Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân 

   Đại hội đại biểu MTTQVN tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2019-2024 là sự kiện chính trị quan trọng nhằm đánh giá toàn diện tình hình, kết quả vận động, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong tỉnh, đồng thời đề ra chương trình hành động thiết thực, hiệu quả trong giai đoạn mới. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quảng Bình có cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Văn Tuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh.

 

   PV: Lời đầu tiên, xin cảm ơn đồng chí đã nhận lời phỏng vấn của chúng tôi. Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của MTTQVN tỉnh trong nhiệm kỳ qua?

      Đ/c Trần Văn Tuân: Có thể khẳng định rằng, thông qua việc thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban MTTQVN các cấp và Ban công tác Mặt trận, hướng các hoạt động về cơ sở, địa bàn khu dân cư, vai trò, vị trí của Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh thể hiện rõ nét hơn, thực sự là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân.

   Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang thăm hỏi, trò chuyện với vợ chồng ông Hồ Lào (bản Hà Nôông, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa), 1 trong 43 hộ ĐBDTTS nghèo được Ủy ban MTTQVN tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố.

   Việc phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, triển khai các cuộc vận động (CVĐ), các phong trào thi đua yêu nước được thực hiện bài bản, có trọng tâm, trọng điểm và sản phẩm cụ thể.

    Điểm nhấn trong nhiệm kỳ qua là Mặt trận các cấp đã đẩy mạnh và nâng cao chất lượng CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Bằng việc cụ thể hóa thực hiện các nội dung CVĐ gắn với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy mọi nguồn lực của Nhà nước và cộng đồng dân cư.

     Đến nay, toàn tỉnh có 404 mô hình điểm triển khai thực hiện CVĐ, trong đó nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, đã được Mặt trận các cấp tổng kết, nhân rộng. Thông qua thực hiện cuộc vận động, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.
Tỷ lệ “Gia đình văn hóa” hàng năm đạt trên 80% (tăng gần 7,3% so với đầu nhiệm kỳ), “Khu dân cư văn hóa” đạt trên 65% (tăng 15,6%). Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội cũng có nhiều đổi mới, nhất là khâu vận động nguồn lực và phương thức hỗ trợ cho các đối tượng.

    Công tác giám sát và phản biện xã hội ngày càng đi vào chiều sâu. Công tác dân tộc, tôn giáo, đối ngoại từng bước đổi mới, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.

   PV: Vậy những tồn tại, hạn chế của Mặt trận các cấp hiện nay là gì, thưa đồng chí?

    Đ/c Trần Văn Tuân: Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã nhìn nhận một cách khách quan và thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế, còn tồn tại của Mặt trận các cấp. Đó là công tác phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở một số nơi chưa thường xuyên, thiếu tính sáng tạo.

   Sự phối hợp giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên để kịp thời nắm bắt tình hình, giải quyết tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc trong các tầng lớp nhân dân có lúc, có khi chưa nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả chưa cao.

   Công tác truyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc, tôn giáo ở một số nơi còn hạn chế và thiếu giải pháp cụ thể. Kết quả triển khai các phong trào, CVĐ chưa tạo được sự chuyển biến tích cực đến mọi mặt đời sống và ổn định tình hình nhân dân trên địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng cồn bãi.

   PV: Từ thực tiễn hoạt động trong nhiệm kỳ qua, Mặt trận các cấp đã rút ra được bài học kinh nghiệm quý nào, thưa đồng chí?

    Đ/c Trần Văn Tuân: Thứ nhất, sự lãnh đạo của cấp ủy đảng là yếu tố quyết định quá trình thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao hiệu quả công tác Mặt trận trong thời kỳ mới. Đảng vừa là lãnh đạo, vừa là thành viên gương mẫu của Mặt trận, tạo điều kiện cho Mặt trận phát huy vai trò, vị trí của mình trước yêu cầu nhiệm vụ mới.

     Thứ hai, mọi hoạt động của Mặt trận các cấp phải hướng đến mục tiêu đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Mặt trận phải thực sự là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, chính quyền; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và đại diện nhân dân để phản ảnh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân với Đảng và Nhà nước, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền; hướng dẫn để nhân dân tổ chức và đẩy mạnh hoạt động tự quản ở cơ sở.

