Bản in     Gởi bài viết  
Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình với phong trào thi đua yêu nước 

    Trong những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ta đã phát huy truyền thống đoàn kết, tích cực thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và đã đạt được nhiều kết quả trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phong trào thi đua lao động sản xuất phát triển kinh tế ngày càng phát triển rộng khắp góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi trên địa bàn tỉnh.

 

   Nét nổi bật của phong trào thi đua lao động sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số đó là: Chuyển đổi được nhận thức, thay đổi được tập quán canh tác lạc hậu từ độc canh “phát, đốt, cốt, trỉa”, sản xuất “ tự cung, tự cấp” sang thâm canh tăng vụ và sản xuất hàng hóa. Đồng bào tích cực phát huy thế mạnh của địa phương, giúp nhau vốn, vật tư, cây con giống, kinh nghiệm sản xuất, ngày công lao động để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề giải quyết việc làm...Nhiều hộ gia đình đã tranh thủ các nguồn vốn vay của Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, cùng với tinh thần cần cù, năng động, sáng tạo, đổi mới nếp nghỉ, cách làm, khai thác tiềm năng thế mạnh về lao động, đất đai vùng đồi, vùng rừng, tích cực áp dụng KHKT, đưa cây con giống có năng suất chất lượng cao vào sản xuất nhằm tạo ra giá trị cao trong sản phẩm hàng hóa, góp phần tăng trưởng kinh tế nông thôn miền núi, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trong phong trào thi đua sôi nổi ấy đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương sáng, tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh giỏi, công tác xã hội tốt.

   Trong số đó phải kể đến gia đình Ông Hồ Văn Pan, Dân tộc -Vân Kiều, ở Ban Cây Bông, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy: Là người luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi cách làm ăn, tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT để tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, từ đó anh đã mạnh dạn đầu tư thâm canh diện tích trồng lúa nước mỗi năm thu được 05 tấn lúa, đảm bảo lương thực cho gia đình, đồng thời đẩy mạnh việc chăn nuôi, trồng rừng. Đến nay gia đình anh đã có một cơ ngơi khá bề thế với 02 lợn nái, 06 lợn thịt, 20 con bò Laisind, 15 con dê, 20 ha rừng trồng keo, tràm và hồ cá rộng 2.000m2, thu nhập hàng năm trên 200 triệu đồng. Nhờ kinh tế phát triển anh đã mua sắm đầy đủ các tiện nghi trong gia đình, đầu tư cho con ăn học và giúp đỡ bà con lối xóm trong lúc hoạn nạn khó khăn.

   Anh Hồ Soa, Dân tộc Bru-Vân Kiều ở bản Khe Dây, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh: Với đức tính cần cù, nhạy bén trong công việc, anh luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm làm ăn của bà con miền xuôi. Lợi dụng khe suối chảy qua bản, anh đắp 03 hồ cá với diện tích khá lớn theo kiểu bậc thang nên thuận tiên cho việc chống úng chống hạn, thu nhập từ ao cá mỗi năm từ 8-10 triệu đồng. Ngoài ra anh còn trồng 11 ha bạch đàn, tràm hoa vàng, 250 góc tiêu đã cho thu hoạch; nuôi 6 con trâu để sinh sản và phục vụ cày kéo và hàng trăm con gà vịt, cho thu nhập mỗi năm trên 150 triệu đồng. Ngoài việc lo phát triển kinh tế gia đình anh còn giúp 4 hộ nghèo vay 08 triệu đồng không lấy lãi để phát triển kinh tế. Anh luôn trao đổi kinh nghiệm làm ăn, giúp đỡ lương thực cho các hộ thiếu đói lúc giáp hạt, gia đình anh luôn gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, hương ước thôn bản, vận động bà con thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa. Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới gia đình anh đã hiến 729 m2 để xây dựng nhà văn hóa cộng đồng.

   Ông Đinh Hợp, Người MaCoong, Dân tộc Bru-Vân Kiều, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch: Là điển hình về phát triển kinh tế kết hợp giữa chăn nuôi trâu, bò đàn với trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Đến nay gia đình ông có 45 con trâu, bò, 7 ha cao su, 5 ha cây keo, tràm đã cho thu hoạch. Do làm ăn khá nên anh đã sắm thêm máy phay, máy cày để phục vụ cho gia đình và bà con dân bản. Năm 2013, anh đã đầu tư làm được nhà 2 tầng trị giá trên 500 triệu đồng. Ngoài việc phát triển kinh tế ông còn luôn tích cực luôn phối hợp với đồn Biên phòng 593 thực hiện tốt chương trình liên kết nhằm xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, xây dựng vùng biên an toàn làm chủ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nội quy phòng cháy rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn, góp phần xây dựng xã Thượng Trạch thành xã kiểu mẫu vùng biên.

