Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh: Khi vai trò của Mặt trận được phát huy 
   Cùng với việc phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã triển khai toàn diện và ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả việc giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Qua đó, phát huy vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. 

   Công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận các cấp. Xác định rõ vị trí, vai trò của mình, trong quá trình hoạt động, Mặt trận các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên góp ý thường xuyên, định kỳ và đột xuất bằng nhiều hình thức khác nhau với hàng trăm ý kiến đối với các cấp ủy đảng, chính quyền về những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

   Công tác phối hợp giữa Mặt trận với HĐND, UBND và các đơn vị liên quan trong các hoạt động ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Đặc biệt là trong tổ chức tiếp xúc cử tri, đối thoại trực tiếp với nhân dân, các kỳ họp HĐND và trong thực hiện các chương trình phối hợp.

   Chính vì vậy, những ý kiến của cử tri do Mặt trận tổng hợp đã phản ánh một cách toàn diện đến cấp ủy, chính quyền; giúp cấp ủy, chính quyền không ngừng nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, hướng đến sự hài lòng của nhân dân.

    Trong 5 năm qua, Mặt trận các cấp đã chủ trì phối hợp với các đoàn thể chính trị-xã hội thường xuyên nắm bắt tình hình nhân dân, tổng hợp được trên 2.500 lượt ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và nhân dân để kịp thời đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền có biện pháp giải quyết, tháo gỡ.

   Mặt trận các cấp đã phối hợp tổ chức đối thoại trên nhiều lĩnh vực, như: đối thoại của Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành với nhân dân xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) về các vấn đề liên quan đến dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, thương mại và giải trí cao cấp FLC Quảng Bình; đối thoại với nhân dân thôn Vĩnh Sơn (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) về công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dời đối với việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương đối thoại với nhân dân về giải phóng mặt bằng quốc lộ 1A, bồi thường sự cố môi trường biển, về xây dựng nông thôn mới, thực hiện các chế độ, chính sách…

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Trần Quang Minh cho biết thêm: “Hàng năm, Ủy ban MTTQVN tỉnh và các đoàn thể chính trị-xã hội đã chủ động lựa chọn các vấn đề nổi lên, được dư luận quan tâm hoặc các vấn đề đang bức xúc trong nhân dân để tổ chức giám sát bằng nhiều hình thức và phương pháp phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của đơn vị.
Từ năm 2014 đến nay, Mặt trận 3 cấp và các tổ chức đoàn thể đã chủ trì tổ chức 1.231 cuộc giám sát; phối hợp tham gia giám sát với HĐND và các cơ quan có thẩm quyền 1.881 cuộc; nghiên cứu, xem xét 2.321 văn bản của các cơ quan chức năng ban hành liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân.
Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng đã tổ chức giám sát 4.067 cuộc. Trên cơ sở kết quả giám sát, đã kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng, được cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận và kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, giải quyết, trả lời”.

    Bằng các hình thức, như: tổ chức hội nghị, gửi văn bản dự thảo đến các cơ quan liên quan và các chuyên gia để lấy ý kiến phản biện, đối thoại trực tiếp với cơ quan dự thảo văn bản, trong 5 năm qua, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp đã tổ chức 1.826 cuộc phản biện xã hội.

   Những ý kiến phản biện của Mặt trận đã được các cơ quan dự thảo văn bản nghiên cứu, tiếp thu, góp phần nâng cao chất lượng các văn bản được ban hành, bảo đảm tính khả thi của các chương trình, kế hoạch, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chính quyền địa phương, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội khi triển khai thực hiện.

    Thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018-2020, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; theo dõi, phát hiện và tố giác các hành vi tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

   Mặt trận các cấp thường xuyên lắng nghe, thu thập và sử dụng hiệu quả các kênh thông tin, phản ánh về tham nhũng, lãng phí và xử lý kịp thời các đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân về tham nhũng, lãng phí gửi đến.

Đồng chí Trần Văn Tuân, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQ tỉnh tặng quà cho các hộ nghèo xã Trọng hóa và xã Dân Hóa

    Mặt trận các cấp phối hợp với chính quyền tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” theo quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

   Cụ thể như: tổ chức cho nhân dân tham gia ý kiến vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng công trình công cộng phục vụ dân sinh, thông báo các khoản đóng góp tại địa phương, xét đối tượng được hỗ trợ xây dựng nhà "Đại đoàn kết”, hộ nghèo hưởng chế độ chính sách, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ, thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển... Ủy ban MTTQVN tỉnh đã hướng dẫn Mặt trận cơ sở cùng các tổ chức thành viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước thôn, bản, tổ dân phố phù hợp với tình hình mới. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.250 hương ước và thực hiện sửa đổi 552 hương ước; xây dựng 717 quy ước bảo vệ rừng.

   Với những kết quả đạt được trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, Mặt trận các cấp đã tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của mình trong hệ thống chính trị của tỉnh, là cầu nối gần nhất giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

 (Theo Báo QBĐT)