Bản in     Gởi bài viết  
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh (tiếp theo) 
 Tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Trang Thông tin điện tử UBMT tỉnh xin đăng những nội dung chủ yếu sau:
    4. Về y tế  

  Công tác chăm sóc sức khỏe đã từng bước được cải thiện về trách nhiệm y đức cũng như trình độ chuyên môn, dịch vụ về y tế. Tuy nhiên cử tri vẫn còn nhiều ý kiến đánh giá về chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nhất là tuyến cơ sở và các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa do điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chuyên môn. Hiện nay các bệnh viện, các trung tâm khám chữa bệnh đã có nhiều biện pháp tích cực để phục vụ tốt hơn cho người dân nhưng dư luận nhân dân vẫn phàn nàn, bức xúc về thái độ ứng xử của một vài nhân viên y tế tại các bệnh viện hiện nay, về tình trạng thiếu trách nhiệm, thờ ơ với người bệnh, hiện tượng tiêu cực trong ngành Y tế “Bệnh phong bì” vẫn còn xảy ra, nhất là năng lực chuyên môn chưa đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Quy định về khám chữa bệnh theo tuyến, việc giải quyết chuyển tuyến khám và điều trị cho bệnh nhân cũng có những nơi gây khó khăn, phiền hà; việc quản lý, hành nghề y dược tư nhân kinh doanh thuốc chữa bệnh chưa được quản lý chặt chẽ. Ở tỉnh ta có đủ các trung tâm khám chữa bệnh từ cơ sở đến Trung ương (BV Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới); tuy nhiên, thực tế để người dân Quảng Bình thật sự tin tưởng, khi đến khám chữa bệnh tại các trung tâm này thì cần phải có nhiều đổi mới về thái độ, y đức cũng như chất lượng chuyên môn và các thủ tục hành chính trong khám và điều trị. Cử tri và nhân dân trong tỉnh đề nghị UBND tỉnh và  Ngành Y tế Quảng Bình có những giải pháp đồng bộ, tích cực nhằm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và y đức của Ngành Y tế để đáp ứng công tác khám và điều trị cho người dân, thực sự an tâm khám và điều trị theo tuyến.

  Vấn đề khám bảo hiểm y tế cũng còn nhiều bất cập, nhất là các đối tượng già cả, tàn tật khi Y tế xã không có chức năng này mà phải khám và cấp thuốc tại các trung tâm Y tế cấp huyện. Đề nghị Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế xem xét lại quy định này vì các đối tượng già cả, tàn tật khó có điều kiện khám bảo hiểm ở các trung tâm.

  5. Về công tác dân tộc

  Hiện nay, tình trạng đời sống của bà con vùng dân tộc thiểu số đang gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (xã Trường Xuân, Trường Sơn huyện Quảng Ninh trên 78%; xã Lâm Thủy, huyện lệ Thủy, xã Tân Trạch, Thượng Trạch trên 90%...), chủ yếu do nguồn thu nhập thấp và thiếu việc làm. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do thiếu đất sản xuất (hiện có 1.009 hộ có nhu cầu cấp thêm đất sản xuất)(4) dẫn đến tình trạng nghèo đói, kéo theo nhiều hệ lụy như tranh chấp đất đai, chặt phá rừng tự nhiên, săn bắt động vật hoang dã trái phép… ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Trong thời gian qua, UBND các cấp đã thực hiện việc rà soát, đo đạc và thu hồi nhiều diện tích đất từ các nông, lâm trường giao về cho địa phương và người dân sử dụng. Tuy nhiên, việc giao đất còn chậm và nhiều bất cập, nhiều diện tích đất giao cho người dân không thể sản xuất được (Tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh trong tổng số 2.113 ha đất thu hồi chỉ giao được cho dân sản xuất được hơn 414 ha, xã Lâm Thủy, Lệ Thủy chỉ sử dụng được 50 ha trên 150 ha đất của lâm trường Khe Giữa giao lại)(5). Nguyên nhân là do đất rừng được giao xa với khu dân cư, địa hình phức tạp, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, nhiều vùng là núi đá, độ dốc quá lớn bà con dân tộc không có điều kiện để sản xuất, hoặc không bảo vệ được sản phẩm canh tác.

