Mặt trận các cấp tỉnh Quảng Bình phát huy vai trò trong công tác hòa giải ở cơ sở 
   Hòa giải là phương thức giải quyết hiệu quả các tranh chấp, tiết kiệm chi phí thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội, hạn chế kháng cáo, kháng nghị, tranh chấp khiếu kiện phức tạp, kéo dài, giảm tải cho công tác xét xử của toà án, cho công tác thi hành án. Đồng thời, kết quả hoà giải góp phần hàn gắn rạn nứt giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo sự đồng thuận, xây dựng đoàn kết trong nhân dân. Hoà giải mang đậm tính nhân văn, hoạt động vì mọi người trên cơ sở đạo đức xã hội và nền tảng pháp luật.  

   Thời gian qua, để đẩy mạnh công tác hoà giải ở cơ sở, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã ký kết với Sở Tư pháp Chương trình phối hợp về tăng cường thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2009 và các Chương trình phối hợp về thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hoà giải ở cơ sở; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính; giám sát, phản biện xã hội; hương ước, quy ước và thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường phối hợp với các ban, ngành liên quan, nhất là cơ quan tư pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã giúp nhân dân biết và nắm các văn bản pháp luật có liên quan mật thiết đến quyền, lợi ích chính đáng của công dân; nhận thức đầy đủ hơn về tình hình kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng an ninh và tình hình thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến khác nhau, từ năm 2009 đến nay, Mặt trận các cấp đã tổ chức tuyên truyền hơn 17.700 buổi với khoảng 1.074.000 lượt người tham dự; cấp phát 45.424 cuốn tài liệu đến khu dân cư để tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân chấp hành pháp luật; xây dựng 72 chuyên trang, chuyên mục trên báo, tạp chí, đài phát thanh - Truyền hình tuyên truyền nhiều chính sách, pháp luật thiết thực.

Tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen tai Hội nghị tổng kết  Luật hoà giải cơ sơ năm 2018

   Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo Mặt trận cơ sở đôn đốc, hướng dẫn Ban công tác Mặt trận trên địa bàn toàn tỉnh phối hợp củng cố và kiện toàn các tổ hoà giải ở cơ sở. Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.433 Tổ hoà giải với 9.086 hòa giải viên. Những thành viên được lựa chọn tham gia tổ hoà giải ở cơ sở là những người có phẩm chất đạo đức tốt, hiểu biết pháp luật, nhiệt tình và có uy tín với Nhân dân. Trong đó,Trưởng Ban công tác Mặt trận của thôn, bản, tiểu khu thường được bầu làm tổ trưởng và các hoà giải viên là thành viên tích cực của các đoàn thể.

   Với phương châm giải quyết vấn đề ngay từ cơ sở, từ khi mới nảy sinh, Mặt trận ở cơ sở thường xuyên nắm tình hình, ý kiến của nhân dân, kịp thời phát hiện vấn đề nảy sinh trong cộng đồng dân cư, tích cực tổ chức hoạt động hoà giải.Với sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của Mặt trận và ngành tư pháp, hoạt động hòa giải ở tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng hoạt động. Chỉ tính từ năm 2010 đến tháng 6/2017, các Tổ hòa giải trong toàn tỉnh đó thụ lý 16.013 vụ việc (liên quan đến các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai và một số lĩnh vực khác), trong đó số vụ hòa giải thành là 13.524 vụ việc, đạt tỷ lệ 84,5%.

   Có thể nói, Mặt trận đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác hoà giải ở cơ sở góp phần mang lại những kết quả tích cực, từ đó phòng ngừa, hạn chế những hậu quả, thiệt hại về vật chất và tinh thần có thể xảy ra trong cộng đồng dân cư, giảm bớt thời gian, công sức, kinh phí của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thụ lý, giải quyết các vụ việc. Qua đó, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương; phát huy tinh thần đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là giảm thiểu đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trong thời gian qua. Đồng thời thông qua hoạt động của các tổ hoà giải đã tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, chế độ, chính sách của Nhà nước đến nhân dân.

  Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế.

   Thứ nhất, vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền cấp xã chưa coi trọng ý nghĩa của công tác hoà giải nên chưa quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, đầu tư kinh phí để nâng cao hiệu quả công tác này ở địa phương.

   Thứ hai, việc phối hợp giữa cơ quan Tư pháp với MTTQVN, các tổ chức thành viên ở một số nơi chưa thường xuyên và còn thiếu chặt chẽ. Quá trình hoà giải, nhiều vụ việc chưa giải quyết triệt để mâu thuẫn dẫn đến tình trạng mâu thuẫn kéo dài và nhiều trường hợp phải chuyển cơ quan cấp trên giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự...
Thứ ba, công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho hoà giải viên chưa được tổ chức thường xuyên, kịp thời. Một số hoà giải viên còn hạn chế về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng hoà giải ở cơ sở, nên kết quả hòa giải chưa cao.

   Thứ tư, công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng về công tác hòa giải ở một số địa phương chưa được thực hiện đầy đủ.

   Từ những khó khăn, tồn tại nêu trên; để thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải trên địa bàn toàn tỉnh, trong thời gian tới, Mặt trận các cấp cần quan tâm thực hiện một số giải pháp như:

   - Tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền tăng cường sự lãnh đạo, quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải.

   - Tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các văn bản pháp luật, chế độ, chính sách trực tiếp tác động đến đời sống, quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân để Nhân dân nắm và thực hiện.

   - Thường xuyên củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải, Ban công tác Mặt trận, “Nhóm nòng cốt”, các mô hình điểm ở khu dân cư theo hướng hiệu quả, chất lượng; gắn hoạt động hòa giải cơ sở với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây nông thôn mới, đô thị văn minh” nhằm thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Chú trọng phát huy vai trò của các vị cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số, các vị chức sắc, chức việc trong các tôn giáo, những cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng dân cư tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.

   - Phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong hoạt động hoà giải ở cơ sở. Tăng cường nắm thông tin, tình hình nhân dân nhằm kịp thời phát hiện những mâu thuẫn trong Nhân dân; kịp thời phối hợp làm tốt công tác hòa giải để giải quyết ngay tại cơ sở, tránh để mâu thuẫn phát sinh, kéo dài, thành việc lớn và phức tạp, gây mất đoàn kết và mất ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội.

   - Quan tâm công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cũng như cung cấp các tài liệu hướng dẫn cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Kiến nghị Ủy ban nhân dân các cấp quan tâm bảo đảm kinh phí hoạt động cho công tác hòa giải ở cơ sở và công tác tuyên truyền; giải quyết kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách cho hoà giải viên.

\   - Chú trọng sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, nhân rộng những cách làm hay, có hiệu quả từ cơ sở để đề nghị Ủy ban nhân dân cùng cấp kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động hoà giải.

 

Mỹ Hiền