Những kết quả hoạt động nổi bật trong năm 2020 của Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh 
     Với sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ Mặt trận, sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền và các tổ chức thành viên, công tác Mặt trận các cấp trong tỉnh diễn ra sôi nổi, thiết thực, góp phần quan trọng tạo sự ổn định và phát triển KT-XH của tinh trong năm 2020  

 

Lễ khánh thành và bàn giao 64 Nhà bè vượt lũ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá      

      Sau đây là 10 kết quả nổi bật của công tác Mặt trận năm 2020.

    1. Mặt trận các cấp thực hiện tốt công tác tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19; vận động Nhân dân ủng hộ, khắc phục hậu quả do đại dịch; giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ
       Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã tập trung tuyên truyền, thông tin về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch bệnh đến các tầng lớp Nhân dân. 100% xã, phường, thị trấn, 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh từ 2 đến 4 lần/ngày. Các Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư đã đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm túc các quy định trong phòng, chống đại dịch nên đã phát huy hiệu quả, nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân trong phòng, chống dịch. Các cấp Mặt trận tăng cường các văn bản hướng dẫn cách thức phòng chống, giản cách xã hội; viết các tin bài đăng tải trên Website của các đơn vị và qua các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, vận động Nhân dân. Các hình thức tuyên truyền phù hợp với bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

    Có thể nói, vai trò của Mặt trận, các tổ chức thành viên các cấp trong cuộc chiến chống covid-19 đã góp phần quan trọng vào thắng lợi bước đầu cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh làm tốt công tác phòng ngừa đại dịch. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn chưa để xảy ra người dân dương tính với covid-19.

   Mặt trận các cấp, các tổ chức thành viên trong tỉnh đã triển khai việc kêu gọi ủng hộ, tiếp nhận và phân bổ ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả. Tính đến nay, đã tiếp nhận, phân bổ hàng hóa và tiền mặt trị giá khoảng 20 tỷ đồng đến các cơ quan chức năng như: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải và các trung tâm cách ly ở các huyện, thị xã, thành phố.

    Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát về việc hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động và 02 Đoàn kiểm tra công tác giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 ở các huyện, thị xã, thành phố; cấp huyện, cấp xã tổ chức được 503 cuộc giám sát về hỗ trợ người dân bị thiệt hại. Công tác giám sát, kiểm tra của Mặt trận đã góp phần đắc lực giúp cấp ủy, chính quyền điều hành hiệu quả việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, ổn định tình hình chính trị tại địa phương.

     2. Công tác tiếp nhận, phân bổ nguồn tiền, hàng khắc phục hậu quả lũ kép tháng 10 và bão số 13 được Mặt trận, các tổ chức thành viên trong tỉnh thực hiện bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền và dư luận xã hội đánh giá cao

      Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng thiệt hại toàn tỉnh ước tính 3.500 tỷ đồng. Mặt trận các cấp, các tổ chức thành viên đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tiếp nhận, phân bổ, kết nối các đoàn cứu trợ, khắc phục hậu quả bão lụt. Đến nay đã có 3.148 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ, đăng ký ủng hộ tiền và hàng với tổng trị giá trên 354 tỷ đồng thông qua Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên. Trong đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng hộ của 249 đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ khắc phục hậu quả do bão, lụt gây ra với tổng số tiền, hàng ước tính 102,9 tỷ đồng;

     Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thực hiện tốt việc cứu trợ khẩn cấp và phân bổ tiền hàng cứu trợ về với người dân; tổ chức thăm hỏi gia đình có người thân gặp nạn; chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể khẩn trương phân bổ kịp thời tiền, hàng cứu trợ cho người dân để khắc phục thiệt hại do bão lụt gây ra, sớm ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã đón tiếp và giới thiệu hàng trăm đoàn thiện nguyện cứu trợ trực tiếp về với bà con Nhân dân bị thiệt hại do bão lụt gây ra trên toàn tỉnh. Đến nay, đời sống bà con vùng lũ lụt cơ bản được khôi phục, tập trung tái thiết sản xuất sau thiên tai.