  Đồng bào dân tộc thiểu số đề nghị UBND tỉnh cần tăng cường nhiều giải pháp tích cực để phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo cho đồng bào. Trong đó chú trọng đảm bảo đủ đất sản xuất, tạo điều kiện để bà con tham gia quản lý và sử dụng đất rừng có hiệu quả. Trong quá trình rà soát, quy hoạch và giao đất, giao rừng cần có sự tham gia của người dân để đảm bảo sự đồng thuận của cộng đồng trong việc quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng, đất rừng có hiệu quả. Đồng thời cần có những chính sách hỗ trợ trồng rừng, bảo vệ rừng sau khi giao đất giao rừng để bà con có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.

  Công tác định canh, định cư của bà con đồng bào dân tộc ít người hiện nay vẫn còn tồn tại một số bất cập trong việc định canh, định cư của đồng bào dân tộc thiểu số như: Bà con dân tộc ở bản Khe Sung, bản Đá Còi xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy nhưng lại định cư trên đất thuộc xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh; bà con dân tộc bản Nà Lâm xã Trường Xuân nhưng định cư trên đất thuộc địa giới xã Trường Sơn, huyện Quang Ninh nên việc giải quyết nhu cầu sử dụng đất hoặc cấp giấy quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc đầu tư sản xuất và ổn định cuộc sống của bà con. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, giải quyết dứt điểm tình trạng trên.

  6. Về  Dự án nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn qua Quảng Bình

  Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Quảng Bình đang được tích cực triển khai, đây là sự cố gắng nỗ lực, tập trung chỉ đạo tích cực các cấp Ủy đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành và đơn vị có liên quan. Tuy nhiên, sau những kết quả đạt được thì Công tác GPMB Quốc lộ 1A vẫn còn nhiều vướng mắc. Tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân liên quan đến công tác GPMB chuyển đến các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; phản ánh trực tiếp tại Ban tiếp công dân của tỉnh vẫn chưa được giải quyết một cách tích cực, thỏa đáng. Một số đơn khiếu kiện kéo dài... Nội dung người dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị chủ yếu về giá đất; việc áp dụng chính sách bồi thường, khung giá đất chưa phù hợp; xác định nguồn gốc đất đai, loại đất để bồi thường, trích đo diện tích thiếu, kiểm đếm tài sản chưa chính xác; không giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân theo trình tự của pháp luật; cưỡng chế thu hồi đất không theo quy định; có nơi còn khiếu nại việc mở rộng Quốc lộ 1A cách đây 17 năm nhưng chưa được bồi thường… Nhất là nhiều vấn đề phát sinh mới trong quá trình thực hiện Dự án như nhà ở của dân bị nứt mái, bị sập một phần; nhà sát đường, nhà thấp hơn đường có nơi gần 3 mét…vừa không đảm bảo an toàn giao thông, khó khăn trong việc đi lại, vừa gây ngập úng, thấm dột, nguy cơ đổ sập nếu kèm theo bão(6)… đã ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân, nhiều người dân thực sự lo lắng. 

  Cử tri và nhân dân đề nghị UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải, chính quyền các cấp cần thống kê đầy đủ những thiệt hại của người dân để có hướng giải quyết thỏa đáng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, không để cho người dân khi có đủ cơ sở pháp lý nhưng phải chịu thiệt thòi. Đồng thời tập trung giải quyết dứt điểm các đơn thư khiếu kiện của nhân dân đối với Dự án nâng cấp Quốc lộ 1A,  tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.

 Mỹ Hiền (lược ghi)

 (Tiếp theo và hết)

 

[Trở về]