Bản in     Gởi bài viết  
Đề xuất giảm dần cán bộ nhà nước trong bộ máy của các hội 
    Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội dành cả ngày 25-10 để thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Luật về hội.

   

Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật về hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

    Những vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật, đối tượng áp dụng và không áp dụng Luật, các trường hợp hạn chế quyền lập hội, thủ tục thành lập hội, quyền và nghĩa vụ của hội... đã được đại biểu mổ xẻ kỹ càng trong phiên thảo luận.

    Cụ thể hóa quyền lập hội của công dân

   Các đại biểu cho rằng luật ra đời tạo môi trường cho việc thực hiện quyền con người, quyền công dân, quyền của tổ chức, do đó cần phải tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng. Có ý kiến cho rằng phạm vi điều chỉnh của Luật này chỉ quy định về quyền lập hội của công dân Việt Nam theo quy định tại Điều 25 của Hiến pháp (năm 2013), việc quy định cả với tổ chức phi chính phủ và các loại quỹ là quá ôm đồm.

   Thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định Luật ban hành nhằm cụ thể hóa quyền lập hội của công dân Việt Nam đã được Hiến pháp quy định. Do đó, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đề nghị Quốc hội giữ như dự thảo Luật: "Luật này quy định về quyền lập hội của công dân Việt Nam; tổ chức, hoạt động của hội và quản lý nhà nước về hội” (Điều 1).

   Các đại biểu tán thành với quy định Luật không áp dụng với 6 tổ chức chính trị-xã hội gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bởi đây là những tổ chức chính trị-xã hội ra đời cùng với giai đoạn cách mạng của Đảng, không đưa vào luật này vì đã có pháp luật khác quy định. Quy định như vậy là phù hợp với Hiến pháp, với lịch sử phát triển và thể chế chính trị của Việt Nam.

   Song đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) băn khoăn với những tổ chức khác như liên minh hợp tác xã, liên hiệp hội khoa học nằm ở đâu, hệ thống chính sách như thế nào. Đại biểu đề xuất phạm vi điều chỉnh phải rộng hơn, với cả các cá nhân, tổ chức, các liên minh để thực hiện tốt quyền con người, quyền công dân.

   Đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể các chính sách cho phù hợp với 28 tổ chức Hội có tính chất đặc thù, trong đó có 10 tổ chức hội có Đảng đoàn và các tổ chức Hội khác. Cần rà soát các tổ chức Hội một cách cụ thể để tránh tình trạng hoạt động hình thức, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, tăng biên chế và tăng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước đồng thời, cần quy định rõ trong dự thảo Luật về vai trò quản lý các cấp đối với các tổ chức hội.

   Nhiều ý kiến đóng góp về việc liên kết, gia nhập hội nước ngoài

   Quy định khiến nhiều đại biểu băn khoăn nhất là việc hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, tại Điều 8 dự thảo Luật. Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đặt vấn đề rất nhiều tổ chức hội nhận tài trợ nước ngoài để nâng cao trình độ hội viên và làm nhiều việc khác, trong đó cũng có những hội lợi dụng vấn đề này.

   Lý giải của đại biểu Sơn cho thấy việc liên kết này để mở rộng hội nhập quốc tế, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với thế giới từ trong sinh hoạt hội. Đại biểu đánh giá nhiều điều trong Luật hội nặng về quản lý nhà nước. Trong luật phải có yêu cầu để những hội cùng tính chất nhập lại thành một đầu mối, giảm tổ chức, nâng cao vị thế hơn.

   Cũng như vậy, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định không nhận tài trợ nước ngoài. Quy định như dự thảo luật là hơi cứng nhắc, nên chăng chỉ quy định không nhận tài trợ nước ngoài khi làm phương hại đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội, còn các khoản tài trợ phù hợp với tôn chỉ mục đích của hội, không vi phạm pháp luật thì nên cho phép.

   Liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng quy định về nhận tài trợ nước ngoài và Chính phủ quy định về việc này chưa được làm rõ. Báo cáo giải trình, tiếp thu cho rằng hiện nay cả nước có khoảng 63.000 hội có đăng ký và đang hoạt động thì số lượng hội có liên kết, gia nhập, nhận tài trợ nước ngoài không nhiều; không nhiều là bao nhiêu, không có con số cụ thể, đại biểu nêu. Có thể không nhiều nhưng nếu chỉ cần vài trăm hội được nhận tài trợ thì cũng không thể gọi là trường hợp đặc biệt được, đại biểu Cương đặt vấn đề.

   Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương chất vấn: Khoản 12 Điều 23 của Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định hội được phép nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nay Luật không cho phép thì xử lý như thế nào. Căn cứ nào để xác định được trường hợp đặc biệt được nhận tài trợ của nước ngoài. Một thực tế được đại biểu đưa ra là việc tài trợ nói chung là hành động có ý nghĩa không chỉ về vật chất mà cả về mặt tinh thần cho cả bên cho và bên nhận tài trợ. Nhiều hội lập ra không chủ động được về kinh phí nên nếu không có sự huy động, hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài thì việc duy trì hoạt động có thể có những khó khăn nhất định.

   Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương và Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đều cho rằng tài trợ và cứu trợ là khác nhau, sau Luật này, nếu không cho nhận tài trợ, nhiều hội sẽ quay sang nhận cứu trợ và quy định đặt ra là không đạt được mục đích. Thực tế một số hội thành lập ra chủ yếu là để nhận tài trợ của các tổ chức quốc tế và mang lại hiệu quả thiết thực.

   Nhất trí với báo cáo giải trình về việc phòng ngừa lợi dụng liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài để hoạt động trái pháp luật, chống phá Nhà nước và chế độ, nhưng theo đại biểu cũng không nên phủ nhận trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc các hội gia nhập các tổ chức quốc tế là xu hướng tự nhiên và tất yếu, mang lại nhiều cơ hội giao lưu học hỏi và hỗ trợ hoạt động hiệu quả.

   Chỉ hỗ trợ kinh phí với nhiệm vụ nhà nước giao

   Lo ngại về gánh nặng ngân sách chi cho tổ chức hội, các ý kiến cho rằng chỉ tổ chức hội thành lập theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao thì Nhà nước hỗ trợ kinh phí.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Sỹ Cương phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

   Đại biểu Bùi Quốc Phòng đề nghị bổ sung thêm điều khoản là tổ chức hội thành lập theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao thì Nhà nước hỗ trợ kinh phí. Không nhất thiết tổ chức hội đặc thù nào cũng có tổ chức bộ máy từ trung ương đến cơ sở, dẫn đến bộ máy cồng kềnh và không có ngân sách để trang trải.

   Đại biểu Cao Đình Thưởng đề nghị làm rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước để hoạt động hội tuân thủ đúng pháp luật, không bị lợi dụng, vụ lợi, có chế tài xử lý khi hội vi phạm pháp luật, tiến tới giảm dần cán bộ nhà nước trong bộ máy của hội, xét duyệt các khoản kinh phí hỗ trợ hợp lý, phù hợp theo hướng chỉ thật sự cần thiết Nhà nước mới hỗ trợ kinh phí để cho mọi tổ chức hội tự chủ, tự trang trải, tiến tới sự bình đẳng giữa các tổ chức hội.

   Đại biểu Cao Đình Thưởng cũng cho rằng dự thảo Luật cần quy định nhằm đơn giản quy trình thành lập hội, giảm bớt thủ tục hành chính hướng tới bảo đảm quyền tự do của công dân nhưng vẫn tuân thủ các quy định của pháp luật.

   Việc quy định thời hạn cấp giấy đăng ký thời gian thành lập hội là 60 ngày là quá dài. So sánh với Luật doanh nghiệp, chỉ cần 3 ngày làm việc là doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký, đại biểu đề nghị xem xét giảm thời gian cấp giấy đăng ký thành lập Hội.

    Theo Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

[Trở về]