Bản in     Gởi bài viết  
Mặt trận các cấp thực hiện tốt công tác phối hợp xây dựng xã phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội ma túy, mại dâm, HIV/AIDS 

    Trong những năm qua, công tác phòng chống các tệ nạn xã hội luôn được Ủy ban Mặt trận các cấp cấp, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm tổ chức thực hiện. Việc triển khai xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS đã được Mặt trận các cấp chỉ đạo sát sao nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp và huy động cộng đồng tham gia phòng, chống các tệ nạn xã hội.

 

    Trên địa bàn tỉnh ta hiện có 846 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, trong đó có 267 khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, nhà hàng; 151 điểm karaoke và massage, 04 vũ trường và 424 các loại hình dịch vụ khác. Có 1.200 nhân viên nữ phục vụ, trong đó có 300 đối tượng nghi vấn có hoạt động mại dâm, 35 đối tượng có hồ sơ quản lý. Các đối tượng này chủ yếu hoạt động trá hình trong các cơ sở lưu trú và các cơ sở massage, tập trung nhiều ở thành phố Đồng Hới và huyện Bố Trạch.

   Toàn tỉnh có 128/159 xã, phường, thị trấn với 2.074 đối tượng liên quan đến ma túy, 812 người nghiện ma túy. Xu hướng nghiện Heroin, ma túy tổng hợp dạng đá, thuốc lắc và gần đây xuất hiện chất gây nghiện dạng thảo mộc có tên gọi “Cỏ Mỹ”, “Mặt Quỹ”. Về hình thức sử dụng ma túy chủ yếu là tiêm chích, thành phần người nghiện phần lớn là nam giới, đối tượng chủ yếu là không có công ăn việc làm ổn định, độ tuổi nghiện tập trung chủ yếu từ 18-40 tuổi.

   Trước thực trạng tệ nạn ma túy, mại dân ngày càng phát triển và diễn biến phức tạp, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở LĐ-TBXH đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai nhiều hoạt động và các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh; trong đó xây dựng mới 02 mô hình năm 2017 và tổ chức duy trì 10 mô hình điểm về “xã, phường, thị trấn, khu dân cư lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm”; triển khai cai nghiện ma túy thí điểm tại gia đình và cộng đồng tại 21 xã, phường, thị trấn. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào “Phát động toàn dân tham gia vận động giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện, cai nghiện và quản lý sau cai tái hòa nhập cộng đồng” và nhiều mô hình thí điểm về “Phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng kết hợp các biện pháp phòng ngừa giảm tác hại về phòng chống HIV trong phòng chống mại dâm”. Riêng năm 2016, Mặt trận các cấp đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phòng chống ma túy, mại dâm và buôn bán người cho hơn 3.000 lượt người, tổ chức 105 buổi nói chuyện, tuyên truyền tại các nhà trọ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện hoạt động mại dâm, 27 buổi sinh hoạt nhóm các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn.

   Đi đôi với công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống các tệ nạn xã hội ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, công tác chữa trị, vận động người nghiện, phạm tội tái hòa nhập cộng đồng luôn được Mặt trận các cấp chú trọng, trong năm qua đã vận động cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cho 33 đối tượng, vận động đi cai nghiện tập trung tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh 40 đối tượng. Năm 2016, Mặt trận xã, phường đã phối hợp tổ chức 50 buổi nói chuyện, tuyên truyền tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ khách sạn, massage; 12 buổi sinh hoạt nhóm các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục tại cộng đồng được đa dạng hóa với nhiều hình thức phong phú như lồng ghép trong tổ chức sinh hoạt tổ dân phố, thôn, bản, khu dân cư; trong sinh hoạt các tổ chức Hội, đoàn thể…nên nhận thức về tác hại, nguy hiểm của ma túy, mại dâm, HIV/AIDS trong cộng đông dân cư được nâng lên, từng bước làm giảm sự kỳ thị, định kiến xã hội đối với người lầm lỗi.

   Việc xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội luôn được các cấp Mặt trận chú trọng, tập trung chỉ đạo lồng ghép gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đã tạo được bước chuyển biến rõ nét cả về nhận thức và hành động trong các cấp ủy, chính quyền, gia đình, cộng đồng và xã hội ở từng địa phương cơ sở.

   Nhờ làm tốt công tác phối hợp, triển khai thực hiện công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội, xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, nên các tệ nạn xã hội ma túy, mại dâm, HIV/AIDS trong những năm qua trên địa bàn tỉnh ta giảm đáng kể. Đến cuối năm 2016, từ 121/159 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy, mại dâm giảm xuống còn 38/159 xã, phường, thị trấn. Các tụ điểm trước đây tình hình ma túy, mại dâm diễn biến phức tạp, tình trạng tiêm chích ma túy tràn lan, công khai khó kiểm soát gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân như: phường Đồng Sơn, phường Bắc Lý, Phường Hải Thành, phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới nay đã giảm.

   Có được kết quả trên là nhờ sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp Mặt trận với các sở, ban, ngành, đoàn thể, trong đó có vai trò nòng cốt của lực lược công an, Sở LĐ-TBXH tỉnh. Ngoài việc tập trung duy trì các mô hình "xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dân, HIV/AIDS, các địa phương trong tỉnh, đã chú trọng lồng ghép công tác xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội gắn với việc triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương cơ sở đã tạo nên sự đồng bộ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

   Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được công tác phối hợp vẫn còn những hạn chế nhất định đó là: một số xã, phường, thị trấn chưa xác định công tác phòng chống các tệ nạn xã hội là một nhiệm vụ quan trọng, nhiều nơi còn buông lỏng địa bàn chưa đón bắt được tình hình trước phương thức hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp của các đối tượng nghiện ma túy, mại dâm nên hiệu quả phòng chống đạt hiệu quả chưa cao. Nhiều xã, phường, thị trấn, khu dân cư đã đẩy lùi được tệ nạn xã hội song duy trì kết quả thiếu bền vững. Công tác phối hợp giúp đỡ cảm hóa, giáo dục người nghiện ma túy, mại dâm tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả chưa cao; việc giải quyết việc làm cho đối tượng lầm lỡ trở về gia đình, cộng đồng còn rất nhiều khó khăn, kinh phí hạn hẹp

   Để tiếp tục thực tốt công tác phòng chống các tệ nạn xã hội trong thời gian tới Mặt trận các cấp cần tăng cường thực hiện các chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống các tệ nạn xã hội, nhất là việc quản lý đối tượng, quản lý địa bàn kết hợp với các hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở dịch vụ nhạy cảm, các địa bàn trọng điểm...nhằm xây dựng địa phương, cơ sở không có tệ nạn xã hội, góp phần vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh nhà.

Trần Hùng
(Ban Phong trào)

[Trở về]