Bản in     Gởi bài viết  
KỸ NĂNG PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC MẶT TRẬN CỦA UỶ BAN MTTQ CẤP TỈNH - MỘT SỐ KINH NGHIỆM VÀ GIẢI PHÁP 

    Qua thực tiễn công tác Mặt trận thời gian qua, đặc biệt là những năm gần đây của MTTQ tỉnh, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; hay nói cách khác, là để thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch đề ra thì Uỷ ban MTTQ cấp tỉnh cần phải áp dụng nhiều giải pháp, trong đó có thể kể ra một số giải pháp có tính trọng tâm như:

     Chú trọng nâng cao chất lượng bộ máy Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh và Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh; Lựa chọn đội ngũ cán bộ Mặt trận chuyên trách các cấp nói chung, cán bộ chuyên trách của cơ quan Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh nói riêng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; Quan tâm bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Mặt trận chuyên trách các cấp; Tranh thủ sự hướng dẫn, chỉ đạo của Mặt trận Trung ương; Chủ động, sáng tạo trong tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về công tác Mặt trận đảm bảo hiệu quả, chất lượng; Đánh giá đúng những việc đã làm để nghiêm túc rút ra bài học kinh nghiệm cho thời gian tiếp theo; Việc xây dựng chương trình phối hợp, thống nhất hành động hàng năm, hàng quý, hàng tháng phải bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, phải lựa chọn những vấn đề có tính đột phá, hiệu quả rõ rệt, cụ thể và mang tính khả thi cao; Cần không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng công tác phối hợp với chính quyền, các sở ngành, các tổ chức thành viên và các cơ quan liên quan; vv…

    Thực hiện các Chương trình phối hợp giữa Ủy ban Trung ương MTTQVN với Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương, thời gian qua Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã chú trọng triển khai công tác phối hợp trên 02 hình thức chủ yếu đó là: Phối hợp thông qua việc ký kết các chương trình, kế hoạch phối hợp (Đây là hình thức phối hợp có tính kế hoạch, thường xuyên) và Phối hợp trực tiếp để giải quyết các công việc cụ thể những sự cố, điểm nóng phát sinh tại cơ sở.

     Thứ nhất: Về hình thức phối hợp thông qua việc ký kết các chương trình, kế hoạch phối hợp. Thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động xây dựng các Chương trình, kế hoạch ký kết phối hợp với HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các sở, ban, ngành cấp tỉnh để triển khai đồng bộ, đạt kết quả cao trên các mặt công tác Mặt trận.

     Về cách làm: Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiến hành triển khai Hội nghị về công tác phối hợp để đánh giá kết quả triển khai các Chương trình đã ký kết, đề ra nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng thời rà soát để xây dựng các Chương trình ký kết mới phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của tỉnh trong từng giai đoạn cụ thể. Sau các Chương trình phối hợp đã ký kết với HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố xem đây là “cái gậy” quan trọng, là cơ sở để tiến hành xây dựng và ký kết các Chương trình phối hợp với các đơn vị liên quan ở cấp mình nhằm triển khai đồng bộ ở cơ sở, tạo được sức mạnh tổng hợp, hiệu quả cao. Đặc biệt trong Chương trình phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao trách nhiệm cụ thể cho các sở ngành trong việc phối hợp với Mặt trận về các nội dung có liên quan đã tạo thuận lợi để Mặt trận thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao.

    Về kết quả: Tính từ năm 2016 tới nay, Ban Thường trực Mặt trận tỉnh đã ký kết và duy trì thực hiện đạt hiệu quả cao 28 Chương trình phối hợp với HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các sở, ban, ngành cấp tỉnh trên các lĩnh vực như: Công tác tập huấn, phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật ở cộng đồng dân cư; thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tham gia phòng chống tội phạm; thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; trong tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, các loại tệ nạn xã hội và thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ; Phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm;….

     Trên cơ sở các nội dung Chương trình ký kết, hàng năm Ban Thường Ủy Ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề xuất và được Tỉnh ủy, HĐND đồng ý chủ trương, UBND cấp một phần kinh phí để triển khai thực hiện; ngoài ra các ngành phối hợp đều trích kinh phí theo từng lĩnh vực để phối hợp với Mặt trận thực hiện các nội dung đã ký kết đến tận cơ sở. Tổng kinh phí để triển khai các Chương trình phối hợp hàng năm bình quân đạt trên 1 tỷ đồng.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình phối hợp, từ năm 2016 tới nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp tổ chức trên 40 lớp tập huấn về tất cả các lĩnh vực có liên quan cho đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở, các đoàn thể chính trị - xã hội và các đối tượng thuộc từng nội dung Chương trình phối hợp.

