Bản in     Gởi bài viết  
Đồng hành cùng nông dân 

   Với phương châm hướng về cơ sở, trong đó, tổ chức hội là nòng cốt, mỗi một hội viên là chủ thể, những năm qua, các phong trào thi đua yêu nước do Hội Nông dân (ND) tỉnh tổ chức và phát động đã trở thành nguồn động lực cổ vũ, động viên hội viên ND thi đua lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. 

 

   Giúp nông dân phát huy nội lực

    Với vai trò là trung tâm tổ chức của các phong trào, 5 năm qua, các cấp Hội ND trong tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đồng thời triển khai sâu rộng và chất lượng các phong trào thi đua yêu nước trong ND. Xác định nhiệm vụ hỗ trợ ND phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là đòn bẩy thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh, vừa hoàn thành nhiệm vụ chính trị của hội, từ năm 2015 đến nay, các cấp hội đã tăng cường liên kết với các sở, ngành liên quan tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, nguồn vốn, vật tư nông nghiệp, tìm kiếm thị trường tiêu thụ… tạo điều kiện cho hội viên tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua.

     Trong đó, Hội ND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức 5.300 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 329.000 lượt hội viên ND, xây dựng mới 542 mô hình về sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản.

    Để giúp hội viên ND tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, mở rộng sản xuất, kinh doanh, các cấp hội đã tích cực tham mưu và chỉ đạo xây dựng, phát triển Quỹ Hỗ trợ ND. Đến nay, tổng nguồn quỹ toàn tỉnh đạt gần 70 tỷ đồng, với gần 3.500 lượt hộ vay, đầu tư trên 455 mô hình sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh cũng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt xây dựng gần 1.400 tổ vay vốn (hơn 45.000 thành viên), với doanh số cho vay đạt trên 2.700 tỷ đồng.

     Từ các mô hình, phong trào ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ngày càng phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực đời sống, kinh tế-xã hội, đồng thời, tạo động lực lôi cuốn, khích lệ, động viên hội viên, ND hăng hái thi đua lao động sản xuất và giúp đỡ nhau thoát nghèo.

     Qua các phong trào, người ND không chỉ phát huy được nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, mà còn mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh; tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với từng địa bàn, từng ngành nghề; chú trọng tăng năng suất lao động, tăng giá trị sản phẩm. Nhờ đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị được tạo ra và có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.

     Đến nay, toàn tỉnh có 75.840 hộ đạt danh hiệu ND sản xuất, kinh doanh giỏi (chiếm 43,6% so với tổng số hội viên), tăng 13,3% so với giai đoạn 2010-2015, trong đó có hàng nghìn hộ thu nhập từ 500 triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Từ đây, nhiều hộ ND sản xuất, kinh doanh giỏi đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất với số tiền lên đến hàng tỷ đồng, thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người từ 1,5 đến 3 lần so với giai đoạn trước đây.

      Các điển hình tiên tiến, tiêu biểu đại diện cho ND thế hệ mới, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, có ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu xuất hiện ngày càng nhiều. Những đóng góp của đội ngũ ND sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo bước đột phá về cơ cấu nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa góp phần nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của hội viên, ND.

Góp sức vì cộng đồng...

    Có thể nói, để có được diện mạo nông thôn khởi sắc như ngày hôm nay, ngoài sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, còn có sự đồng lòng, chung sức, góp công, góp của của đông đảo hội viên ND, đặc biệt trong đó phải nói đến phong trào xây dựng nông thôn mới. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, các cấp hội đã triển khai đồng bộ các giải pháp để hội viên, ND chủ động, tích cực tham gia từ khâu tuyên truyền nâng cao nhận thức đến khâu xây dựng kế hoạch, lựa chọn tiêu chí để tổ chức thực hiện một cách hiệu quả nhất.

     Đến nay, chủ trương xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo khí thế mới ở khu vực nông thôn. Từ năm 2015 đến nay, các cấp hội đã vận động ND đóng góp trên 130 tỷ đồng, tự nguyện hiến trên 724.000m2 đất, 64.500 ngày công để sửa chữa, xây dựng, duy tu, nâng cấp đường giao thông, kênh mương nội đồng và các công trình phúc lợi ở nông thôn, góp phần cùng với địa phương hoàn thành kế hoạch chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Hội Nông dân tỉnh trao tặng bò cho hộ nghèo ở xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy).

    Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, (chiếm 52,2% số xã trên địa bàn tỉnh), cao hơn 1,9% so với toàn quốc và vượt 2,2% so với mục tiêu đến năm 2020.

    Bên cạnh đó, các cấp hội đã tích cực vận động hội viên ND thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, khu phố văn hóa; thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội; phòng, chống các tệ nạn xã hội, thực hiện chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình; bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, chăm sóc, bảo vệ trẻ em; tham gia các hoạt động khuyến học, khuyến tài ở địa phương.

     Ngoài ra, hội viên toàn tỉnh cũng đã tích cực hoạt tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, như: Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng…, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong các hội viên ND. Trong 5 năm qua, hội viên ND toàn tỉnh đã đóng góp trên 8,4 tỷ đồng giúp đỡ 6.229 hộ thoát nghèo (tăng 63,4% so với giai đoạn 2010-2015).

     Sự hưởng ứng tích cực của hội viên, ND trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã góp phần làm chuyển biến đáng kể bộ mặt nông thôn. Đời sống, dân trí khu vực nông thôn được nâng cao, cơ sở hạ tầng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3-4%/năm, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa được thu hẹp đáng kể.

    Những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua đã minh chứng cho sức mạnh và vai trò to lớn của một lực lượng lớn lao động ở nông thôn trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước, đồng thời đó còn là động lực cho các cấp hội nỗ lực, phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong việc vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng về các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mới.

 

(Theo Báo QBĐT)

[Trở về]