Bản in     Gởi bài viết  
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2022), 23 năm Ngày “Dân vận” của cả nước (15/10/1999 - 15/10/2022) 

    Nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2022), 23 năm Ngày “Dân vận” của cả nước (15/10/1999 - 15/10/2022), Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm và Đề cương tuyên truyền; Ban biên tập Trang thông tin điện tử tổng hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình trân trọng giới thiệu toàn văn Đề cương tuyên truyền này.

    I. TRUYỀN THỐNG 92 NĂM NGÀY CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA ĐẢNG

    Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, từ ngày 14 đến ngày 31-10/1930, tại Hương Cảng, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương Chính trị, Điều lệ Đảng và các Án nghị quyết về: Công nhân vận động, Nông dân vận động, Cộng sản Thanh niên vận động, Phụ nữ vận động, Quân đội vận, Vấn đề cứu tế và Hội phản đế đồng minh. Trong Nghị quyết của Trung ương chỉ rõ: “Trong các Đảng bộ (từ Thành ủy và Tỉnh ủy) phải tổ chức ra các Ban chuyên môn về giới vận động”. Từ tháng 10/1930, hệ thống Ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: Công vận, nông vận, thanh vận, phụ vận, quân đội vận, Mặt trận phản đế được ra đời làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng Nhân dân tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

   Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật số ra ngày 15/10/1949. Nội dung bài báo được coi là “Cương lĩnh công tác dân vận” của Đảng. Chính vì vậy, vào tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” và trên cơ sở sự ra đời của hệ thống Ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 là ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và quyết định lấy ngày 15/10 hằng năm là “Ngày Dân vận của cả nước” để cùng nhau học tập và thực hiện những lời Bác Hồ dạy về công tác dân vận.

   Xuất phát từ nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, Đảng gắn bó máu thịt với Nhân dân đã trở thành một truyền thống tốt đẹp và là nguồn sức mạnh của Đảng ta từ ngày thành lập đến nay. Đảng ta luôn xác định: Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.
Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945): Ngay sau khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam nhanh chóng tổ chức ra các đoàn thể cách mạng, hình thành bộ máy và cán bộ làm công tác dân vận; tổ chức cho các đảng viên đi vào các giai cấp, tầng lớp Nhân dân, tuyên truyền vận động, tổ chức và tập hợp quần chúng Nhân dân, huấn luyện họ đấu tranh chống áp bức, bất công, bóc lột đòi dân sinh, dân chủ ở khắp mọi nơi. Sau cao trào cách mạng (1930-1931), đến thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939), phong trào Phản đế (1939-1941) và phong trào Mặt trận Việt Minh (1941-1945). Khi điều kiện cách mạng chín muồi, Đảng đã chủ trương phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền; với khí thế của cả dân tộc bằng bạo lực chính trị, kết hợp với lực lượng vũ trang toàn dân đã đứng lên làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào ngày 02/9/1945. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh đường lối cách mạng của Đảng là đúng đắn; Đảng biết dựa vào dân, tin ở dân, gắn bó với dân, tuyên truyền giác ngộ Nhân dân, tổ chức tập hợp và hướng dẫn quần chúng Nhân dân đấu tranh giành chính quyền.

   Trong suốt 30 năm của hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945-1975), với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, bằng niềm tin và sức mạnh toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận đã góp phần tuyên truyền, vận động, tổ chức những phong trào cách mạng rộng lớn, động viên sức người, sức của, huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, Nhân dân ta viết nên những trang sử hào hùng.

   Trong những năm kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Đảng ta đã tổ chức, rèn luyện và hình thành một đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận luôn gắn bó máu thịt với Nhân dân ở khắp mọi miền của đất nước. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã chịu đựng hy sinh gian khổ, kiên cường bám dân để thực hiện xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao. Trong những năm tháng đó, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”... đã rầm rộ phát triển, tạo nên bầu nhiệt huyết cách mạng sôi động trong Nhân dân cả nước, tất cả vì sự nghiệp độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Công tác dân vận đã góp phần củng cố niềm tin tuyệt đối của Nhân dân đối với Đảng, Bác Hồ với tấm lòng son sắt và thủy chung, không gì lay chuyển được.
Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng ta động viên Nhân dân cả nước nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành công cuộc đổi mới, đưa đất nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII chỉ rõ nhiệm vụ, giải pháp công tác dân vận trong nhiệm kỳ mới là: “Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, cả hệ thống chính trị về công tác dân vận; phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới… Kịp thời thể chế hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng về công tác dân vận thành chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với thực tiễn…”

   Trong giai đoạn này, công tác dân vận của Đảng càng được khẳng định rõ nét cả về lý luận và thực tiễn; nội dung, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các mặt công tác dân vận được quy định phân công cụ thể. Đó là việc ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị... Từ đó đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động về công tác dân vận của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị, nhất là của các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu các cấp; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhất là vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng - Nhà nước với Nhân dân; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

   II. NGÀNH DÂN VẬN QUẢNG BÌNH, NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ, TRUYỀN THỐNG VẼ VANG VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

   Quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác dân vận, qua các thời kỳ cách mạng, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình luôn chú trọng thực hiện tốt công tác dân vận. Ngay sau khi được thành lập, các chi bộ đảng đầu tiên ở Quảng Bình đã nhanh chóng xây dựng lực lượng, bám sát cơ sở để tuyên truyền, giác ngộ quần chúng đi theo Đảng. Các tổ chức quần chúng được thành lập trong Mặt trận Việt Minh đã tập hợp đông đảo Nhân dân hưởng ứng các cao trào cách mạng, mà đỉnh cao là cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Đồng Hới vào ngày 23/8/1945.

   Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mặc dù cơ quan tham mưu công tác dân vận của Đảng chưa hình thành song từ nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận nên cấp ủy đảng đã thực hiện phân công 01 đồng chí cấp ủy phụ trách công tác dân vận. Công tác dân vận đã cổ vũ, động viên tinh thần yêu nước quật cường của quân và dân tỉnh nhà, không ngại hi sinh, gian khổ, chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, viết nên những trang truyền thống hào hùng “Quảng Bình quật khởi”, “Quảng Bình hai giỏi” đầy anh dũng và tự hào.

   Từ 1976 - 1989, giai đoạn tỉnh Bình Trị Thiên hợp nhất, trước yêu cầu và nhiệm vụ chính trị mới, ngày 17/8/1977, Tỉnh ủy Bình Trị Thiên đã thành lập Ban Dân vận và Mặt trận. Sau đó, ngày 30/10/1981 thành lập Ban Dân vận Tỉnh uỷ. Với sự hình thành bộ máy chuyên trách công tác dân vận, đồng thời với việc phân công cấp ủy, đảng viên phụ trách công tác dân vận, các đoàn thể, ngành Dân vận được tổ chức chặt chẽ, có hệ thống từ tỉnh xuống cơ sở đã phát huy vai trò tham mưu cho cấp ủy đoàn kết, vận động Nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách, đẩy mạnh phong trào hành động cách mạng thực hiện đường lối đổi mới, đạt những kết quả bước đầu quan trọng.

   Từ năm 1989 đến nay, trở về lại địa giới hành chính và tên gọi vốn có trong lịch sử tỉnh Quảng Bình, công tác dân vận tiếp tục khẳng định được vai trò, đóng góp quan trọng trong việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước. Đây là giai đoạn khẳng định sự trưởng thành về hệ thống tổ chức của Ngành Dân vận Quảng Bình với sự ra đời của cơ quan tham mưu công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh vào ngày 04/4/1992 theo Quyết định số 20-QĐ/TU về việc thành lập Ban Dân vận Tỉnh uỷ Quảng Bình. Sau đó, hệ thống tổ chức của Ngành Dân vận nhanh chóng được tăng cường, phát triển từ tỉnh xuống cơ sở; chức năng, nhiệm vụ được xác định ngày càng đầy đủ, cụ thể hơn; chất lượng, hiệu quả các mặt công tác ngày một nâng cao. Công tác dân vận đã tập trung tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về dân vận, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, của cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về công tác dân vận. Trong đó đã tích cực tham mưu, đẩy mạnh công tác dân vận của các cơ quan nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường công tác vận động đồng bào có đạo, đồng bào dân tộc thiểu số; đưa việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng đi vào nền nếp; chú trọng nghiên cứu các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”; thường xuyên nắm bắt tình hình Nhân dân, kịp thời tham mưu giải quyết các vấn đề nổi lên ở cơ sở… Qua đó, góp phần vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Qua 33 năm xây dựng và trưởng thành sau ngày tái lập tỉnh, Ngành Dân vận tỉnh nhà vinh dự và tự hào được Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Lao động hạng 2 cho Ban Dân vận Tỉnh ủy, nhiều tập thể, cá nhân được tặng cờ thi đua, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân vận Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

   Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, Ngành Dân vận tỉnh Quảng Bình đang quyết tâm nỗ lực đổi mới thực chất, toàn diện, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII đã đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025. Đó là: “Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thống nhất trong hành động của các cấp ủy, hệ thống chính trị về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 412-QĐ/TU ngày 14/10/2021 về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Quảng Bình; phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.

   Để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 03-CTr/BDVTU ngày 06/7/2021 đề ra 08 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện có hiệu quả công tác dân vận trong nhiệm kỳ mới. Trong đó, chú trọng việc tham mưu đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng công tác dân vận; thực hiện có hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; phối hợp thực hiện tốt công tác dân vận của lực lượng vũ trang, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác dân vận đối với đồng bào theo tôn giáo; đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công tác dân vận của Đảng, chính quyền, cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

   Ngành Dân vận tỉnh nhà tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực tham mưu triển khai có hiệu quả các nội dung trọng tâm công tác dân vận. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội để phát huy hiệu quả sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; thường xuyên bám nắm các địa bàn, tình hình Nhân dân, quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời các đối tượng yếu thế, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

[Trở về]