     3. Đã hỗ trợ xây dựng 64 “Nhà bè vượt lũ” và xây dựng, sửa chữa 97 nhà ở cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số

   - Năm 2020, Mặt trận tỉnh Quảng Bình tiếp tục quan tâm hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số. Đã triển khai hỗ trợ sửa chữa 87 nhà ở cho đồng bào Rục (Tộc người thuộc dân tộc Chứt) xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa và xây mới 10 nhà ở cho đồng bào dân tộc Vân Kiều ở Bản Xà Khía, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy:

     Năm 2003, Nhà nước đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào Rục ổn định cuộc sống, định cư lâu dài ở xã Thượng Hóa. Đến nay, qua 17 năm sử dụng, nhà ở đã bị hư hỏng, xuống cấp, nhiều nhà không còn sử dụng được. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã khảo sát, kêu gọi, hỗ trợ sửa chữa 87 nhà ở xuống cấp nghiêm trọng cho đồng bào dân tộc Rục với tổng kinh phí 1.653.300.000 đồng. Ngoài ra đã vận động Công ty TNHH VLXD Xi măng SCG Việt Nam hỗ trợ 100 tấn xi măng, UBND huyện Minh Hóa hỗ trợ 500 triệu đồng để làm sân nhà, Ủy ban MTTQVN huyện trích từ Quỹ Vì người nghèo 60 triệu đồng sơn cửa cho 87 hộ... giúp đồng bào ổn định cuộc sống, định cư lâu dài ở xã Thượng Hóa. Đã khảo sát, kêu gọi, hỗ trợ xây mới 10 nhà ở cho hộ nghèo dân tộc Vân Kiều tại bản Xà Khía, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy trị giá 854.000.000 đồng.

   - Đã hỗ trợ xây dựng 64 “Nhà bè vượt lũ” cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, cộng đồng nghèo xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, giúp Nhân dân có nơi tránh lũ thuận lợi, an toàn và hiệu quả thiết thực:
Xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa là xã có địa hình thấp, bao quanh là núi đá vôi, thoát nước chậm; thường xuyên bị ngập lụt nặng, thiệt hại lớn về hoa màu và tài sản, đe dọa tính mạng người dân. Trước thực trạng đó, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN tỉnh đã khảo sát, làm việc với chính quyền xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa để phối hợp xây dựng nhà bè vượt lũ cho 12 hộ nghèo, 46 hộ cận nghèo và 06 cộng đồng nghèo với tổng kinh phí 1.460 triệu đồng từ Quỹ Cứu trợ và Quỹ Vì người nghèo. Nhà có kích thước 4m x 6m, đặt trên hệ thống thùng phao và được định vị bởi 4 cọc sắt cao 6m giúp Nhà bè không bị trôi trong lũ; được sử dụng thường xuyên làm kho chứa lương thực, hoa màu, đồ dùng thiết yếu và dùng để tránh lũ cho gia đình và cộng đồng. Qua thực tế đợt mưa lũ liên tiếp tháng 10 và 11 vừa qua cho thấy “Nhà bè vượt lũ” là mô hình chống lũ, lụt có hiệu quả, phù hợp với đặc thù địa phương hay bị ngập lụt sâu như xã Tân Hóa, giúp dân tránh lũ lụt an toàn. Hiện nay các địa phương khác trong tỉnh đang học tập, nhân rộng mô hình này.

   4. Để thiết thực tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã triển khai điểm Đề án xây dựng mô hình khu dân cư nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị văn minh kiểu mẫu ở 8 KDC thuộc 8 huyện, thị xã thành phố.