   Anh Hồ Viên, Người Mã Liềng, dân tộc Chứt xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa: Nhờ định canh, định cư, cuộc sống ổn định, gia đình anh đã biết cách tổ chức làm ăn trở nên khá giả. Trước đây gia đình anh cũng như bao nhiêu người con Mã Liềng ở bản Cà Xen sống du canh, du cư rải rác khắp vùng phía tây huyện Tuyên Hóa, cuộc sống rất khổ cực, chưa có gia đình nào đủ ăn, đủ mặc. Từ khi định cư ở bản Cà Xen anh đã tích cực cùng vợ con khai hoang trồng lúa nước. Đến nay gia đình anh trồng 7 sào lúa nước, 2,1 sào ngô, 3 sào đậu lạc, đậu xanh đều cho thu nhập cao. Ngoài ra anh còn trồng 5 ha rừng, chăn nuôi trâu bò, đào ao thả cá, thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng. Nhờ cuộc sống ổn định, chịu khó, biết cách tổ chức sản xuất nên gia đình anh trở nên khá giả, các con anh được học hành. Hiện nay gia đình anh đã sắm được máy cày, máy xay xát và một máy gặt lúa để phục vụ bà con trong vùng. Không những chăm lo làm ăn phát triển kinh tế gia đình, anh còn luôn quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ cho bà con trong bản lúc giáp hạt thiếu ăn. Trong bản có gia đình nào gặp hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, hoạn nạn anh đều cho gạo, ủng hộ tiền. Với sự giúp đỡ chỉ bảo chân tình của anh, gia đình anh Hồ Thông, Hồ Xuân, Hồ Bạt đã vươn lên làm ăn khá.

   Chị Phạm Thị Lâm, là điển hình tiêu biểu của Người Mã Liềng, dân tộc Chứt, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa: Là Trưởng Bản Cáo, chị không những lo việc gia đình chu toàn, nuôi dạy con học hành chăm chỉ. Hiện nay con trai đầu đang học năm thứ 5 trường đại học Y- Dược Huế, con thứ 2 đã tốt nghiệp trung cấp nông - lâm, hiện đang tham gia nghĩa vụ quân sự tại tỉnh, con thứ 3 tốt nghiệp lớp 12 đang làm công an viên. Chị luôn phát huy tinh thần trách nhiệm của mình trước bà con dân bản, tích cực vận động, hướng dẫn bà con từ việc ăn, ở, lối sống đến an ninh trật tự, nhất là tăng cường sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3-4%. Chị được bầu là người tiêu biểu của người con Tộc người Mã Liềng dự Hội nghị biểu dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2012-2017 của tỉnh.

   Chị Hồ Thị Thanh, Dân tộc Bru-Vân Kiều, Bản Hung, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa: Là điển hình về phát triển kinh tế tổng hợp vừa chăn nuôi, trồng rừng, trồng lạc, đậu xanh và chuối. Hiện nay gia đình chị đã có 10 con bò Laisind, 07 lơn thịt, 150 con gia cầm, 02 ha chuối, 03 ha cây keo, 02 sào lúa, 02 sào ngô làm vườn ươm cây giống cung cấp cho bà con trong vùng có thu nhập trên 100 triệu đồng năm. Ngoài đầu tư phát triển kinh tế có hiệu quả chị còn là Phó Chủ tịch phũ nữ xã, chị luôn tịch gương mẫu vận động tuyên truyền vận động chị em thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, thực hiện tốt Kế hoạch hóa gia đình, không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cạnh huyết thống, thực hiện ăn, ở hợp vệ sinh, bảo tồn và phát huy các bản sác văn hóa dân tộc.

   Ông Đinh Mể, Người MaCoong, Dân tộc Bru-Vân Kiều, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch: với mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, phát triển chăn nuối trâu, bò đàn và trồng rừng, tích cực áp dụng các tiến bộ KHKT vào chăn nuôi và trồng trọt nên đem lại hiệu quả kinh tế cao. Có thời điểm gia đình anh có tới 35 con trâu, bò, 2 lợn nái, 08 lợn thịch, 3 ha keo, tràm cho thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng. Nhờ chịu khó, biết cách tổ chức sản xuất nên gia đình anh đã thoát nghèo, cho con ăn học, mua săm các các vật dụng trong gia đình, tích cực vận động bà con giữ gìn an ninh trật tự, an ninh biên giới, xây dựng bản làng văn hóa vùng biên.

   Từ những kết quả đạt được của phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh ta đã góp phần quan trọng làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, bộ mặt nông thôn, vùng miền núi, dân tộc thiểu số có nhiều đổi mới. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, bà con phấn khởi, hăng hái tham gia lao động sản xuất phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tích cực tham gia các các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện,; góp phần củng cố an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trần Xuân Hùng
(Ban Phong trào)

[Trở về]