giai cấp và tầng lớp có tinh thần yêu nước; phân hoá, cô lập những phần tử chống đối cách mạng.

   Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh. Bản Chỉ thị đã đề ra những nội dung cơ bản về tính chất, nhiệm vụ và những biện pháp xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất. Hội phản đế đồng minh ra đời- hình thức đầu tiên của Mặt trận dân tộc thống nhất đã gây được cao trào phản đế mạnh mẽ trong cả nước, có ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp quần chúng, đánh dấu sự trưởng thành về nhân thức và chỉ đạo thực tiễn của Đảng ta trong quá trình tổ chức và xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất.

   - Từ Hội phản đế Đồng Minh (1930) đến Phản đế liên minh (1935), Mặt trận đã góp phần quan trọng vào việc tổ chức tập hợp quần chúng đấu tranh, có tác dụng rèn luyện và chuẩn bị lực lượng cho cách mạng, với 3 cao trào cách mạng có ý nghĩa như 3 cuộc tổng diễn tập chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám: Cao trào cách mạng 1930-1935 mà đỉnh cao là Xô- Viết Nghệ Tĩnh; cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939) và cao trào giải phóng dân tộc (1939 - 1945).

   Trong những năm 1936 - 1939, chủ nghĩa phát xít xuất hiện, nguy cơ chiến tranh thế giới đang đến gần. Tháng 11/1936, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp và đổi tên thành Mặt trận thống nhất phản đế Đông Dương với mục tiêu chủ yếu và nhiệm vụ trước mắt là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống chủ nghĩa Phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hoà bình.
   Tháng 3/1938, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đã quyết định đổi tên thành “ Mặt trận dân chủ Đông Dương” nhằm chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, cơm áo, hoà bình.
   - Ngày 1/9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ, thực dân Pháp đầu hàng và thảo hiệp với phát xít Nhật, thẳng tay đàn áp phong trào dân chủ chống chiến tranh của nhân dân ta. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 11/1939 đã chỉ rõ bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn con đường đánh đổ đế quốc Pháp; chống tất cả ách ngoại xâm, tiến lên giải phóng dân tộc và nhấn mạnh nhiệm vụ chấn chỉnh các tổ chức quần chúng và chuyển hoạt động của Mặt trận dân chủ thành Mặt trận Dân tộc thống nhất chống chiến tranh.
   - Tháng 11/1940, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế nhằm tập hợp hết thảy những lực lượng phản đế, phản phong kiến ở Đông Dương đánh đổ đế quốc Pháp-Nhật và bè lũ tay sai phản lại quyền lợi dân tộc. Nhờ những chủ trương đúng đắn đó, các tổ chức phản đế nhanh chóng được phát triển, Mặt trận được mở rộng trong các tầng lớp nhân dân.
   - Năm 1941 tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến chuyển. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám đã quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Hội nghị Trung ương cũng quyết định lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Việt Minh và làm cờ Tổ quốc, khi thành lập nước Việt Nam mới; quy định những nguyên tắc về tuyên truyền, tổ chức, khẩu hiệu và phương thức đấu tranh…Tháng 10/1941, Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình, Điều lệ. Đây là lần đầu tiên một Mặt trận dân tộc thống nhất trình bày rõ ràng đường lối, chính sách, phương pháp tiến hành và tổ chức lực lượng đấu tranh để thực hiện mục đích cứu nước của mình.

   - Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng đứng trước tình thế vô cùng hiểm nghèo. Nạn đói đe doạ sinh mệnh hàng triệu người. Để bảo vệ chính quyền cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù và tay sai, nhiệm vụ củng cố và phát triển Việt Minh được đề ra. Phát triển các tổ chức cứu quốc thống nhất trong cả nước. Vai trò của Việt Minh trong đời sống chính trị của đất nước ngày càng được đề cao, ngày càng thu nhận thêm những thành viên mới, góp phần ngăn chặn và phân hoá hàng ngũ các đảng phái chính trị phản động bám gót quân Tưởng, đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân tham gia các phong trào sản xuất cứu đói, tuần lễ vàng, hũ gạo tiết kiệm… Nhờ những hoạt động có hiệu quả của Việt Minh, khối đại đoàn kết toàn dân thực sự trở thành hậu thuẫn vững chắc chống thù trong giặc ngoài, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh nguy hiểm, bảo vệ được chính quyền, chủ động chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
   - Để đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng và sự phát triển của Mặt trận dân tộc thống nhất, ngày 29/5/1946 Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam tuyên bố thành lập. Cương lĩnh của Hội chỉ rõ: “ Mục đích đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước và đồng bào yêu nước vô đảng phái không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc để làm cho nước Việt Nam độc lập - thống nhất - dân chủ - phú cường”. Việc thành lập Liên- Việt là sự phát triển của Mặt trận Dân tộc thống nhất. Thực hiện lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên-Việt đã ra sức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia kháng chiến.

   - Việc thống nhất Việt Minh và Liên Việt trở thành yêu cầu khách quan của kháng chiến và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nhằm củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Ngày 3/3/1951, Đại hội toàn quốc Mặt trận thống nhất Việt Minh - Liên Việt lấy tên là Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt). Quá trình kháng chiến toàn dân, toàn diện làm cho Mặt trận dân tộc thống nhất không ngừng lớn mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.

   - Sau Hiệp định Giơnevơ, đặc điểm lớn nhất của cách mạng Việt Nam là đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược, song có mục tiêu chung là hoàn thành sự nghiệp giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày 10/9/1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua Cương lĩnh nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận động các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua yêu nước, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, cải tạo và xây dựng miền Bắc thành cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh nhằm thực hiện thống nhất nước nhà.

   Để Mặt trận không ngừng phát huy vai trò của mình, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm theo dõi và chỉ đạo công tác Mặt trận. tại lớp huấn luyện cán bộ Mặt trận (8/1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chính sách Mặt trận là một chính sách quan trọng. Công tác Mặt trận rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng”.

   - Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời với Bản tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm, nội dung cơ bản là đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân nhằm đánh đổ chế độ độc tài tay sai của đế quốc Mỹ. Trong quá trình hoạt động, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã kịp thời đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân.

   - Ngày 20/4/1968, trên cơ sở thắng lợi và khí thế của tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam ra đời với bản Cương lĩnh thích hợp để đoàn kết và tranh thủ một số người ở thành thị, mở rộng thêm một bước Mặt trận chống Mỹ cứu nước.

   - Sau đại thắng mùa Xuân 1975, nhân dân ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội với 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (năm 1977) đã quyết định thống nhất các tổ chức Mặt trận hai miền Nam - Bắc lấy tên chung Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

   - Sau thống nhất đất nước đến nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trải qua tám lần Đại hội. Mỗi lần Đại hội là một mốc son lịch sử của Mặt trận trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức trong từng thời kỳ, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, thực sự là tổ chức liên minh chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, là một bộ phận của hệ thống chính trị nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

   II. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, TRƯỞNG THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH QUẢNG BÌNH

   Cùng với cả nước, trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, ở Quảng Bình, từ tháng 4-1930 các tổ chức cơ sở Đảng lần lượt ra đời và lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi chia lại ruộng đất công, đòi các quyền lợi dân sinh, dân chủ…

   Trong cao trào Mặt trận dân chủ (1936 - 1939) các hình thức tổ chức quần chúng được hình thành như công hội, nông hội, hội tương tế, hội thể thao… Các cơ sở Đảng trong tỉnh đã vận dụng những hình thức đấu tranh hợp pháp và bán công khai để phát triển tổ chức và tập hợp lực lượng hùng hậu của quần chúng.

   Sau Hội nghị trung ương lần thứ 8 và thành lập Mặt trận Việt Minh, từ tháng 2/1942 phong trào cách mạng ở tỉnh ta có bước phát triển nhảy vọt. Các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh một số nơi được thành lập, một số đội tự vệ, đội tuyên truyền xung phong lần lượt ra đời.