   Trong đó: Xây dựng 02 “Khu dân cư nông thôn mới” tại 02 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đang xây dựng xã nông thôn mới; 04 “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu” (trong đó: 02 KDC tại 02 xã vùng đồng bào Công giáo chưa được công nhận xã nông thôn mới, 02 KDC vùng đồng bằng của 02 xã đang xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu); 02 “Khu dân cư đô thị văn minh kiểu mẫu” tại 01 phường thuộc thành phố Đồng Hới và 01 phường thuộc thị xã Ba Đồn, đây là 2 phường chưa đạt chuẩn văn minh đô thị.

    * Trọng tâm thực hiện Đề án giai đoạn 2020 – 2021: Lựa chọn nội dung trọng điểm phù hợp với từng loại hình KDC để chỉ đạo thực hiện:

     - Đối với 02 KDC xây dựng “Khu dân cư nông thôn mới”: Tập trung xóa nhà tạm, bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng các đoạn đường “Thắp sáng đường quê”, xây dựng mô hình vườn mẫu, mô hình du lịch cộng đồng, mô hình chăn nuôi, trồng trọt, công trình nước sạch, nhà vệ sinh….

    - Đối với 04 “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”: Tập trung sửa chữa nhà ở, xây dựng vườn mẫu, đường hoa, vệ sinh môi trường; Vận động Nhân dân tăng gia sản xuất kinh doanh, dịch vụ tăng thu nhập, nâng cao đời sống; xây dựng sản phẩm đặc trưng của KCD, mô hình du lịch cộng đồng; xây dựng cảnh quan Nhà văn hóa KDC…

   - Đối với 02 KDC xây dựng “khu dân cư đô thị văn minh kiểu mẫu”: Tập trung xây dựng, giữ vững danh hiệu KDC văn hóa, xây dựng “Gia đình văn hóa”, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh đô thị; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường; xây dựng điểm hoa, đường hoa, điện đường, Kamera an ninh; tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa gia đình truyền thống và tiếp thu có chọn lọc giá trị văn hóa hiện đại…

    Lập Zalo kết nối Ban Phong trào Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã, Ban CTMT 8 KDC và các cá nhân liên quan để thường xuyên thông tin, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau.

   Từ khi triển khai thực hiện Đề án đến nay, Nhân dân 8 KDC tích cực hưởng ứng và nhiệt tình tham gia các hoạt động do Ban điều hành xây dựng mô hình nông thôn mới KDC tổ chức. Từ Đề án của tỉnh, 8/8 huyện, thị xã, thành phố đã triển khai ra diện rộng các mô hình của cấp huyện, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng.

    Mặt khác, dã hoàn thành và đưa vào áp dụng Đề tài khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn khu dân cư tỉnh Quảng Bình”. Đề tài được Hội đồng Khoa học tỉnh nghiệm thu, xếp loại xuất sắc. Kết quả của công trình nghiên cứu giúp các cơ quan, đơn vị liên quan, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và Ban Công tác Mặt trận KDC nhận thức sâu sắc về thực trạng thực hiện CVĐ trong tỉnh, trên địa bàn dân cư; đồng thời áp dụng các giải pháp phù hợp huy động được sức mạnh tổng hợp và nâng cao kết quả, chất lượng CVĐ trong thời gian tới.

     5. Nâng cao chất lượng công tác giám sát, lựa chọn nội dung giám sát phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, thực hiện đúng quy trình giám sát, đảm bảo phát huy vai trò của Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền.

    Trong năm, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã lựa chọn xây dựng Kế hoạch tổ chức 02 cuộc giám sát chuyên đề về: Thực hiện việc giám sát việc cải cách thủ tục hành chính của một số cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020; Giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong huy động và sử dụng nguồn lực của Nhân dân theo quy định để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại một số xã trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020.