    Thứ ba, Ủy ban MTTQVN các cấp phải thực hiện tốt vai trò chủ trì hiệp thương để các tổ chức thành viên phát huy sáng kiến, thế mạnh của mình đề xuất và phối hợp xây dựng, triển khai các hoạt động phù hợp với nhiệm vụ của Mặt trận và chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thành viên. Các cá nhân tiêu biểu của Ủy ban MTTQVN các cấp cần được giao các nhiệm vụ cụ thể, phù hợp và được hỗ trợ để thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công.

     Thứ tư, quan tâm có chính sách cán bộ phù hợp để xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận chuyên trách các cấp đủ về số lượng và đạt yêu cầu về chất lượng, có sự phân công hợp lý và được bảo đảm điều kiện làm việc cần thiết. Mặt khác, mỗi cán bộ Mặt trận phải không ngừng tự phấn đấu vươn lên, rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ công tác để đáp ứng ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ.

     Thứ năm, Mặt trận các cấp không ngừng nâng cao tính chủ động, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tập trung hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức các phong trào ở cơ sở, đưa lại kết quả thiết thực, có sản phẩm cụ thể. Phát huy vai trò của những người có uy tín, chức sắc tôn giáo, dân tộc trong công tác Mặt trận. Quan tâm xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.

    PV: Theo đồng chí, những vấn đề đặt ra cho MTTQVN tỉnh trong nhiệm kỳ 2019-2024 là gì?

     Đ/c Trần Văn Tuân: Trong những năm tới, bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước và tỉnh nhà sẽ có nhiều chuyển biến mới, tác động sâu sắc đến công tác vận động quần chúng nói chung và công tác Mặt trận nói riêng.

    Đối với tỉnh Quảng Bình, sau 30 năm tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự điều hành của chính quyền các cấp đã đạt nhiều thành quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố và phát triển.

    Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường, của quá trình toàn cầu hóa và sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị với nhiều phương thức, thủ đoạn mới... làm nảy sinh thêm nhiều khó khăn, thách thức.

    Nhu cầu đầu tư cho phát triển, nhất là kết cấu hạ tầng, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu... vì sự phát triển bền vững rất lớn nhưng nguồn lực còn hạn hẹp. Tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, tình hình an ninh trật tự ở cơ sở còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết.

     Chính vì vậy, vấn đề đặt ra cho Mặt trận các cấp trong tỉnh là phải không ngừng tự đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp để xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân.

     Đồng thời, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, địa bàn khu dân cư để triển khai hiệu quả các CVĐ, các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; phát huy dân chủ, đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội, phòng chống tham nhũng, lãng phí; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Mặt trận các cấp phải không ngừng xây dựng và củng cố về tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tập hợp, xây dựng khối đoàn kết dân tộc trong tỉnh.

      PV: Để tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận các cấp trong giai đoạn mới, xứng đáng là ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa đồng chí?

     Đ/c Trần Văn Tuân: Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Mặt trận các cấp là đa dạng và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân; phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, người tiêu biểu, có uy tín trong cộng đồng dân cư; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

    Mặt trận các cấp tiếp tục chủ trì, phối hợp đẩy mạnh CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đổi mới nội dung và phương thức triển khai các hoạt động “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội với mục tiêu tăng cường tính hiệu quả, thiết thực, phối hợp đồng bộ với những giải pháp giảm nghèo của Nhà nước; tiếp tục nâng cao chất lượng CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tổ chức tốt Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư để không ngừng khơi dậy truyền thống đoàn kết, gắn bó giữa các tầng lớp nhân dân ở cộng đồng dân cư.

     Nhiệm kỳ 2019-2024, Ủy ban MTTVN tỉnh đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể như: 100% khu dân cư duy trì thực hiện nội dung CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với chất lượng cao; 100% khu dân cư thực hiện hiệu quả công tác vận động, sử dụng Quỹ “Vì người nghèo”, hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; hàng năm, Mặt trận và các tổ chức thành viên góp phần xây dựng trên 70% thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”, trên 80% hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”

…    PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

(Theo Báo QBĐT)