   Trước chuyển biến nhanh chóng của tình hình cách mạng, ngày 4/7/1945, tỉnh bộ Việt Minh Quảng Bình đã được thành lập với bí danh “Việt Minh Cô Tám” đã tiến hành thống nhất các tổ chức Việt Minh trong tỉnh, phát triển mạnh các đoàn thể cứu quốc…Khi thời cơ đến, tỉnh bộ Việt Minh Quảng Bình đã tiếp nhận lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương, gấp rút chuẩn bị mọi lực lượng và phát động quần chúng cách mạng vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ngày 23/8/1945.

   Năm 1947, thực dân Pháp trở lại xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Mặt trận Việt Minh và các tổ chức đoàn thể đã vận động nhân dân đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, chống địch càn phá mùa màng. Trãi qua gần 9 năm kháng chiến, Mặt trận Việt Minh ở Quảng Bình đã góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh viết nên những trang sử oanh liệt “Quảng Bình quật khởi” cùng với cả nước đánh bại thực dân Pháp, giải phóng quê hương Quảng Bình.

   Trong những năm tháng hào hùng đánh Mỹ, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã tích cực phối hợp đẩy mạnh các phong trào “ba sẵn sàng” trong thanh niên, “Ba đảm đang” của phụ nữ, với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Quảng Bình đã vinh dự, tự hào được Bác Hồ gửi thư khen là tỉnh “Chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”. Mặt trận và các tổ chức thành viên đã phát động mỗi người dân, mỗi gia đình, đơn vị phấn đấu để đạt danh hiệu “hai giỏi” ngày càng nở rộ, trở thành phong trào thi đua yêu nước mạnh mẽ, cổ vũ động viên hàng chục vạn người dân Quảng Bình chung lòng, chung sức vượt qua gian khổ, hiểm nguy lập nên những chiến công hiển hách, xây dựng nển truyền thống “Quảng Bình Hai giỏi”, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975.

   Trong công cuộc xây dựng và đổi mới quê hương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phát huy vai trò, vị trí trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội, không ngừng xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các cuộc vận động do Mặt trận chủ trì phát động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào thi đua “dân vận khéo” đã đi vào đời sống xã hội, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và bồi đắp thêm truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc. Các tầng lớp nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Qua 15 năm phát động cuộc vận động Ngày vì người nghèo, các cấp Mặt trận đã huy động được nhiều nguồn lực ủng hộ giúp đỡ người nghèo. Đến nay đã vận động được trên 282 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng gần 13.300 Nhà Đại đoàn kết, hàng trăm hộ nghèo được giúp đỡ về phương tiện sản xuất, trẻ em nghèo được đi học, người nghèo được khám chữa bệnh… Các hoạt động cứu trợ, từ thiện nhân đạo được các cấp Mặt trận và các tổ chức thành viên quan tâm thực hiện thường xuyên, kịp thời, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, động viên những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định đời sống.

   Mặt trận các cấp trong tỉnh đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh, thực sự là “cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Phát huy chức năng giám sát, phản biện tham gia đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, xây dựng đồng thuận trong xã hội. Tham gia thực hiện tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa Mặt trận với chính quyền cùng cấp.

   Mặt trận các cấp trong tỉnh không ngừng củng cố, kiện toàn về tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân để kịp thời tham mưu cấp uỷ, chính quyền giải quyết đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, tăng cường phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.

   Những hoạt động của Mặt trận TQVN tỉnh Quảng Bình đã góp phần khẳng định vai trò của Mặt trận trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới quê hương. Ghi nhận những thành tích, kết quả đã đạt được, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì.

   Kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong khí thế thi đua sôi nổi của các tầng lớp nhân dân chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Nhân kỷ niệm ngày lịch sử trọng đại này, chúng ta tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 85 năm qua, càng tự hào về truyền thống đoàn kết của dân tộc ta. Từ đó để tiếp tục để nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
TỈNH QUẢNG BÌNH