    Đồng thời, đã triển khai tốt công tác giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và giám sát việc thực hiện công tác cứu trợ bão lụt cho Nhân dân, đảm bảo công tác hỗ trợ, cứu trợ đúng mục đích, đúng đối tượng, kịp thời, dân chủ, công khai. Nhân dân đồng tình với các chính sách của Chính phủ và địa phương, chung tay vượt qua khó khăn, sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

   Cùng với việc chủ trì các hoạt động giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tham gia 06 cuộc kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đoàn giám sát liên ngành với các sở, ban, ngành liên quan (như: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Y tế, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh Đoàn ...); thường xuyên thực hiện chức năng giám sát qua nghiên cứu văn bản của các sở, ngành, chính quyền.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, Hội Cựu chiến binh tỉnh giám sát công tác điều tra xã hội học về đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh.

   Qua giám sát, Mặt trận các cấp đã kịp thời phát hiện những khó khăn, tồn tại, hạn chế, bất hợp lý trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ theo quy định pháp luật. Sau giám sát đã ban hành văn bản kiến nghị đến chính quyền các cấp và các đơn vị liên quan. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính theo kiến nghị của Ban Thường trực UBND tỉnh; tổ chức thực hiện đầy đủ chính sách đối với người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, bão lụt…

    6. Mặt trận các cấp đã đẩy mạnh công tác nắm bắt tình hình Nhân dân, nhất là tình hình và ý kiến của cử tri và nhân dân trước, trong và sau Đại hội Đảng bộ các cấp

    Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã ban hành công văn hướng dẫn tăng cường việc nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và các tầng lớp Nhân dân. Theo đó, định kỳ 15 hàng tháng hoặc khi có tình hình đột xuất, nhất là trong đợt phòng chống đại dịch Covid-19, trước, trong và sau đại hội Đảng các cấp. Qua đó, Mặt trận các cấp đã kịp thời nắm, phản ánh, kiến nghị với cấp ủy Đảng, chính quyền, góp phần giữ vững sự ổn định về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo sự đồng tình, tin tưởng trong Nhân dân về công tác tác tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Cũng như trong tổ chức thực hiện các chính sách của Nhà nước.

    Nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong tình hình mới, Ban Thường trực đã ban hành Hướng dẫn bổ sung về công tác chuẩn bị, điều hành Hội nghị tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến cử tri nhằm phát huy dân chủ đảm bảo nghiêm túc, và thu thập được nhiều ý kiến của cử tri. Thông qua kênh tiếp xúc cử tri đại biểu Quốc hội, HĐND cấp tỉnh, huyện và Mặt trận đã tiếp nhận nhiều ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân trên các lĩnh vực, phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền.

     7. Các cấp Mặt trận trong tỉnh đã thực hiện tốt việc lấy ý kiến của các tầng lớp Nhân dân tham gia góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

    Các cấp Mặt trận đã thực hiện tốt việc lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp Nhân dân tham gia xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh và văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì phối hợp với Ban Dân Vận Tỉnh ủy tổ chức thành công Hội nghị tham gia góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII với trên150 đại biểu tham dự. Mặt trận các cấp đã tổ chức lấy ý kiến và tiếp nhận gần 300 ý kiến góp ý của các tầng lớp Nhân dân vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

     8. Tăng cường công tác Mặt trận tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí.

    Ngay từ đầu năm, Ban Thường trực đã ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cấp triển khai thực hiện Chương trình hành động của Mặt trận TQVN tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh;

   Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Mặt trận các cấp trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, Ban Thường trực đã chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ tham gia phòng chống tham nhũng cho cán bộ Mặt trận cơ sở. Trong năm, đã phối hợp với Sở Nội vụ đưa nội dung Mặt trận tham gia phòng chống tham nhũng vào nội dung tập huấn chuyên đề năm 2020 với nguồn kinh phí là 120 triệu đồng. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã chủ trì tổ chức 05 lớp tập huấn cho 680 cán bộ Mặt trận cơ sở, Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

    Để cung cấp tài liệu làm cẩm nang cho cán bộ Mặt trận cơ sở, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã chỉ đạo Ban Dân chủ - Pháp luật biên soạn cuốn Tài liệu hỏi đáp về kỹ năng giám sát, phản biện xã hội và tham gia phòng chống tham nhũng; cấp phát cho Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và Trưởng ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.

