LỆ THỦY QUÊ HƯƠNG CỦA HAI DI SẢN 
   Ngày Quốc khánh 2/9 lại về, người dân Lệ Thủy ở khắp mọi miền Tổ quốc đang hướng về ngày Hội đua thuyền truyền thống trên song Kiến Giang, một nét văn hóa độc đáo đầy ý nghĩa, thu hút số lượng người đổ về dự Hội lên đến hàng trăm ngàn người. Cùng với đó, Lễ đón nhận bằng Di sản và tôn vinh Lễ Hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang sẽ được tổ chức hoành tráng, trang trọng. 

    Mời bạn về quê hương Lệ Thủy anh hùng trong những ngày tháng Tám lịch sử cũng như có mặt ở đây trong ngày Hội lớn. Bạn sẽ cảm nhận được thế nào là tinh thần, là truyền thống, là sức mạnh của dân tộc. Tất cả những điều đó đã, đang và sẽ được những thế hệ người dân vùng sông nước quê tôi - quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữ gìn, bảo tồn và phát huy, minh chứng cho những giá trị vĩnh hằng không bao giờ mai một với thời gian. Và giờ đây, chúng tôi tự hào được là người con của quê hương của 2 Di sản phi vật thể cấp Quốc gia: Hò khoan Lệ Thủy và Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.

Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang nhân dịp Quốc khánh 2/9 

   Cách đây hơn 2 năm ngày 08-5-2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công nhận Hò khoan Lệ Thủy là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hò khoan Lệ Thủy là một hệ thống gồm 9 mái hò chính. Mỗi mái là một làn điệu tự thân mang cấu trúc âm nhạc riêng dù nằm trong một tổng thể có quan hệ mật thiết với nhau. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tính đến một số làn điệu có mối quan hệ chặt chẽ như hát ru, kể vè….Hò khoan Lệ Thủy là sản phẩm văn hóa tinh thần vô cùng quý giá của người dân Lệ Thủy trong trường kì lịch sử mở làng, lập ấp, phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, chiến đấu chống giặc ngoại xâm, chinh phục thiên nhiên, vượt qua gian khổ của người dân để cùng nhau tụ cư và xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Đây là một loại hình văn hóa dân gian độc đáo, phản ánh mọi mặt của cuộc sống, diễn ra phong phú mọi lúc, mọi nơi; thể hiện tâm hồn, trí tuệ, khát vọng của người dân Lệ Thủy, đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật dân tộc Việt Nam.

   Và hôm nay, ngày 27-8-2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho Lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy. Đua, bơi thuyền là hoạt động có từ lâu đời của người dân nơi đây, với ý nghĩa rèn luyện sức khỏe, thi thố tài năng của trai gái trong làng và cầu mong một mùa mưa thuận gió hòa, sản xuất bội thu. Từ sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Lễ hội này được người dân Lệ Thủy tổ chức thường niên vào ngày 2.9, nhằm chào mừng Quốc khánh hay còn gọi là Tết Độc lập. Hoạt động này đã khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần thượng võ trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp..

   Đã 74 năm trôi qua kể từ khoảnh khắc chiến thắng hào hùng của nhân dân Lệ Thủy trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền mùa thu tháng Tám năm 1945. Trong những ngày này, trên khắp mọi nẻo đường quê ở Lệ Thủy rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu; hệ thống loa truyền thanh ngân vang những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương đổi mới và cổ vũ tinh thần Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9 bất diệt; nhà nhà treo Cờ Tổ quốc, đường làng ngõ xóm được vệ sinh phong quang sạch sẽ. Ngồi ở đâu, làm gì người ta cũng bàn tán về chuyện đua bơi, bóng ban, hội hè… thật đúng như câu ca:

                 “Dù ai đi tây về đông
          Mồng hai tháng chín cũng mong về nhà
                 Về nhà xem hội quê ta
          Dưới sông bơi trải nhà nhà cờ bay”.

   Ngày Quốc khánh 2/9 lại về, người dân Lệ Thủy ở khắp mọi miền Tổ quốc đang hướng về ngày Hội, ngày Tết Độc lập - một nét văn hóa độc đáo đầy ý nghĩa, thu hút số lượng người đổ về dự hội lên đến hàng trăm ngàn người. Cùng với đó, Lễ đón nhận bằng Di sản và tôn vinh Lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang sẽ được tổ chức hoành tráng, trang trọng tại Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Lệ Thủy vào tối 01/9.

    Trong không gian ngập tràn tiếng Hò khoan mát ngọt, lắng sâu nghĩa tình, Lễ hội bơi đua thuyền sẽ chính thức đón nhận bằng di sản phi vật thể cấp Quốc gia, đưa miền quê xứ Lệ trở thành quê hương của 2 Di sản.

Thật đúng là:

          “Giai điệu hòa hùng, rộn vang sông nước,
          Trai Lệ Thủy, chắc tay chầm lướt tới.
           Từ Cồn Soi, tới Ngã ba Mũi Viết,
           Lòng người lên dậy sóng nối tương lai.
          Trai hô trai, khoan hô khoan,
          Trai hô trai, khoan ơi khoan, hò khoan...".

Thu Hiền – MT Lệ Thủy