Những ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh 

    Tai kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021, có nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tới kỳ họp, trong đó tập trung về công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổ khí hậu; công tác phòng chống dịch; công tác phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; Về đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm;Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí… 

       

Toàn cảnh kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khoá XVII, nhiệm kỳ 2016-2021

       Những ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh

     Thứ nhất. công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững Từ hai trận mưa lũ lịch sử trong tháng 10, Nhân dân đánh giá cao, hoan nghênh các cấp chính quyền, cơ quan chức năng đã phát huy chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm với Nhân dân, kịp thời dự báo, triển khai phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Việc đảm bảo tính mạng con người đã được đặt lên hàng đầu. Các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng công an, quân đội, biên phòng đã không quản ngày đêm ứng cứu, di chuyển người dân vùng ngập lụt, nơi có nguy cơ sạt lỡ đến nơi an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người; tích cực tham gia các hoạt động giúp dân khắc phục hậu quả sau bão lụt. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, tổ chức, cá nhân thiện nguyện đã kịp thời cứu trợ cho đồng bào vùng lũ lụt, không để người dân bị đói, khát. Công tác cứu trợ đảm bảo kịp thời, công bằng, hợp lý, động viên được Nhân dân vượt lên khó khăn. Trong thiên tai, hoạn nạn nghĩa đồng bào, tình đồng chí, tinh thần tương thân tương ái, nhường cơm sẻ áo được nhân lên, lan tỏa bằng những việc làm, hành động cụ thể, ý nghĩa. Nhân dân Quảng Bình cảm kích và ấm lòng trước những nghĩa cử nhân văn cao đẹp của các tổ chức, cá nhân, những tấm lòng thiện nguyện trên khắp cả nước đã hướng về Miền Trung ruột thịt, giúp đỡ Nhân dân vùng lũ Quảng Bình vượt qua hoạn nạn, sớm ổn định cuộc sống.
Mặc dù đã tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai, nhưng tình hình mưa lũ khó lường đã để lại hậu quả nặng nề. Hàng ngàn ngôi nhà của người dân bị ngập, hư hỏng và bị sập hoàn toàn. Nông nghiệp, thủy sản thiệt hại nghiêm trọng. Hàng ngàn km đê, kè, đường giao thông bị sạt lỡ, hư hỏng… Theo thống kê của Ủy ban nhân dân tỉnh tổng giá trị thiệt hại sau hai đợt mưa lũ lên đến trên 3.500 tỷ đồng.

   Để thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả sau bão lụt, phát triển bền vững, Nhân dân mong muốn chính quyền, các ban, ngành chức năng tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác dự báo, chủ động trong phòng chống thiên tai; tăng cường các nguồn lực, trang cấp trang thiết bị, phương tiện hiện đại hơn để bảo đảm được an toàn cho các lực lượng cứu hộ và thành lập các lực lượng ứng cứu nhanh, chuyên nghiệp (ngoài lực lượng công an, quân đội) khi có thiên tai, bão lũ; Tiếp tục rà soát các nhà dân, cơ sở hạ tầng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng sạt lở đất, các hộ dân sống ven sông, suối; kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng kiểm soát, cương quyết không để người dân ở lại những khu vực đã xác định có nguy cơ sạt lở cao; sử dụng hợp lý các nguồn lực hỗ trợ từ trung ương và của địa phương để khắc phục thiệt hại, ưu tiên đầu tư khắc phục, sửa chữa cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ dân sinh, giao thông đi lại và xây dựng nhà chống lũ cộng đồng, khu tái định cư cho người dân ở các vùng bị sạt lở nghiêm trọng.

  Đồng thời, để phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu cần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường; tăng cường tuyên truyền, vận động mỗi người dân thay đổi hành vi, thói quen, tham gia bảo vệ môi trường, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu những thảm họa về môi trường, gây hậu quả khó lường cho cuộc sống của Nhân dân.

   Thứ hai, công tác phòng chống dịch bệnh. Nhân dân đồng tình trước những biện pháp chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, chủ động của chính quyền, các Sở, Ban, ngành chức năng trong tỉnh về phòng chống dịch bệnh Covid -19. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh; các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, nhất là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và các địa phương đã phối hợp thực hiện nghiêm túc, triển khai đồng bộ, kịp thời các nhiệm vụ được giao. Mặt trận, các đoàn thể các cấp tích cực tham gia tuyên truyền và vận động các tầng lớp nhân dân chung tay vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 (như trích quỹ hỗ trợ phòng chống Covid-19 để hỗ trợ nước, khẩu trang và các nhu yếu phẩm cho công tác tiếp nhận, vận chuyển công dân tỉnh Quảng Bình đang tạm trú tại thành phố Đà Nẵng trở về Quảng Bình; hỗ trợ chốt kiểm soát dịch Covid -19 tại Sen Thủy, Lệ Thủy).

   Trước tình hình dịch bệnh Covid -19 trên thế giới không ngừng tăng lên, Việt Nam cũng như Quảng Bình có nguy cơ lây nhiễm cao. Vì vậy, Nhân dân mong muốn các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác, dần hình thành nếp sống phòng chống dịch bệnh cho người dân. Quy định thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: Đeo khẩu trang tại các nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc…; thường xuyên kiểm soát dịch bệnh tại sân bay, nhà ga, cửa khẩu, quản lý tốt các đường mòn lối mở dọc biên giới, ngăn chặn người vượt biên trái phép.

    Trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, cùng với tình trạng môi trường bị ô nhiễm sau bão lụt, thời tiết mùa đông xuân ẩm ướt làm phát sinh, phát triển các dịch bệnh truyền nhiễm như: MERS-CoV, cúm A(H7N9), Whitmore, bạch hầu, sốt xuất huyết… Đề nghị các ngành chức năng tăng cường công tác xử lý môi trường sau lũ lụt, tổ chức tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng mở rộng; xử lý triệt để các ổ dịch, khoanh vùng, không để dịch bệnh bùng phát lan rộng.

    Thứ ba, về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Tuy vậy, dịch bệnh Covid -19, nhất là hai trận mưa lũ trong tháng 10 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại về người, tài sản của Nhân dân. Nhiều diện tích lúa vụ mùa và rau màu chưa thu hoạch bị thiệt hại, gia súc, gia cầm của nhiều trang trại, hộ gia đình bị cuốn trôi trong lũ… Toàn tỉnh có 282 trang trại bị thiệt hại với số tiền ước tính gần 270 tỷ đồng; 2.496 cơ sở sản xuất kinh doanh bị thiệt hại với số tiền ước tính hơn 185 tỷ đồng. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trong tỉnh tiếp tục rơi vào khó khăn. Hàng trăm trường học bị ngập sâu, phòng học, sách vở và trang thiết bị dạy học bị hư hỏng, cuốn trôi. Kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh bị ảnh hưởng. Một số xã đã đạt chuẩn có nguy cơ bị giảm sút các tiêu chí. Một số tiêu chí khó đạt, cần nguồn lực lớn nay càng khó khăn hơn trong điều kiện hiện nay, như tiêu chí thu nhập; tiêu chí hộ nghèo; quy hoạch, giao thông, nước sạch… Các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân, tỉnh ta đang nỗ lực, cố gắng từng bước vượt qua khó khăn, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất. Nhân dân hoan nghênh chính quyền các cấp đã chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lụt kịp thời, quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước tác động của đại dịch Covid-19.

   Nhân dân và cử tri đề nghị, chính quyền các cấp chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 và thiệt hại do bão lụt, nhất là quan tâm chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tín dụng ngân hàng…cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể; hỗ trợ về vốn, cây, con giống, vật tư nông nghiệp cho Nhân dân vùng lũ, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thiệt hại nặng nề về nhà ở, tài sản để tiếp tục sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống trước mắt và sinh kế lâu dài. Tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, hàng hóa; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

   Trong xây dựng nông thôn mới, đề nghị chính quyền quan tâm rà soát, đánh giá ảnh hưởng của bão lụt đối với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao để chỉ đạo biện pháp thực hiện cụ thể; Huy động, lồng ghép các nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu; xác định thứ tự ưu tiên đối với từng công trình, từng tiêu chí; tập trung ưu tiên vốn cho phát triển sản xuất và hạ tầng cơ sở để nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước giảm nghèo bền vững.

   Thứ tư, về đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh và hai tuyến biên giới cơ bản ổn định. Công tác bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội đã được tổ chức thực hiện thường xuyên, kiên quyết góp phần ngăn chặn, hạn chế các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, nhất là trước thềm Đại hội Đảng các cấp tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Các lực lượng chức năng đã tăng cường chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm trấn áp các loại tội phạm; đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, kịp thời phát hiện, xử lý các vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng. Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã tích cực thực hiện nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát, chốt chặn không cho người đi qua biên giới trái phép, góp phần kiểm soát dịch bệnh Covid- 19.

   Nhân dân mong muốn lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm, kiên quyết trấn áp, triệt phá tội phạm ma túy, tội phạm hình sự nghiêm trọng; quan tâm công tác tuyên truyền, theo dõi, đấu tranh để hạn chế người phạm tội ở tuổi vị thành niên và phụ nữ; Tăng cường phối hợp thực hiện các biện pháp phòng chống xâm hại trẻ em, bạo hành gia đình...Thường xuyên, chủ động nắm tình hình và tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân phát hiện, tố giác tội phạm, không để kẻ xấu lợi dụng kích động, xúi giục gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh với các thế lực thù địch, các loại tội phạm trên không gian mạng.

     Thứ năm, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Cử tri và Nhân dân thường xuyên quan tâm theo dõi và tin tưởng, đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền trên các lĩnh vực, từ đó tỉnh đã vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện đạt kết quả nhiều chỉ tiêu về kinh tế, xã hội trong 10 tháng năm 2020. Nhân dân và cử tri đồng tình với các mục tiêu, 4 khâu đột phá mà Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII đã đề ra.

   Tuy vậy hiện nay, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn nhiều đến đạo đức công vụ, hiệu quả chất lượng thực hiện nhiệm vụ được giao của một bộ phận cán bộ chưa cao. Công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính vẫn còn một số hạn chế như: còn tình trạng hồ sơ giải quyết quá hạn, cán bộ tiếp nhận, hướng dẫn thủ tục hành chính một số nơi thiếu chuyên nghiệp...

    Để thực hiện mục tiêu đưa tỉnh Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ, cử tri và Nhân dân mong muốn các cấp các ngành tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ đến người dân và doanh nghiệp. Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí...; Tăng cường quản lý, kiểm tra đối với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong thực hiện cải cách hành chính. Nhân dân đề nghị các cấp chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ hơn nữa công tác PCTN; ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; tạo điều kiện để phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và báo chí trong đấu tranh PCTN.

   Bên cạnh những vấn đề nêu trên, cử tri và Nhân dân còn phản ánh về nhiều vấn đề khác như: giải quyết việc làm cho người lao động trong tình hình phòng chống đại dịch Covid -19; chế độ chính sách cho người có công, quản lý và bảo vệ tài nguyên, khoáng sản...

 

( Văn Minh- MT tỉnh)