   Mặt trận các cấp thực hiện công tác phòng chống tham nhũng thông qua tổ chức các cuộc giám sát độc lập; tiếp nhận và xử lý đơn thư, ý kiến phản ánh, kiến nghị của công dân gửi đến Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận các cấp; tham gia tiếp công dân định kỳ của Ủy ban nhân dân tỉnh...; ký kết Chương trình phối hợp với Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở giai đoạn 2020 – 2025;

    Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành công văn phối hợp trao đổi thông tin với UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh về kết quả tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Thông qua đó nắm bắt được tình hình, ý kiến phản ánh, tố cáo của công dân về công tác quản lý, điều hành của chính quyền, thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Trong năm 2020, UBND tỉnh đã cung cấp thông tin về xử lý đơn kiến nghị 231 đơn thư của công dân. Trong đó: 191 đơn thư của công dân chuyển đến cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tham mưu xử lý đơn khiếu nại của công dân theo đúng quy định của pháp luật; 12 công văn hướng dẫn công dân; 28 thông báo chấm dứt việc tiếp nhận, giải quyết đối với các nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân.

    9. Tổ chức thành công Hội nghị điển hình tiên tiến MTTQ Việt Nam tỉnh, giai đoạn 2015-2020 và Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930- 18/11/2020)

   - Thực hiện Kế hoạch số 1460/KH-UBND ngày 06/9/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tiến tới Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Quảng Bình lần thứ V, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020. Hội nghị đã biểu dương, khen thưởng cho 23 tập thể và 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020 (trong đó Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 10 cá nhân; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng Bằng khen cho 13 tập thể và 10 cá nhân).

    - Tổ chức thành công Lễ kỷ niệm tại tỉnh; các hoạt động gặp mặt, tọa đàm tại các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời có 720/1.164 KDC trong toàn tỉnh tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, thông qua đó tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận trong Nhân dân, nhất là giúp nhau khắc phục hậu quả bão lụt.

     10. Đã thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của công tác Mặt trận trong tình hình mới

   Thực hiện Quy định số 212-QĐ/TW ngày 30/12/2019 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã khẩn trương xây dựng Đề án số 21/ĐA-MTTQ ngày 26/02/2020 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế cơ quan chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh với mục tiêu bảo đảm tinh gọn, rõ chức năng, nhiệm vụ, không chồng chéo, trùng lắp, đồng thời giữ tính ổn định, kế thừa, phát triển gắn với công tác quy hoạch đào tạo bồi dưỡng và sử dụng cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu công tác Mặt trận trong tình hình mới.

    Trên cơ sở Đề án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất phê duyệt và Ban hành Quyết định số 2068-QĐ/TU ngày 26/3/2020 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, huyện, thị xã, thành phố. Ngay sau khi có quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng đoàn, Ban Thường trực đã xây dựng và thực hiện quy trình nhân sự Trưởng, Phó các Ban, Văn phòng cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đảm bảo quy định.

    Hiện nay, cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sắp xếp lại từ 6 đầu mối xuống còn 4 đầu mối (Ban Tổ chức - Tuyên giáo, Ban Phong trào, Ban Dân chủ - Pháp luật và Văn phòng), giảm 02 Ban so với trước đây); số lượng cấp Trưởng giảm 02 đồng chí và cấp phó giảm 04 đồng chí. Các đồng chí trước đây giữ chức vụ Trưởng, Phó các Ban được bảo lưu phụ cấp chức vụ đến hết nhiệm kỳ và hết thời gian bổ nhiệm. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của toàn thể cán bộ cơ quan, chính vì vậy sau khi sáp nhập các Ban chuyên môn đã hoạt động hiệu quả đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của công tác Mặt trận trong tình hình mới./.

 

Trần Hùng - TG