NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO (Tiếp theo và hết) 

       NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO (Tiếp theo)

      1.Việc quản lý, sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.
      Đây là quy định mới của Luật nhằm duy danh cụ thể tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo gồm tài sản được hình thành từ các nguồn nào (đóng góp của thành viên tổ chức, quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định khác của pháp luật). Các tài sản này phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.
     Luật cũng quy định cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo hình thành theo tập quán, do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng là tài sản thuộc sở hữu chung của cộng đồng.
     Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn tài sản bằng quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

      2. Đất cơ sở tín ngưỡng, đất cơ sở tôn giáo.
      Để đảm bảo phù hợp với pháp lệnh chuyên ngành, Luật quy định đất cơ sở tín ngưỡng, đất cơ sở tôn giáo được quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
     3. Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo.

    Luật quy định việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng; việc cải tạo, nâng cấp, xây mới công trình phụ trợ thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo thực hiện như quy định của pháp luật về xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử- văn hóa, cách mạng; việc tu bổ, phục hồi cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng; việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc các cơ sở này thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật về xây dựng.

     4.Di dời công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo.
     Việc di dời công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế- xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về xây dựng.

      Chương VIII- QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO (06 điều, từ Điều 60- Điều 65)

      Luật quy định cụ thể nội dung quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về tín ngưỡng, tôn giáo; xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; xử lý cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo khi thi hành công vụ.

      Chương IX- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH (03 điều, từ Điều 66- Điều 68)

     1.Hiệu lực thi hành.
      Để đảm bảo thời gian cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thi hành Luật; các tổ chức, cá nhân có liên quan tiếp cận, hiểu và nắm được tinh thần, nội dung của Luật, Luật quy định hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
     Bên cạnh đó, Luật cũng có quy định về việc Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo số 21/ 2004/UBTVQH 11 ngày 18/6/2004 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
     2.Điều khoản chuyển tiếp
Nhằm đảm bảo cho các hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo và các nội dung khác được tiếp tục thực hiện khi Luật có hiệu lực thi hành, Luật dành 01 Điều quy định về các điều, khoản được chuyển tiếp (các nội dung chuyển tiếp này đã được giới thiệu tại các điều tương ứng).
     3.Về quy định chi tiết
      Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được quy định trong Luật và các nội dung hướng dẫn này phải có hiệu lực đồng thời với Luật./.

Văn Minh - MT tỉnh