    Từ việc nâng cao kiến thức, trang bị các kỹ năng tuyên truyền, vận động cho đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, các đơn vị liên quan cùng với nguồn lực từ các Chương trình phối hợp ở cấp tỉnh và cấp huyện, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã chủ động phối hợp triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình trong cộng đồng dân cư phù hợp, thiết thực và hiệu quả. Đến nay, từ các Chương trình phối hợp đã xây dựng, duy trì và nhân rộng được trên 800 mô hình tại cơ sở. Tiêu biểu có các mô hình như: "Hỗ trợ thoát nghèo có địa chỉ"; “Đường hoa đô thị”,“Camera giám sát an ninh trật tự”; “Nói không với chất cấm trong sản xuất và chế biến”; “Gần dân, sát dân”; “Khu phố văn minh đô thị” ; “Khu dân cư hài hoà xoá đói, giảm nghèo bảo vệ môi trường và thực hiện tốt công tác DSKHHGĐ”;“Khu dân cư đảm bảo trật tư an toàn giao thông”; “Khu dân cư thực hiện tốt 5 nội dung của Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thi văn minh”; “Phát huy vai trò của người có uy tín trong dòng họ trong việc tuyên truyền vận động chấp hành pháp luật”;“Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ”;“Vườn kiểu mẫu”,“Làng quê đáng sống”; “Kết nghĩa Lương - Giáo”;... Từ hiệu quả thiết thực của các mô hình, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã vận động thêm được nguồn lực xã hội hóa từ các tầng lớp nhân dân trị giá hàng trăm tỷ đồng, hàng trăm nghàn ngày công, hàng trăm nghàn mét vuông đất,…góp phần thực hiện có hiệu quả các Chương trình, mục tiêu lớn của tỉnh đề ra, thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

     Thứ hai: Phối hợp trực tiếp để giải quyết một số công việc cụ thể như các sự cố, điểm nóng phát sinh tại cơ sở. Với chức năng, vai trò, nhiệm vụ của công tác Mặt trận, cùng với sự gần dân, sát dân của đội ngũ cán bộ Mặt trận, trong thời gian qua việc trực tiếp phối hợp để giải quyết các công việc phát sinh tại cơ sở được Ban Thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

      Để triển khai tốt nội dung này, thời gian qua, Ban Thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tích cực triển khai xây dựng mạng lưới cán bộ nòng cốt tại cơ sở, thường xuyên gần gủi để nắm và phản ánh nhanh các sự việc, hiện tượng có vấn đề từ cơ sở đến lãnh đạo Mặt trận cấp xã, cấp huyện và Mặt trận tỉnh. Trên cơ sở phân tích các sự việc để mỗi cấp Mặt trận kịp thời tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền, các đơn vị chức năng liên quan trong việc ngăn chặn, giải quyết ngay các vấn đề phát sinh ở cơ sở khi sự việc mới manh nha, góp phần quan trọng trong ổn định tình hình chung trên địa bàn tỉnh.

     Với cách làm đồng bộ này, từ năm 2016 đến nay, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã tham mưu phối hợp với các đơn vị liên quan và các đoàn thể nhân dân giải quyết hàng trăm vụ việc lớn nhỏ, đạt hiệu quả thiết thực. Điển hình như: Sau sự cố môi trường biển do Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp formasa gây ra đã để lại hậu quả nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, cùng với đó là sự lợi dụng kích động chống phá của các thế lực thù địch đã tạo làn sóng dư luận bất bình trong nhân dân. Song được sự chủ động trong tham mưu với cấp uỷ, chính quyền, sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ của Mặt trận trong công tác tuyên truyền, vận động; cùng với sự quyết liệt trong chỉ đạo, giải quyết đúng quy định của cấp ủy, chính quyền các cấp nên về cơ bản trên địa bàn tỉnh không để người dân bị lợi dụng có những hành động nghiêm trọng xảy ra, tình hình an ninh trật tự được giữ vững;

