Bản in     Gởi bài viết  
Kết quả 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 01/KL-ĐCT ngày 20/8/2015 của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban TW MTTQ Việt Nam "Về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc" trên địa bàn tỉnh Quảng Bình 

    Sau 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 01/KL-ĐCT Ủy ban TW Mặt trận TQVN, Ủy ban Mặt trận TQVN các cấp, các tổ chức thành viên đã có nhiều chuyển biến sâu sắc về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong công tác dân tộc; hướng về cơ sở, thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. 

   Tỉnh Quảng Bình có 2 dân tộc thiểu số chính: Dân tộc Bru - Vân Kiều và dân tộc Chứt; có 5.095 hộ với 23.036 khẩu, trong đó: Dân tộc Bru - Vân Kiều có 3.908 hộ với 16.435 khẩu, gồm các tộc người Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì; dân tộc Chứt có 1.529 hộ 5.872 khẩu, gồm các tộc người: Sách, Rục, A rem, Mã liềng, Mày; ngoài ra còn có 155 hộ với 729 khẩu thuộc thành phần các dân tộc thiểu số khác như: Thái, Mường, Thổ, Tày, Nùng, Pa cô, Ca rai... Đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh sinh sống thành cộng đồng ở 106 thôn, bản thuộc 17 xã miền núi, vùng cao của huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Đồng chí Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận TQVN kiểm tra việc thực hiện Kết luận số 01/KL-ĐCT ở tỉnh ta

   Những năm qua, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh tuy đã thu được những kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Bởi vậy, sau khi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hướng dẫn triển khai Kết luận số 01/KL-ĐCT ngày 20/8/2015 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam "Về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong công tác dân tộc” (gọi tắt là Kết luận 01), Mặt trận các cấp trong tỉnh phối hợp với các sở, ban ngành, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong công tác dân tộc, nhất là hướng mạnh về cơ sở. Căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương, Ban Thường trực Mặt trận tỉnh đã hướng dẫn, chỉ đạo Mặt trận cơ sở đề ra các chủ trương, biện pháp sát và phù hợp với tình hình thực tế để cụ thể hóa các nội dung của Kết luận số 01/KL-ĐCT và đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, cụ thể:

   Với phương châm "Đi từng ngõ, gõ từng nhà", "Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin", Mặt trận và các đoàn thể nhân dân đã thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chú trọng phát huy các nhân tố mới để xây dựng đội ngũ Già làng, Trưởng bản, người có uy tín; thường xuyên quan tâm thăm hỏi, động viên kịp thời khi khó khăn, ốm đau, nhân các dịp lễ, tết cổ truyền dân tộc và của đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm... từ đó phát huy vai trò, vị trí của những cá nhân người tiêu biểu, có uy tín cả về số lượng và chất lượng. Trong 03 năm đã phối hợp tổ chức 40 lớp tập huấn cho hơn 2.100 đối tượng là cán bộ Mặt trận các cấp làm công tác dân tộc, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận cấp cơ sở phối hợp với các ban, ngành cùng cấp tổ chức tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho bà con trên hệ thống truyền thanh cơ sở, các hội nghị, hội họp của xã và thôn, bản; phối hợp tổ chức được 413 cuộc tuyên truyền về tư tưởng Đại đoạn kết dân tộc, các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về dân tộc, về các phong trào, các cuộc vận động trong đồng bào dân tộc thiểu số thu hút được 32.422 lượt người tham gia. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các điển hình tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số đã được Mặt trận tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Bình phản ánh thông qua các chuyên mục, chuyên trang hàng tháng để kịp thời động viên, khích lệ các phong trào thi đua yêu nước, các cá nhân điển hình tiêu biểu trong đồng bào dân tộc.

   Nhằm triển khai thực hiên tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam và các ngành, các cấp phát động, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hằng năm, căn cứ Hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng hướng dẫn, triển khai đến MTTQ các cấp để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh tham gia xây dựng nông thôn mới, tham gia ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”; đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; xây dựng và bổ sung các quy định, quy ước về nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; chăm lo sự nghiệp y tế, giáo dục như: giữ gìn vệ sinh, đường làng ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp; góp công, góp sức, tự nguyện hiến đất và tài sản trên đất phục vụ cho việc thi công các tuyến đường, mở rộng đường liên thôn, liên xã, xây dựng công trình thủy lợi, công trình phúc lợi công cộng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

