Bản in     Gởi bài viết  
Bài học về dân vận khéo 

    Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đã có nhiều bài học được rút ra. Một trong số những bài học đó, như lời Bác Hồ từng đúc kết, là "Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công".

 

    Cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong tỉnh, sau 5 năm nỗ lực thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, 59 tập thể và cá nhân tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh tặng bằng khen đã để lại những dấu ấn tiêu biểu trên mọi mặt đời sống xã hội. Họ thực sự là những hạt nhân quan trọng mà bằng những đóng góp của mình đã nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới.

   Xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới), từ thời điểm cầu Nhật Lệ nối đôi bờ đã có những đổi thay tích cực. Tuy nhiên giáo dục vẫn là một lĩnh vực còn nhiều hạn chế tại xã biển này. Khoảng 5 năm trước đây, tỷ lệ học sinh là con em Bảo Ninh từ bậc học mầm non đến THCS theo học tại các trường phía bờ tây thành phố Đồng Hới chiếm khá lớn. Đây là điều dễ hiểu khi chất lượng giáo dục vẫn còn thấp, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ với yêu cầu đặt ra.

   Xác định được những tồn tại, hạn chế của mình, Đảng bộ, chính quyền xã Bảo Ninh đã kịp thời đề ra các kế hoạch và triển khai thực hiện để làm thay đổi bộ mặt giáo dục của địa phương. Với điều kiện thuận lợi là sự ra đời của Chỉ thị 03, sau 5 năm triển khai, miền quê biển này đã có những đổi thay vượt bậc.


   Một trong những điển hình tiêu biểu của giáo dục Bảo Ninh là cô giáo Lê Thị Hồng Quảng, hiệu trưởng Trường mầm non Bảo Ninh. Luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ "Dạy trẻ như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này cháu trở thành người tốt", cô giáo Lê Thị Hồng Quảng đã cùng với tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường phấn đấu không ngừng nghỉ. Họ đã trích tiền lương, thời gian để mua và chăm sóc cây cảnh, khuôn viên nhà trường, đến từng gia đình để vận động con em vào lớp đúng độ tuổi, tích cực sáng tạo tổ chức nhiều hình thức vui chơi hấp dẫn để thu hút các cháu, huy động các nguồn quỹ để xây dựng, hoàn thiện ngôi trường...

   Được chứng kiến những việc làm tận tâm của cô giáo Lê Thị Hồng Quảng và đồng nghiệp, sự đổi thay tích cực của ngôi trường, người dân Bảo Ninh, đặc biệt là các bậc phụ huynh đã tự giác chung tay cùng xây dựng ngôi trường. Đến thời điểm này, Trường mầm non Bảo Ninh đã trở thành một điểm sáng, là lá cờ đầu của giáo dục mầm non tỉnh nhà. Không những thế, ngôi trường này đã mang lại những tác động "dây chuyền" tích cực để các trường tiểu học, THCS trên địa bàn cùng thi đua, phấn đầu.

   Chị Đoàn Thị Tưởng, thôn Đồng Dương, xã Bảo Ninh tâm sự: Trước đây con em Bảo Ninh phải sang học "nhờ" các trường bên kia cầu Nhật Lệ vì chất lượng giáo dục và trường lớp còn nhiều yếu kém. Nay thì chúng tôi yên tâm rồi. Thấy các thầy cô giáo nỗ lực như thế, phụ huynh cũng tự giác cùng chung tay để đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục của quê mình!

   Dân vận là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Quá trình triển khai công tác dân vận, vấn đề cốt lõi là lợi ích chính đáng của nhân dân. Vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên là yếu tố quan trọng để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này. Xã biển Đức Trạch không chỉ nổi tiếng bởi đội ngũ tàu cá đánh bắt xa bờ hùng hậu với hàng nghìn ngư phủ tài năng, ra khơi vào lộng, mà Chi hội Chữ thập đỏ Đức Trạch chính là điểm sáng trong việc chung tay tương trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn.

   Người cầm lái con thuyền của Chi hội là ông Hồ Minh Kiểm, cựu chiến binh với 17 năm được nhân dân địa phương tin tưởng bầu giữ chức Chủ tịch Hội. Hiện Đức Trạch có 1.500 hội viên và 300 đội viên xung kích Chữ thập đỏ trong trường học. Tất cả đều nỗ lực hoạt động và tạo nên những dấu ấn đặc biệt.

