Bản in     Gởi bài viết  
ĐỂ VIỆC TIẾP XÚC CỬ TRI VẬN ĐỘNG BẦU CỬ DIỄN RA CÔNG BẰNG VÀ CÓ Ý NGHĨA 

  Cuộc bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2016-2021) được diễn ra vào ngày 22/5/2016. Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2016-2021). Ở tỉnh ta hiện có 10 ứng cử đại biểu Quốc hội để bầu 06 đại biểu Quốc hội; có 83 đại biểu ứng cử để bầu 50 đại biểu HĐND tỉnh; cấp huyện, thị xã, thành phố (gọi là cấp huyện) có 465 ứng cử để bầu 273 đại biểu HĐND huyện; ở cấp xã, phường thị trấn (gọi cấp xã) có gần 6.000 ứng cử để bầu 4.048 đại biểu HĐND cấp xã.

 

   Sau hội nghị hiệp thương lần 3, MTTQ các cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND các cấp, thực hiện quyền tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Việc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử của người ứng cử Đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri trực tiếp để báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, HĐND và trao đổi những vấn đề cử tri quan tâm. Đây là dịp để cử tri đánh giá thực chất năng lực, trình độ của mỗi ứng cử viên, qua đó quyết định lựa chọn những ứng cử viên có đủ tiêu chuẩn, có khả năng thay mặt nhân dân tham gia Quốc hội, HĐND. Các cuộc tiếp xúc cử tri có thể nói vừa là cơ hội song cũng vừa là những thử thách lớn đối với các ứng cử viên lần đầu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Đây còn là cơ hội duy nhất để các ứng cử viên thể hiện mình, vận động cử tri bỏ phiếu cho mình. Hoạt động tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử là giai đoạn cuối của quá trình tranh cử của ứng cử viên, góp phần quan trọng vào kết quả bầu cử của các ứng cử viên.

   Để việc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử công bằng, dân chủ, đúng luật và có ý nghĩa thì những người có tên trong danh sách ứng cử, không phân biệt chức vụ, địa vị công tác đều có quyền vận động bầu cử. Trong quá trình vận động bầu cử, những người ứng cử được bảo đảm các điều kiện như nhau, từ kinh phí vận động bầu cử tới việc tiếp xúc cử tri hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cử tri không phải là nơi để những người ứng cử sử dụng diễn đàn tranh giành cử tri, xúc phạm, đả kích lẫn nhau, mà là nơi ứng cử viên báo cáo với cử tri dự kiến thực hiện trách nhiệm của người đại biểu nếu được bầu. Các hội nghị tiếp xúc cử tri phải huy động cử tri đến dự đông đủ để ứng cử viên có cơ hội tiếp xúc cử tri. Hội nghị cần tuân thủ theo trật tự, thứ tự của họ tên người ứng cử được xếp theo vần ABC... không ưu tiên cho riêng ai, với một thời lượng bằng nhau để người ứng cử trình bày chương trình hành động của mình.

   Đối với việc tổ chức các cuộc tiếp xúc của MTTQ các cấp. UBMTTQ cần in ấn, phát hành tiểu sử và thông qua chương trình hành động của những người ứng cử để nhân dân nghiên cứu tiểu sử, chương trình hành động và tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, HĐND tạo điều kiện thuận lợi để cử tri cân nhắc, lựa chọn trước khi bỏ phiếu bầu.

   Đối với các ứng cử viên, trong các buổi tiếp xúc cử tri, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND, cần trao đổi một cách dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề mà cử tri quan tâm. Để làm tốt công việc này, các ứng cử viên cần xây dựng chương trình hành động sát với trách nhiệm của người đại biểu dân cử, tập trung vào các chức năng cơ bản của Quốc hội, HĐND đó là công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương. Cử tri sẽ quan tâm đến hoạt động của người đại diện cho mình tại cơ quan quyền lực tối cao ở các kỳ họp của Quốc hội và Hội nghị nhân dân các cấp. Do vậy, trong chương trình hành động của mình, ứng cử viên cần nêu rõ trách nhiệm và quyền hạn khi được bầu làm đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo những quy định của pháp luật, tránh có những lời hứa suông hoặc hứa quá nhiều mà không có điều kiện thực hiện, dẫn đến mất niềm tin của cử tri. Chương trình hành động của ứng cử viên cần được xây dựng một cách hoàn chỉnh, chặt chẽ. Nội dung chương trình hành động của mỗi ứng cử viên cần phải giải đáp các vấn đề như Quốc hội và Hội đồng nhân dân có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào? Cử tri mong muốn gì ở mỗi đại biểu? Ứng cử viên có điều kiện gì để đáp ứng mong muốn của cử tri. Từ chương trình hành động khung, ứng cử viên sẽ xây dựng một số chương trình hành động cụ thể phù hợp với mỗi địa phương nơi mình sẽ ứng cử và phải phù hợp với từng đối tượng cử tri mà mình tiếp xúc để vận động tranh cử. Sau khi cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng, người ứng cử cần trao đổi với tinh thần dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề mà cử tri quan tâm với thái độ luôn lắng nghe và chia sẻ những nguyện vọng chính đáng của họ.

   Công tác vận động bầu cử bảo đảm tính tranh cử công bằng, dân chủ, đúng luật góp phần tạo điều kiện cho cử tri có thể “chọn mặt gửi vàng”. Đồng thời, những lời hứa của ứng cử viên sẽ là căn cứ để cử tri giám sát khi được bầu làm đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong suốt nhiệm kỳ 5 năm hoạt động.


Trần Hùng

 

[Trở về]