    Trường hợp khác, như mọi người đều biết, Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng FLC ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình với quy mô gần 2.000 ha được xây dựng từ năm 2016. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo sự đột phá của tỉnh trên lĩnh vực hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Tuy vậy, trong gần 2 năm 2016, 2017 việc bồi thường giải phóng mặt bằng để triển khai Dự án hết sức khó khăn, phức tạp, bị người dân phản đối kịch liệt, có nguy cơ không thực hiện được. Tuy vậy, với chủ trương và quyết tâm của Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các cơ quan chức năng đều hăng hái vào cuộc. Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam đã chủ trì phối hợp cùng Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và Tỉnh Đoàn thanh niên cử ra các tổ công tác, luân phiên nhau xuống xã Hải Ninh cùng cán bộ Mặt trận, các đoàn thể huyện Quảng Ninh và xã Hải Ninh bám trụ tại cơ sở hàng tháng trời; đến từng nhà, vận động, thuyết phục từng người; đấu tranh trực diện với từng phần tử lợi dụng, kích động…Với sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ và kiên trì như vậy, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân các cấp đã góp phần hết sức quan trọng cùng với cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan chức năng ổn định được tình hình và đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân để triển khai Dự án thuận lợi vào cuối năm 2017 đến nay;
Việc các linh mục cực đoan nhiều lần tuyên truyền, xúc giục một bộ phận giáo dân có những hành động chưa đúng quy định, như xuống đường tuần hành biểu tình, kéo đến trụ sở UBND xã gây sức ép; cơi nới khuôn viên nhà thờ trái phép, vận động học sinh nghỉ học,… đều được Mặt trận các cấp nắm bắt kịp thời và nhanh chóng phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan chức năng, các đoàn thể nhân dân để tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, nhanh chóng ổn định tình hình…

     * Về đánh giá chung: Với sự quan tâm triển khai tốt công tác phối hợp đã góp phần hết sức quan trọng đưa công tác Mặt trận tỉnh Quảng Bình trong những năm qua, đặc biệt là những năm gần đây thực sự thiết thực, hiệu quả.
Trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình phối hợp, Mặt trận TQVN các cấp trong tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự tạo điều kiện của chính quyền các cấp, sự tham gia phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành có liên quan và các tổ chức thành viên. Công tác phối hợp giữa Mặt trận với chính quyền và các sở, ban ngành, đoàn thể ngày càng được mở rộng với nhiều nội dung đa dạng, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với nhiệm vụ từng ngành, từng lĩnh vực, sát với thực tiễn và đời sống Nhân dân nên đạt được nhiều hiệu quả. Việc phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin giữa các ngành, các cấp được triển khai thực hiện thường xuyên. Các nội dung phối hợp ngày càng rõ, cụ thể, thiết thực. Sự hỗ trợ kinh phí và các điều kiện khác để Mặt trận thực hiện các nội dung phối hợp được các sở, ban, ngành liên quan quan tâm thực hiện. Do đó hiệu quả, trách nhiệm phối hợp của mỗi bên ngày càng được nâng cao, mối quan hệ công tác ngày càng chặt chẽ.

     Các cấp Mặt trận đã chỉ đạo, hướng dẫn triển khai nội dung phối hợp khá đồng bộ và kịp thời. Quá trình chỉ đạo đã chú trọng tính hiệu quả và hướng về địa bàn cơ sở, khu dân cư. Việc triển khai lồng ghép các chương trình phối hợp vào Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" ngày càng thực chất, có hiệu quả góp phần tăng cường xây dựng tinh thần đoàn kết, làm chủ, tự quản tại cộng đồng dân cư. Công tác xây dựng các điển hình, mô hình chỉ đạo điểm có nhiều đổi mới cả về số lượng, nội dung, hình thức và chất lượng, tạo được những điểm nhấn nổi bật trong các Chương trình phối hợp; góp phần mở rộng và nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp Nhân dân.

     Công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, thực hiện DS-KHHGĐ, đảm bảo vệ sinh ATTP, bảo vệ tài nguyên môi trường, chống biến đổi khí hậu v.v…được Mặt trận các cấp triển khai theo hướng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt và phù hợp với từng địa bàn, khu dân cư. Nhiều cách làm hay, sáng tạo tại khu dân cư được phổ biến và nhân rộng. Các mô hình, điển hình tiêu biểu tại khu dân cư được biểu dương, khen thưởng kịp thời. Với các kết quả đạt được trong thực hiện các Chương trình phối hợp đã góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Từ việc triển khai các hình thức phối hợp và hiệu quả như vừa nêu, vai trò, vị trí của Mặt trận các cấp trong tỉnh được nâng lên; kết quả đó được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các sở ngành đánh giá cao, nhân dân đồng tình hưởng ứng.