   5 năm gần đây, Chi hội Chữ thập đỏ Đức Trạch đã cứu được gần 50 tàu cá bị chìm và thiệt hại, thăm hỏi động viên nạn nhân với số tiền 120 triệu đồng, tất cả đều từ sự chung tay đóng góp của hội viên. Đặc biệt, một trong những việc làm của Hội Chữ thập đỏ Đức Trạch là cứu người bị nạn, vớt tử thi bị trôi dạt trên biển, mai táng và chăm sóc hàng chục phần mộ không có người nhà đến nhận. Bằng tấm lòng tương thân tương ái, ông Hồ Minh Kiểm và các hội viên đã vượt qua những hủ tục của làng chài là kiêng cữ không cứu người bị nạn trên biển cũng như mai táng người chết không rõ tung tích trên phần đất của làng.

   Những việc làm tốt đẹp ấy đã vun đắp thêm lòng tin của hội viên với tổ chức Hội để họ tự giác chung tay làm việc tốt vì cộng đồng. Ông Hồ Minh Kiểm từng chia sẻ: "Người làm công tác nhân đạo cần phải có tâm huyết, không vì thành tích mà mục tiêu cao cả là làm được nhiều việc có ích cho Đảng, cho dân".

   Điển hình dân vận khéo còn là cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh, những người đã luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của đồng bào, nhất là đồng bào biên giới. Họ đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc với bà con. Cùng chăm sóc, bảo vệ rừng, trồng lúa nước, xây dựng điện, đường, trường, trạm, chợ, dạy học, chữa bệnh... Những việc làm đó của bộ đội Cụ Hồ đã thực sự tạo ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân, để từ đó bà con tự giác nỗ lực vượt qua khó khăn, chung tay bảo vệ biên giới và củng cố thế trận lòng dân ngày càng bền vững.

   Bắt tay vào thực hiện Chỉ thị 03, Chi bộ tiểu khu 3, thị trấn Quán Hàu (Quảng Ninh) đã noi gương Bác về chữ liêm “Không được tơ hào dù là cái kim, sợi chỉ của dân". Vận dụng vào thực tế, họ đã có những cách làm hay, sáng tạo, phù hợp và đúng như lời Bác dạy. Đó chính là cách quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân. Các khoản đóng góp đều được đưa ra họp bàn, thống nhất sau đó mới triển khai. Các đồng chí trong chi ủy, chi bộ, đảng viên gương mẫu đóng góp đầu tiên, sau đó đến các hộ dân.

   Hàng quý, nửa năm, cuối năm họp dân đều công khai thu - chi các loại quỹ để dân nắm bắt và giám sát. Nhờ sự công khai, minh bạch tài chính, việc vận động xây dựng các loại quỹ của tiểu khu diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Chính sự liêm chính, minh bạch này đã tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nhân dân để cùng chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp.

   Còn nhiều nữa những điển hình tiêu biểu mà bằng sự nỗ lực, tận tâm của chính mình, họ đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận. Như đã nói ở trên, trong hoạt động dân vận, điều cốt lõi chính là lợi ích chính đáng của nhân dân. Có những địa phương, đơn vị, bên cạnh những cán bộ, đảng viên giữ vững được phẩm chất cách mạng, gắn bó, gần gũi với nhân dân, vì lợi ích nhân dân thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên quan liêu, xa rời nhân dân, có các hành vi tham nhũng, hối lộ, sách nhiễu nhân dân, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích cộng đồng... khiến nhân dân mai một niềm tin.

   Để nâng cao chất lượng công tác dân vận trong tình hình mới, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, thì việc xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên sai phạm cần phải tiếp tục được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, áp dụng những bài học kinh nghiệm, biểu dương, tôn vinh và nhân rộng những điển hình tiên tiến là việc làm thường xuyên, cần thiết để tiếp tục lan tỏa nét đẹp đó trong đời sống xã hội để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới.

   Đặc biệt sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, việc vận dụng những bài học kinh nghiệm nêu trên vào quá trình thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" sẽ là tiền đề quan trọng để Chỉ thị 05 tiếp tục mang lại những tác động tích cực đối với đời sống xã hội, góp phần đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững.

Theo Ngọc Mai (QBĐT)

[Trở về]