Mô hình “Xứ đạo bình yên, gia đình hòa thuận”ở thôn Phúc Đồng 3, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch cần tiếp tục được nhân rộng 
Mô hình “Xứ đạo bình yên, gia đình hòa thuận” ở thôn Phúc Đồng 3, đồng bào Công giáo sau những năm triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả; tình hình ANCT, TTATXH trên địa bàn so với trước đã có những chuyển biến tích cực; kinh tế - xã hội phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân xã Phúc Trạch nói chung và đồng bào Công giáo nói riêng ngày càng được nâng lên. 

    Khu dân cư thôn 3 Phúc Đồng, xã Phúc Trạch huyện Bố Trạch thuộc diện 135, có đường Hồ Chí Minh nhánh đông và tây đi qua. Toàn thôn có 454 hộ và 1.754 nhân khẩu, hơn 97% đồng bào theo đạo công giáo, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thời tiết khắc nhiệt, đất đai khô cằn, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay 8,02%, tỷ lệ hộ cận nghèo 7,8%.

Lễ ra mặt Mô hinh "Xứ đạo bình yên, gia đình hòa thuận"

    Thực hiện xây dựng mô hình “Xứ họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận” được Ban thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo UBND, Thường trực UBMTTQVN xã đặc biệt quan tâm, nhất là được sự tham gia góp ý của các linh mục, Hội đồng mục vụ và sự đồng thuận của toàn dân, với 5 nội dung về “Xứ, Họ đạo bình yên” và 5 tiêu chí về “Gia đình hoà thuận”. Để đảm bảo mô hình đạt kết quả tốt, Ban công tác Mặt trận ở KDC hoạt động dựa trên tinh thần trách nhiệm, tự giác, tự nguyện là chính và được điều chỉnh, ràng buộc bởi Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo và Ban vận động.

   Sau một thời gian triển khai và thực hiện 5 nội dung “Xứ, họ đạo bình yên” và 05 tiêu chí “Gia đình hòa thuận” đã dần dần đi vào cuộc sống. Các vị linh mục quản xứ, Hội đồng mục vụ các xứ, họ đạo và toàn thể giáo dân không chỉ đồng tình, ủng hộ mà còn tích cực tham gia vào công tác đảm bảo ANTT ở khu dân cư. Nhiều vấn đề liên quan đến nhu cầu, nguyện vọng sinh hoạt tôn giáo chính đáng của giáo dân đã được các vị linh mục, HĐMV trao đổi với các cấp chính quyền để giải quyết thấu đáo.

   Trong thực hiện mô hình “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hoà thuận” luôn gắn liền với phong trào tự quản trong nhân dân đối với công tác bảo vệ ANTT trên địa bàn. Qua thực hiện mô hình đã thành lập 12 Tổ nhân dân tự quản về ANTT tại các cụm dân cư trên địa bàn. Đây là một tổ chức quần chúng hoạt động dựa trên tinh thần tự giác, tự nguyện và có Quy chế hoạt động rõ ràng, mỗi tổ có từ 25 đến 35 hộ dân ở liền kề, có một Tổ trưởng và một Tổ phó do các thành viên trong Tổ thống nhất bầu ra; nhiệm vụ chủ yếu của Tổ nhân dân tự quản về ANTT là: tuyên truyền vận động các thành viên trong tổ chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; tham gia giữ gìn ANTT, thực hiện nếp sống văn hoá ở khu dân cư; tích cực tham gia công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tham gia quản lý, giáo dục, cảm hoá giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư; tham gia hoà giải các mâu thuẩn để giữ gìn mối đoàn kết tương thân, tương ái trong nội bộ nhân dân, xóa bỏ tâm lý “Đèn nhà ai nấy rạng”. Hàng năm các tổ nhân dân tự quản đều có tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm trong qua trình hoạt động của một năm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ của năm sau.

   Thông qua tổ nhân dân tự quản mà hàng năm nhân dân đã cung cấp cho chi ủy, chi bộ và trực tiếp hòa giải các xích mích trong cụm dân cư. Nhiều vụ việc xẩy ra trong tổ đều được các tổ nhân dân tự quản giải quyết ngay tại chổ. Qua đó đã phát huy tình làng, nghĩa xóm được, giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn, cũng chính nhờ tổ nhân dân dân tự quản và việc vận động nhân dân tham gia các cuộc vận động, các hoạt động từ thiện, nhân đạo đều được nhân dân tham gia hưởng úng tích cực, như cất bóc mồ mã vào nghĩa trang và thực hiện các buổi tuyên truyền về học tập các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước ngay tại buổi sinh hoạt của Tổ như, Hiến Pháp sửa đổi năm 2013, Luật đất đai 2013, Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2018…

