NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO (Tiếp theo) 
     Chương VII- TÀI SẢN CỦA CƠ SỞ TÍN NGƯỠNG, TỔ CHỨC TÔN GIÁO (Từ Điều 56 - Điều 59)

     1.Việc quản lý, sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.
     Đây là quy định mới của Luật nhằm duy danh cụ thể tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo gồm tài sản được hình thành từ các nguồn nào (đóng góp của thành viên tổ chức, quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định khác của pháp luật). Các tài sản này phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.
Luật cũng quy định cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo hình thành theo tập quán, do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng là tài sản thuộc sở hữu chung của cộng đồng.
Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn tài sản bằng quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

     2. Đất cơ sở tín ngưỡng, đất cơ sở tôn giáo.
    Để đảm bảo phù hợp với pháp lệnh chuyên ngành, Luật quy định đất cơ sở tín ngưỡng, đất cơ sở tôn giáo được quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.

    3. Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo.
    Luật quy định việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng; việc cải tạo, nâng cấp, xây mới công trình phụ trợ thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo thực hiện như quy định của pháp luật về xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử- văn hóa, cách mạng; việc tu bổ, phục hồi cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng; việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc các cơ sở này thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật về xây dựng.

    4.Di dời công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo.
    Việc di dời công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế- xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về xây dựng./.

Văn Minh- MT Tỉnh