   Phong trào thi đua lao động, sản xuất, xóa đói giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số đã được Mặt trận các cấp đặc biệt quan tâm phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể để tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo. Với phương châm "Cầm tay chỉ việc" đã mang lại hiệu quả tích cực, từng bước thay đổi được nhận thức, tập quán canh tác lạc hậu từ “phát, đốt, cốt, trỉa”, sản xuất “tự cung, tự cấp” sang thâm canh tăng vụ, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm với cải tạo vườn đồi, vườn rừng, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp có năng suất, giá trị kinh tế cao, tạo ra các mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, đa dạng. Nhiều vùng đồng bào Rục, Khùa, Mày, Macoong, Mã Liềng… đã chuyển đổi tập quán từ sản xuất nương rẫy "phát đốt, cốt trĩa" sang sản xuất thâm canh lúa nước 2 vụ. Đến nay trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 290 ha sản xuất 2 vụ lúa nước/năm với sản lượng bình quân đạt 40 tạ/ha. Hiện nay toàn tỉnh có hơn 700 hộ làm ăn khá, giỏi, trong đó có trên 500 hộ cho thu nhập 30 triệu/năm trở lên, gần 200 hộ có thu nhập 70 triệu đồng/năm trở lên. Tiêu biểu, như: Ông Hồ Văn Pan, bản Cây Bông, xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy); Ông Hồ Viên, Bản Cà Xen, xã Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa); Ông Đinh Hợp, dân tộc Ma Coong xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch)…

   Thực hiện vai trò của MTTQ Việt Nam trong giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217 của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban TWMTTQ Việt Nam, Ban Thường trực Mặt trận tỉnh tăng cường công tác giám sát các chương trình, dự án đang triển khai ở khu dân cư, phát huy vai trò giám sát trực tiếp của nhân dân, đặc biệt quan tâm các hoạt động giám sát việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nơi đồng bào trực tiếp được thụ hưởng Chương trình 135, Chương trình 134, Chương trình 30a... Trong 02 năm 2016-2017 và 6 tháng đầu năm 2018, Ủy ban MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh đã tiến hành giám sát 17 cuộc giám sát, khảo sát liên quan đến công tác dân tộc miền núi.

   Mặt trận các cấp trong tỉnh đã phối hợp với Bộ Đội Biên phòng tỉnh thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" gắn với vận động quần chúng tham gia xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trong tình hình mới”. Thông qua phong trào nhân dân đã cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, như ma túy, vật liệu nổ, vượt biên,... Lực lượng Dân quân và đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các xã biên giới cùng với Bộ đội Biên phòng tổ chức hàng trăm lần phát quang, tuần tra biên giới; vận chuyển hàng chục tấn vật liệu để đúc, cắm biển báo "Khu vực biên giới, vành đai biên giới"…

   Công tác tham gia xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước được Mặt trận các cấp phối hợp với cấp ủy Đảng ủy, chính quyền cùng cấp kiện toàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của công tác Mặt trận. Đến tháng 12/2017, toàn tỉnh có 980 đảng viên là người dân tộc thiểu số; tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị ngày càng tăng qua các nhiệm kỳ Đại hội và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Hiện nay có 01 vị là đại biểu Quốc hội, 166 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, 01 vị là UVUB TWMTTQ Việt Nam, 6 vị UVUB MTTQ tỉnh và trên 1.000 UVUB MTTQ cấp huyện, cấp xã và Ban công tác Mặt trận khu dân cư là người dân tộc thiểu số; có 22 cán bộ Mặt trận cấp xã là người dân tộc thiểu số.

   Bên cạnh những kết quả đạt được, trong 03 năm thực hiện công tác dân tộc, nhất là Kết luận số 01/KL-ĐCT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là: Công tác tuyên truyền các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc chưa thường xuyên, chủ yếu thông qua các hội nghị, các cuộc họp; việc thực hiện các phong trào, các cuộc vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa Ủy ban Mặt trận các cấp với các tổ chức thành viên trong việc xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình; chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số và cán bộ làm công tác dân tộc của Mặt trận các cấp còn thấp; việc bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ Mặt trận, người có uy tín còn hạn chế; chưa phát huy và làm tốt công tác giám sát, phản biện của Mặt trận các cấp trong việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

   Để thực hiện tốt công tác dân tộc trong thời gian tới đạt kết quả tốt hơn, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

   Một là: Tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc tới đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.

   Hai là: Quán triệt sâu sắc trong Đảng, chính quyền, các ngành, các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và nhân dân, nhất là vùng DTTS về Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước; Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban chấp hành Trương ương Đảng về công tác dân tộc; Kế hoạch số 418/KH-UBND ngày 20/3/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Quyết định số 2561/QĐ-TTg ngày 31/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án "Tăng cường vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số"… nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân nói chung và vùng DTTS nói riêng.

   Ba là: Tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận các cấp trong công tác dân tộc; Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc giữ gìn kỷ cương pháp luật. Thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, bảo đảm sự công khai, công bằng những vấn đề có liên quan đến quyền lợi của nhân dân; Xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp hoạt động giữa Ủy ban MTTQ với HĐND, UBND và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.

   Bốn là: Phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác dân tộc cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc và đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp. Phối hợp huy động mọi nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguyễn Lê Huy - Phó Ban Dân tộc - Tôn giáo
 

[Trở về]