    Mô hình “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hoà thuận” đến nay đã phát triển sâu rộng đến 12 thôn trên địa bàn xã Phúc Trạch góp phần đưa đời sống vật chất và tinh thần của người công giáo ngày càng được đổi mới. Chính sách về tín ngưỡng và tôn giáo của Đảng và Nhà nước đã đáp ứng nguyện vọng chính đáng của bà con giáo dân, củng cố niềm tin của giáo dân đối với Đảng và Nhà nước; tạo được niềm tin, phấn khởi trong đồng bào tín đồ và các vị chức sắc. Chi ủy, chi bộ thôn Phúc Đồng 3 luôn quan tâm gặp gỡ, đối thoại với các thành viên Hội đồng mục vụ, tổ chức giao lưu bóng đá, bóng chuyền, gặp gỡ, chúc mừng vào các dịp lễ, Tết, các dịp lễ trọng của giáo hội. Vì vậy mà bà con giáo dân trong toàn thôn ngày càng yên tâm, tin tưởng và hăng hái thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần vào công cuộc đổi mới của quê hương, củng cố khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia xây dựng bảo vệ ANTT đảm bảo ổn định tình hình trên địa bàn xã Phúc Trạch.

    Phải khẳng định rằng mô hình “Xứ, họ đạo bình yên gia đình hòa thuận” của thôn Phúc Đồng 3, xã Phúc Trạch đã thực sự phát huy có hiệu quả. Từ khi triển khai và thực hiện mô hình “Xứ, họ đạo bình yên gia đình hòa thuận” và thành lập các tổ nhân dân tự quản, tình hình ANTT trên địa bàn thôn có nhiều chuyển biến tích cực, tình hình tội phạm được kiềm chế, các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội của con em trong thôn giảm hẳn; ý thức tham gia giữ gìn ANTT, đấu tranh phòng, chống và tố giác tội phạm của bà con nhân dân trong thôn được nâng lên. Thông qua mô hình đã vận động bà con giáo dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và các quy định của địa phương góp phần tích cực cho phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

    Qua việc triển khai thực hiện mô hình có thể rút ra một số bài học, kinh nghiệm như sau:

   Một là, Công tác xây dựng mô hình “Xứ đạo bình yên, gia đình hòa thuận” ở vùng đồng bào theo đạo Công giáo phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, sự thống nhất quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở, có kế hoạch được chuẩn bị chu đáo; có cơ chế, biện pháp cụ thể để phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành, đoàn thể.

    Hai là, Coi trọng và thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; kết hợp chặt chẽ giữa công tác vận động quần chúng rộng rãi với công tác vận động cá biệt lôi kéo và phát huy vai trò tích cực của chức sắc, chức việc, người đứng đầu tổ chức tôn giáo vào cuộc. Nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, thiết thực giúp chức sắc, chức việc, quần chúng giáo dân thấy rõ lợi ích, quyền và trách nhiệm của mình trong thực hiện mô hình từ đó đồng tình ủng hộ, tích cực, tự giác tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ.

     Ba là, Công tác xây dựng mô hình tổ chức quần chúng tự quản về ANTT ở vùng đồng bào theo đạo Công giáo ngoài việc thực hiện các bước theo quy trình chung thì nội dung, tiêu chí cần phải xác định cụ thể, phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương; kết hợp được những điểm tích cực, tương đồng trong giáo lý, giáo luật, đạo đức tôn giáo với các quy định pháp luật và đạo đức, văn hóa truyền thống dân tộc. Hình thức, biện pháp thực hiện cần phong phú, theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải từ cơ sở và tạo điều kiện để chức sắc, chức việc, quần chúng giáo dân tham gia nhiều hơn, trực tiếp hơn trong thực hiện mô hình và công tác bảo vệ ANTT.

    Bốn là, Để phong trào, mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững, quá trình thực hiện phải chú trọng gắn kết chặt chẽ với các phong trào, các cuộc vận động khác do Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể và tổ chức tôn giáo phát động; kết hợp với công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân cũng như quan tâm giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi để các nhu cầu tôn giáo chính đáng của chức sắc, chức việc và quần chúng giáo dân phát triển tự nhiên phù hợp với thực tế.

   Năm là, Quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; có chính sách động viên, khen thưởng phù hợp, kịp thời cho các tập thể, cá nhân nhất là các chức sắc, chức việc, quần chúng giáo dân có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, trong thực hiện nội dung, tiêu chí mô hình. Lực lượng Công an cần tích cực hỗ trợ giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT, thường xuyên mở các đợt tấn công, trấn áp tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội; phát hiện và xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm pháp luật; tạo khí thế thi đua và môi trường thuận lợi cho phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ phát triển sâu rộng.

Câc tập thể xuất sắc được UBMT tỉnh tặng Bằng khen tại Hội nghị biẻu dương điển hình tiên tiến giai đoạn 2019-2020

   Với những kết quả đã đạt được trong triển khai thực hiện Mô hình “Xứ đạo bình yên, gia đình hòa thuận” thôn Phúc Đồng 3, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch đã vinh dự được báo cáo điển hình tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến MTTQ tỉnh giai đoạn 2015-2020 và được Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh tặng Bằng khen tại Hội nghị./.

Trần Hùng