    Một số kinh nghiệm và giải pháp trong công tác phối hợp: Từ quá trình triển khai các Chương trình phối hợp với HĐND, UBND, các sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh Quảng Bình đã rút ra một số kinh nghiệm như sau:

    Một là, Phải xác định công tác phối hợp của Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh là một giải pháp hết sức quan trọng trong công tác Mặt trận, xem đây là “cái gậy” đóng vai trò quan trọng, để từ đó không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng công tác phối hợp ở cơ sở;

     Hai là, phải luôn tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp chính quyền, sự phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể. Xác định đây là một nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, để từ đó nâng cao ý thức vai trò trong chỉ đạo thực hiện, nhằm đem lại hiệu quả cao trong các Chương trình phối hợp.

     Ba là, sự phối hợp giữa các cấp Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể cần phải được tăng cường và tiến hành một cách đồng bộ, thường xuyên, hướng về cơ sở, địa bàn dân cư. Đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi để cơ sở, khu dân cư triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp.

    Bốn là, nội dung của Chương trình, kế hoạch phối hợp phải được lồng ghép và phối hợp một cách chặt chẽ, phù hợp với các cuộc vận động, các phong trào thi đua nhằm tạo sự hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau để cùng thực hiện có hiệu quả.

     Năm là, nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động phải đa dạng, phong phú và luôn được đổi mới, linh hoạt, phù hợp với cơ sở, với từng địa bàn, từng đối tượng. Chú trọng quan tâm đầu tư chỉ đạo xây dựng mô hình điểm để triển khai nhân ra diện rộng trên các địa bàn trong toàn tỉnh.

     Năm là, cần có sự kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết gắn với biểu dương, khen thưởng một cách kịp thời đối với các mô hình, điển hình tiêu biểu về triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch phối hợp trong “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” nhân Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11) hàng năm.

      2. Về một số giải pháp, để góp phần thực hiện tốt các Chương trình phối hợp trong thời gian tới, từ những cách làm và kết quả trên đây, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xin khái quát các giải pháp đã áp dụng tại Quảng Bình như sau:

      Thứ nhất: Việc phối hợp chủ yếu và thường xuyên nên thông qua các chương trình, kế hoạch phối hợp, có nội dung, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với các bên liên quan và phải có hiệu quả thiết thực, tránh hình thức;

      Thứ hai: Phải nâng cao trách nhiệm của từng đơn vị phối hợp. Từ các nội dung trong Chương trình, kế hoạch phối hợp cần phải toát lên được công việc và trách nhiệm của mỗi bên liên quan; trong thực hiện phải bám sát nội dung, gắn với trách nhiệm đã được phân công để triển khai đạt hiệu quả nhất;

      Thứ ba: Muốn triển khai các nội dung phối hợp, đặc biệt trong xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả để có cơ sở vận động xã hội hóa đạt kết quả tốt, trước hết phải huy động được kinh phí từ các đơn vị tham gia phối hợp để thực hiện các chương trình, kế hoạch phối hợp đề ra.

       Thứ tư: Trong việc cùng nhau triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch phối hợp cần quan tâm đến việc triển khai thí điểm để rút kinh nghiệm trước khi triển khai ra diện rộng;

       Thứ năm: Hàng năm phải tiến hành đánh giá nghiêm túc về kết quả thực hiện đối với từng chương trình, kế hoạch phối hợp và đề ra chương trình, kế hoạch cho năm tiếp theo thiết thực hơn, hiệu quả hơn;

       Thứ sáu: Quan tâm việc động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện các chương trình, kế hoạch phối hợp.

      Trên đây là kết quả đạt được và một số kinh nghiệm, giải pháp rút ra về công tác phối hợp qua thực tiễn hoạt động những năm qua tại Uỷ ban MTTQVN tỉnh Quảng Bình. Xin mạnh dạn đưa ra để tiếp tục tìm ra các bài học, giải pháp tốt hơn nữa để áp dụng trong thời gian tới.

Khắc Định
Văn phòng Mặt trận tỉnh

[Trở về]