Bản in     Gởi bài viết  
BẢN KHE KHẾ, XÃ KIM THỦY PHẤN ĐẤU XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI 
    Bản Khe Khế, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy hiện có 71 hộ, với 281 nhân khẩu; trong đó hộ đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều là 70 hộ ( chiếm 98,6%), có 25 hộ cận nghèo (chiếm 28,4%) và 37 hộ nghèo (chiếm 52,11%).  

     Là bản vùng miền núi, có xuất phát điểm thấp, đời sống kinh tế của bà con trước đây phụ thuộc chủ yếu vào tự nhiên, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, trình độ dân trí thấp nên chưa biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Trong những năm gần đây, nhận thức và việc làm của bà con trong phát triển kinh tế đã thay đổi nhiều, bà con đã biết trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, trồng cây hoa màu, phát triển kinh tế rừng và tham gia bảo vệ rừng tự nhiên. Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền luôn dành sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Thông qua nguồn vốn các Chương trình 135, Nông thôn mới, Dự án nông thôn miền núi, Dự án SRDP và việc lồng ghép huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án và sự hỗ trợ, tài trợ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… đã góp phần quan trọng làm thay đổi cơ bản kết cấu hạ tầng vùng đặc biệt khó khăn, là động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, tạo thuận lợi trong giao thông đi lại, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Cùng với xây dựng kết cấu hạ tầng, các cấp chính quyền củng đã hỗ trợ bản đẩy nhanh thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, gắn với xây dựng nông thôn mới, lồng ghép với tuyên truyền, vận động, tập huấn giúp bà con thay đổi cách làm, đổi mới tư duy trong lao động sản xuất.

Văn nghệ chào mừng Ngày hội đại đoàn kết 18/11/2019

    Từ năm 2015 đến nay đã có 78 lượt bà con tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi gia súc, gia cầm, cây trồng, bảo vệ thực vật. Các mô hình hỗ trợ sản xuất bước đầu đã mang lại hiệu quả như: 02 mô hình chăn nuôi lợn Móng cái sinh sản; 05 mô hình chăn nuôi lợn Vân Pa sinh sản; 02 mô hình lợn rừng lai sinh sản; 10 mô hình chăn nuôi bò sinh sản; 03 mô hình chăn nuôi gà thả vườn; 01 tổ hợp tác chăn nuôi dê sinh sản… Ngoài ra, hàng năm Ủy ban nhân dân xã đã triển khai hỗ trợ giống lúa, ngô, đậu, lạc từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất (Chương trình 135) nhiều bà con đã được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ giống, phân bón, phát triển trồng rừng nguyên liệu; hiện nay bản có 10ha lúa nước, năng suất đạt 43 tạ/ha; 3 ha trồng các loại đậu, lạc, ngô; đàn bò 68 con, đàn dê 27 con, 110 con lợn; đàn gia cầm gần 1.000 con… Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo; một số hộ đã khá đã có tiền tiết kiện gửi ngân hàng, có nhiều trâu bò, nhiều rừng, làm nhà kiên cố, mua sắm nhiều vật dụng gia đình có giá trị cao, tiêu biểu như: hộ bà Hồ Thi Năng, hộ ông Hồ Tích, hộ ông Hoàng Văn Phong…. Thông qua công tác tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật bà con trong bản đã biết phát triển kinh tế lâm nghiệp thông qua việc trồng rừng với hơn 160 ha, nhận bảo vệ 300 ha đất rừng tự nhiên… góp phần tăng thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, con em trong độ tuổi điều được đến trường học, công tác an ninh, trật tự được đảm bảo… Từ năm 2015 đến nay bản điều được công nhận văn hóa. Hiện nay cấp ủy, chính quyền, Ban Công tác Mặt trận và bà con nhân dân trong bản đang ra sức đoàn kết, phấn đấu hoàn thiện xây dựng cơ sở vật chất, thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, xã hội để hoàn thành các tiêu chí phấn đấu năm 2020 được công nhận bản nông thôn mới./.

 

( Văn Minh- MT tỉnh)
 

[Trở về]