Bản in     Gởi bài viết  
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu 
 

   Quảng Bình là một tỉnh duyên hải miền Trung có đặc điểm về khí hậu và địa hình rất phức tạp. Chính vì vậy, việc ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động đến sự phát triển bền vững của địa phương.

 Theo nghiên cứu của các cơ quan khí tượng, thủy văn quốc gia và địa phương, vài năm trở lại đây, khí hậu ở khu vực tỉnh ta đã có những dấu hiệu khác thường. Đó chính là sự gia tăng cả về tần số, cường độ và độ bất thường của các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai do BĐKH. Đây cũng chính là mối đe dọa thường xuyên, trước mắt và lâu dài đối với tất cả các lĩnh vực, các vùng trên địa bàn.

Hệ thống đê, kè được nâng cấp, xây mới góp phần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Rõ nhất là trong khoảng 30 năm trở lại đây, địa bàn Quảng Bình đã có sự thay đổi của khí hậu, các cơn bão trước đây vốn ít ảnh hưởng đến tỉnh ta thì nay lại xuất hiện với tần suất thường xuyên hơn, kèm theo mưa lớn và lụt.

Cùng với đó, nhiệt độ trung bình tăng 0,82oC/năm và có chiều hướng tăng qua từng năm. Vào mùa mưa, tình trạng mưa với cường độ lớn trong thời gian ngắn gây nên lũ lụt nghiêm trọng; lũ quét xuất hiện ngày càng nhiều và thường phát sinh bất ngờ.

Còn nhớ, năm 2010 là năm tỉnh ta bị ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ khi mưa lớn làm nước trên sông Kiến Giang và sông Gianh vượt đỉnh lũ 1985, trên mức báo động III từ 0,6 - 1m; tháng 11-2013, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11, toàn tỉnh có mưa to, có nơi mưa rất to; xuất hiện lũ lớn. Và gần đây nhất là 2 đợt lũ liên tiếp vào cuối tháng 10, đầu tháng 11-2016 gây những thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Có thể thấy, tác động của BĐKH là vô cùng to lớn bởi sẽ làm ảnh hưởng đến tài nguyên nước, thay đổi lượng mưa và phân bố mưa trên các vùng; gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng và đa dạng sinh học; làm tăng nguy cơ xuất hiện các loại dịch bệnh, ảnh hưởng tới khả năng thâm canh tăng vụ, giảm năng suất cây trồng, vật nuôi... Diễn biến bất thường của thời tiết do BĐKH đang có nguy cơ làm chậm quá trình phát triển kinh tế của địa phương, ảnh hưởng lâu dài đến môi trường, sức khỏe con người và sinh kế người dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Đào, Trưởng phòng Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên – Môi trường chia sẻ: "Hiện nay, chúng ta đang gặp phải một số hạn chế trong ứng phó với BĐKH. Điều đó xuất phát từ thực tế là ý thức cộng đồng dân cư về BĐKH chưa cao; đời sống của người dân, đặc biệt là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn khó khăn gây ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các thông tin về dự báo, cảnh báo thiên tai; cơ sở hạ tầng ứng phó với BĐKH còn hạn chế...

Từ nhận thức này, tỉnh ta đã khuyến khích các địa phương trong toàn tỉnh, doanh nghiệp phát triển kinh tế theo hướng xanh, thân thiện với môi trường, đồng thời chủ động đưa ra những giải pháp nhằm ứng phó với BĐKH".

Theo đó, tỉnh đã ban hành kế hoạch quản lý lũ lụt tổng hợp lưu vực sông Gianh và sông Nhật Lệ; cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH; xây dựng hệ thống công nghệ số liên hoàn dự báo thời tiết và sóng biển, nâng cao năng lực phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; xây dựng, củng cố đê, kè chống sạt lở cửa sông Nhật Lệ; nâng cấp, cải tạo đê chống sạt lở và nước biển dâng.

Trong đó, định hướng ưu tiên các kế hoạch hành động cần triển khai để ứng phó với BĐKH bao gồm: trước mắt, ưu tiên nâng cao nhận thức về BĐKH, rủi ro thiên tai và các vấn đề vệ sinh, y tế công cộng; thực hiện các chương trình an toàn và xây dựng các kế hoạch quản lý thiên tai cho trường học; thực hiện các lớp tập huấn về BĐKH, quản lý rủi ro thiên tai, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu, cứu hộ cứu nạn và các kỹ năng cần thiết khác; tuyên truyền cho cộng đồng nhận thức về ảnh hưởng tiềm tàng của BĐKH; tăng cường cây xanh cho các công viên và đường phố của thành phố, thị xã, thị trấn và các khu dân cư nhằm giảm nhẹ khí thải nhà kính.

Những năm qua, biến đổi khí hậu thường xuyên gây mưa lớn và lũ nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh ta.

Cùng với đó, tỉnh chủ trương nâng cấp và mở rộng hệ thống đê kè ven sông để chống xói lở và lũ lớn; nạo vét, khai thông các tuyến sông, suối, đặc biệt là tại các cửa sông, như: sông Lý Hòa, sông Dinh, sông Gianh, để cải thiện năng lực cầu cảng và thoát lũ; tăng diện tích che phủ rừng đầu nguồn trên các sườn dốc, tăng diện tích rừng phòng hộ ở những nơi cần thiết để giảm nhẹ khí thải nhà kính và giảm tốc độ dòng chảy, giảm xói mòn cho khu vực miền núi; thiết lập hệ thống cảnh báo cho cộng đồng; cải thiện hệ thống thu gom và xử lý chất rắn ở những khu vực không được đầu tư từ các dự án VSMT; tăng cường năng lực của hệ thống y tế địa phương trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh.

Về lâu dài, trên cơ sở bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, các sở, ngành, đơn vị liên quan tiến hành chống xói lở bờ và sạt lở đất; cải thiện hệ thống đê biển để chống lại được những cơn bão có cường độ mạnh; xây dựng những tuyến đường tránh lũ, cứu nạn, cứu hộ và hệ thống cầu treo tại các địa bàn vùng sâu vùng xa; cải thiện hệ thống thoát nước không thuộc phạm vị dự án VSMT; bảo vệ và mở rộng nguồn nước thông qua việc nâng cấp các hệ thống cấp nước trên địa bàn tỉnh; sửa chữa, nâng cấp và xây mới hệ thống hồ đập; xây dựng hệ thống quản lý an toàn hồ đập; thực thi các quy chuẩn về bổ sung nước ngầm cho các khu vực có nguy cơ thiếu nước ngọt...

Theo Báo QB điện tử

 

[Trở về]