Bản in     Gởi bài viết  
Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2018 
 

    Sáng 16/3, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018.

     

Toàn cảnh hội nghị

    Ông Trần Văn Tuân, Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự có các thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh; thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng Tỉnh uỷ.

   Trong năm 2017, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tiếp tục được chỉ đạo tuyên truyền, vận động thực hiện trong các sở, ngành và địa phương. Công tác tuyên truyền đã được quan tâm thực hiện thông qua nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân trong việc ưu tiên lựa chọn, sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng, đồng thời thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh của các nhà sản xuất, chế biến, phân phối , đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng. Tỷ lệ mua sắm, sử dụng hàng Việt của nhân dân có chiều hướng tăng với tỷ lệ trên 90%. Công tác quản lý nhà nước của các sở ngành, địa phương được tăng cường, góp phần hạn chế tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong tỉnh đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Các kênh phân phối hàng Việt Nam được mở rộng và phát triển với các điểm bán hàng Việt, các siêu thị, chợ và hoạt động đưa hàng Việt về vùng nông thôn của doanh nghiệp.

    Tuy vậy, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh cũng nhận điịnh hoạt động của một số Ban chỉ đạo Cuộc vận động cấp huyện còn chưa thường xuyên, các đơn vị thành viên không có Kế hoạch cụ thể trong thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Công tác tuyên truyền về Cuộc vận động trong các Sở, ngành, địa phương còn hình thức, chủ yếu tập trung tuyên truyền nhiệm vụ của đơn vị, chưa thực sự hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về ý nghĩa, nội dung của cuộc vận động. Nhận thức của các doanh nghiệp về công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, xây dựng niềm tin trong nhân dân về nhãn hàng của doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Công tác quản lý nhà nước, phối hợp đấu tranh chống gian lận thương mại, phòng chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng mất an toàn vệ sinh thực phẩm của một số sở, ngành chức năng chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ, nên hạn chế trong quá trình kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Các địa phương còn chưa chủ động trong việc kết nối chuỗi giá trị bền vững từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy người sản xuất gặp khó khăn trong thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn và các chợ địa phương.

      Tại hội nghị, các đại biểu đã đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động năm 2018 như: Tăng cường thời lượng tuyên truyền về CVĐ trên Đài PTTH, Báo Quảng Bình, chuyên mục về thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Trang Website;  tuyên truyền về các mô hình, điển hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu, các sản phẩm đặc trưng của từng vùng, miền trong tỉnh để tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân; tăng cường công tác xúc tiến thương mại trên thị trường nội địa, tăng cường hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trung tâm thương mại tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về vùng nông thôn, tổ chức Hội chợ thương mại, xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn… ; gắn sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc trưng của địa phương như hàng hải sản, nông sản, mộc mỹ nghệ, hàng lưu niệm với các hoạt động phát triển du lịch, tạo điểm mua sắm, điểm đến mới cho du khách, góp phần quảng bá các sản phẩm mang thương hiệu Quảng Bình đến du khách trong và ngoài nước; tiếp tục nhân rộng mô hình “Điểm bán hàng Việt, hàng Quảng Bình” trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong triển khai thực hiện Cuộc vận động. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới trang bị thiết bị kỹ thuật, sản xuất các mặt hàng có chất lượng cao, mẫu mã đa dạng và giá cả hợp lý, phù hợp với thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng, từ đó để người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ xây dựng các thương hiệu, nhãn mác hàng hóa, sản phẩm của địa phương. Hướng dẫn các nhà sản xuất quản lý tốt chất lượng sản phẩm để đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị có uy tín, các điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt” trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra việc thực hiện Cuộc vận động ở các cơ quan, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn...

Mỹ Hiền

[Trở về]