Bản in     Gởi bài viết  
Khuyến khích trí thức tham gia giám sát, phản biện xã hội 
 Khẳng định đội ngũ trí thức có vai trò to lớn trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội, TS. Trần Hữu Thăng, Phó chủ tịch Thường trực Tổng Hội Y học Việt Nam cho rằng: Đội ngũ trí thức có cơ quan đại diện là Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong giám sát và phản biện xã hội cũng chính là góp phần xây dựng Đảng, chính quyền thật sự trong sạch, vững mạnh.
 

 PV: Thưa ông, giám sát và phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Mặt trận đẩy mạnh hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, để làm tốt chức năng trên, Mặt trận cần huy động đội ngũ trí thức cùng tham gia?

 

   TS. Trần Hữu Thăng: Nét nổi bật trong hoạt động của đội ngũ trí thức là hướng đến sự sáng tạo, lao động của họ rất đáng được trân trọng, khuyến khích. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội là nơi tập hợp, đoàn kết, đại diện cho tầng lớp trí thức cần tạo ra những diễn đàn để phát huy trí lực của đội ngũ trí thức tham gia phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

 

  Bản chất của trí thức là sáng tạo, vậy trong công tác giám sát và phản biện xã hội, trí thức cũng có sự sáng tạo của riêng mình để giám sát và phản biện xã hội thành công?

 

  - Trí thức thường không bao giờ bằng lòng với những cái đã có sẵn, ổn định, được coi là xong xuôi. Bản chất của họ là sáng tạo tri thức mới, cũng chính vì thế họ luôn có thói quen phản biện. Qua vai trò phản biện, giới trí thức thường có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

  Nhiều trí thức đã tiếp cận được những tinh hoa giá trị về xã hội - nhân văn trên thế giới. Các công trình nghiên cứu của họ là những đóng góp lớn về mặt khoa học. Với họ không chỉ là những thành tựu, mà còn là những trăn trở khoa học để chỉ ra những bức xúc, khiếm khuyết, thậm chí là sai lầm trong thực thi quyền lực. Bằng tâm huyết của mình, những kiến nghị, giải pháp của đội ngũ trí thức nêu ra đã góp phần sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm, giúp cho công cuộc đổi mới đất nước của Đảng đi tới thành công.

 

  Thưa ông, trong câu chuyện nói về trí thức tham gia giám sát và phản biện xã hội, nhiều người cho rằng trí thức hiện nay chưa được coi trọng?

 

  - Nhà bác học đáng kính Lê Quý Đôn từng nói sợ nhất trí thức ngoảnh mặt nhưng hiện nay Mặt trận đã tập hợp các trí thức cống hiến cho đất nước. Mặt trận trân trọng trí thức, sử dụng nhiều ý kiến đóng góp của trí thức hơn. Tuy nhiên, sắp tới Đảng, Chính phủ, Quốc hội cũng cần phải thấy Mặt trận xứng đáng là người đại diện cho dân để giám sát các công việc trong  hệ thống chính trị. Lâu nay, chúng ta quen với việc chỉ chấp nhận những ý kiến xuôi chiều, rất ít người dám thẳng thắn đứng ra phản biện vì sợ bị thù ghét cá nhân. Trách nhiệm của Mặt trận phải nói được những điều đó, đề cao được cái tốt, cái đẹp, cái lương thiện, cái tử tế và phê phán được những cái xấu, cái không tốt để xã hội phát triển. 

 

  Thời gian qua, hành nghề y tế tư nhân do giám sát không tốt nên đã xảy nhiều vụ việc đáng tiếc ảnh hưởng đến ngành y tế. Mới đây, Mặt trận đã ký kết chương trình phối hợp giao cho Tổng hội Y học Việt Nam, Bộ Y tế... cùng vào cuộc tham gia giám sát hành nghề y tế tư nhân, vậy Tổng Hội Y học sẽ làm gì để hoạt động trên thật sự đạt hiệu quả như mong đợi?. 

 

  - Tổng Hội sẽ huy động đội ngũ chuyên gia giỏi nhất để đánh giá đúng tình hình hành nghề tư nhân thế nào. Giám sát và phản biện không phải nội dung hoàn toàn mới nhưng giám sát thế nào, phản biện ra sao cũng cần được cân nhắc. Công tác giám sát, phản biện của Mặt trận phải làm thế nào để chính quyền ở địa phương, đối tượng được giám sát phản biện tiếp thu cái chưa đúng, còn nếu phản biện để họ tự ái hoặc cảm giác bị soi mói thì sẽ khó có kết quả như mong đợi. Tổng Hội y học Việt Nam, Bộ Y tế, Tổng Hội dược học Việt Nam sẽ có chương trình phối hợp cụ thể với Sở Y tế các tỉnh, thành cùng tham gia. Hy vọng, với cách làm đó trong thời gian không xa những sự vụ đáng tiếc xảy ra đối với y tế tư nhân sẽ giảm đi đáng kể.

 

  Giám sát của Mặt trận là đại diện giám sát của nhân dân còn giám sát của Quốc hội là giám sát tối cao, giám sát dân cử, vậy theo ông, thời gian tới sự phối hợp của hai cơ quan nên thực hiện thế nào để giải quyết được tốt hơn những kiến nghị của người dân? 

 

  - Giám sát của chính quyền, của Nhà nước thì lâu nay người ta quen rồi; khi ra một Bộ Luật mới, một quy định thì mọi người buộc phải theo nhưng giám sát của Mặt trận, giám sát của người dân thì hơi khó vì chưa có chế tài cụ thể. Ví như một gia đình có nề nếp nhưng người trên nói người dưới buộc phải nghe thì có những điều không đúng vì không phải lúc nào người trên cũng đúng hết. Tuy nhiên cũng gia đình ấy mà có cách cư xử hiện đại, tức là người dưới cũng có quyền góp ý, trao đổi thì gia đình đó sẽ tiến bộ. Điều này giống như việc người dân cũng có quyền góp ý với những người thi hành chính sách, thì những cái sai, cái chưa đúng, cái hạn chế sẽ dần được khắc phục. Người ta vẫn nói "nói phải củ cải cũng nghe”. Tôi mong rằng các ý kiến giám sát và phản biện phải suy nghĩ thật chín chắn, phải tập hợp được ý kiến của đông đảo trí thức để những ý kiến phản biện đó có tính thuyết phục, có giá trị cao. 

 

  Trân trọng cảm ơn ông!

                                                                                                                                                                                                                   Theo Báo Đại đoàn kết ngày 06/10/2014

[Trở về]