Bản in     Gởi bài viết  
CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI MTTQVN TỈNH QUẢNG BÌNH LẦN THỨ XII, NHIỆM KỲ 2014-2019 
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội vững chắc từ cộng đồng dân cư

 Những năm qua, nhờ hướng hoạt động Mặt trận về cơ sở, khu dân cư, các cấp Mặt trận đã phát huy được vai trò chủ trì phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên. Hoạt động của Mặt trận đã quy tụ, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của các đoàn thể, các tổ chức xã hội tạo nên sự thống nhất trong đa dạng…Tất cả đều hướng về người dân ở khu dân cư.

Các phong trào, các cuộc vận động đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân ở khu dân cư hưởng ứng và nhiệt tình tham gia, vai trò chủ trì phối hợp của Mặt trận đã có nhiều chuyển biến tốt. Nhờ đó, nhiều khu dân cư đã vươn lên xóa được đói, giảm được nghèo. Tiêu biểu các khu dân cư như: Thôn Thượng Phong, (Phong Thủy, Lệ Thủy); thôn Thống Nhất, (An Ninh, Quảng Ninh); thôn Tây Phú, (Quang Phú, thành phố Đồng Hới)Vai trò tích cực hoạt động của Mặt trận tại các khu dân cư đã có tác dụng xã hội hóa, khơi dậy tính tích cực xã hội, lấy sức dân chăm lo cuộc sống cho dân, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư. Với việc đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… đã có tác động góp phần làm lành mạnh các quan hệ, môi trường xã hội ở khu dân cư, trong từng gia đình. Thông qua các cuộc vận động, với hoạt động tích cực của Mặt trận, nhiều tệ nạn xã hội giảm hẳn, các hủ tục, tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan ở vùng miền núi được xóa bỏ dần, nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa, làng văn hóa được chú trọng xây dựng ở từng khu dân cư.

Mặt trận các cấp thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương triển khai xây dựng

thực hiện nhiều mô hình điểm xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tội phạm và đảm bảo TTATGT

Công tác Mặt trận hướng về cơ sở, địa bàn dân cư đã có tác động khơi dậy bầu không khí dân chủ “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, với sự tham gia thực sự của người dân vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính từ thực tế hoạt động tại cộng đồng dân cư, các cấp Mặt trận đã làm tốt hơn việc nắm tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân về tình hình thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật tại địa phương để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước. Trong tình hình hiện nay, nhiều vấn để dễ phát sinh tiêu cực, mất dân chủ như thực hiện các chương trình dự án, đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình công cộng… Chính vì vậy, vai trò của Mặt trận cấp cơ sở là rất quan trọng trong thực hiện các quyền dân chủ trực tiếp của dân, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội. Thực tế đã cho thấy, ở đâu Mặt trận Tổ quốc mạnh, phát huy được vai trò của các tổ chức thành viên, phối hợp tốt với chính quyền, biết dựa vào dân để “nghe dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân tin” thì cơ sở đó, khu dân cư đó ổn định và vững mạnh, được dân tin yêu, đồng lòng đồng sức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh.

Quá trình thực hiện các nhiệm vụ công tác Mặt trận cũng là quá trình kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy Mặt trận ở cơ sở, tạo điều kiện và khả năng để hướng hoạt động Mặt trận về cơ sở, khu dân cư tốt hơn. Những năm qua, Ủy ban Mặt trận cấp xã, phường, thị trấn và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư thường xuyên được quan tâm kiện toàn, củng cố bảo đảm đủ số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý. Nhiều nơi, Mặt trận đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo đổi mới phương thức hoạt động, coi trọng việc tập huấn bồi dưỡng cán bộ, tổng kết kinh nghiệm, xây dựng quy chế phối hợp với chính quyền. Đây là điều kiện quan trọng để Mặt trận cơ sở hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của công tác Mặt trận. Tuy nhiên, hoạt động của Mặt trận cơ sở vẫn chưa đều, có nơi chưa mạnh, tác dụng và hiệu quả công tác Mặt trận còn hạn chế. Phương thức, nội dung hoạt động của Mặt trận có nơi còn chậm đổi mới. Công tác phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên có nơi thực hiện chưa được chặt chẽ, thường xuyên. 

Trước yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, hoạt động của Mặt trận cần tiếp tục thực hiện tốt Kết luận 62- KL/TW ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội”. Hoạt động của Mặt trận tập trung hướng về cơ sở, khu dân cư, tích cực chăm lo cho cuộc sống của nhân dân. Phương thức hoạt động chủ yếu của Mặt trận là vận động, thuyết phục, hiệp thương dân chủ để đi đến thống nhất hành động. Vì vậy, cần tăng cường phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các tổ chức thành viên để tuyên truyền, giáo dục sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về Đại đoàn kết toàn dân tộc, triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Mặt trận và các tổ chức thành viên đến các tầng lớp nhân dân, giúp nhân dân hiểu rõ và tự giác, tích cực tham gia thực hiện. Đẩy mạnh các hoạt động của Mặt trận với các nội dung thiết thực, phù hợp với thực tiễn cơ sở và khu dân cư, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Nâng cao vai trò của Mặt trận trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Coi trọng việc mở rộng và phát huy các hình thức tổ chức tự quản của nhân dân ở cơ sở và khu dân cư, tạo điều kiện để người dân thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của mình. Phát huy vai trò chủ động của Mặt trận cơ sở, khu dân cư trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc, tôn giáo. Từ đó, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, hòa giải; kịp thời phản ánh, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền để giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân. Đa dạng hóa các hình thức tập hợp, đoàn kết nhân dân; tăng cường công tác lắng nghe, đối thoại dân chủ trực tiếp với nhân dân. Phát huy vai trò tích cực của các cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng dân cư, trong các dân tộc, tôn giáo. Thực hiện đại đoàn kết toàn dân ngay từ mỗi cộng đồng dân cư nhằm tạo sự đồng thuận xã hội cao ngay từ cơ sở, phát huy được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng đổi mới và phát triển.

                                         ( Trương Văn Hởi,

                                                                         Phó Chủ tịch UBMT TQVN tỉnh)

[Trở về]