Bản in     Gởi bài viết  
Mặt trận các cấp tỉnh Quảng Bình góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn giai đoạn 2010-2020. 

    Trong những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; Nghị quyết số 04 NQ/TU ngày 15/7/2011 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011- 2015, định hướng đến năm 2020; các văn bản hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về xây dựng nông thôn mới; Chương trình phối hợp số 35 ngày 23/3/2017 giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình về thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã xây dựng các kế hoạch, đề án hướng dẫn Ủy ban MTTQ các cấp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, hiệp thương, phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, phân công từng đoàn thể phụ trách địa bàn, chọn các tiêu chí để triển khai thực hiện

    Về công tác tuyên truyền, tập huấn và triển khai: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã triển khai đầy đủ, nghiêm túc các chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới thông qua việc thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Cụ thể đã xây dựng Đề án 05 ngày 1/11/2011 về tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng CVĐ " Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư "; tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình ban hành chỉ thị số 06 CT-TU ngày 01/7/2016 của về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” …

    Hàng năm Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đều xây dựng các kế hoạch về tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong đó có triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; hiệp thương phân công các tổ chức thành viên thực hiện Cuộc vận động; hướng dẫn nội dung, cách thức, quy trình lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở cấp huyện, xã; hướng dẫn xây dựng mô hình điểm thực hiện Cuộc vận động; hướng dẫn đánh giá kết quả và khen thưởng thực hiện Cuộc vận động; Mặt trận các cấp đã xây dựng 95 mô hình điểm về thực hiện Cuộc vận động trong tổng số 324 mô hình các loại.

    Giai đoạn 2013 - 2018, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, tập huấn xây dựng nông thôn mới được trên 11 nghìn cuộc với trên 800 nghìn lượt người tham dự. Các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều cuộc vận động, nhiều chương trình, phong trào triển khai sôi nổi, thiết thực, góp phần tích cực trong đầu tư, xây dựng nông thôn mới như: Chương trình xây dựng các loại hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp; Chương trình tham gia giảm nghèo, dạy nghề và giải quyết việc làm cho nông dân; Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn; phong trào Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”; “Phụ nữ với Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”; "Cựu Chiến binh giúp nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế"...

    Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã có những đóng góp tích cực, tạo được sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động của người dân vào xây dựng nông thôn mới. Cụ thể trong thực hiện các tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 như sau:
    Tham gia thực hiện tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất; tiêu chí về quy hoạch; tiêu chí về giao thông, thủy lợi. Ủy ban MTTQVN các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả cao như: mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGAP; các loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao; một số trang trại nuôi trâu, bò, sản xuất kinh doanh góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội của tỉnh. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2017 đạt 24,84 triệu đồng/năm, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2008 (7,068 triệu đồng/người/năm). Cơ cấu thu nhập của các hộ nông thôn đã có sự thay đổi đáng kể, hộ có nguồn thu nhập chính từ nông, lâm, thủy sản chuyển dịch theo hướng tỷ trọng giảm, còn 46,54%; ngược lại thu nhập chính từ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ tăng lên 53,46%.

     Giao thông nông thôn có nhiều khởi sắc cả về số lượng và chất lượng. Tổng số chiều dài đường giao thông nông thôn toàn tỉnh là 9.373 km, trong đó có 3.519,6 km được rải nhựa, bê tông hóa; chiếm 37,6%, tăng 21,4% so với năm 2008. Đến nay, 100% số xã đã có đường ô tô về đến trung tâm quanh năm. Theo Bộ tiêu chí nông thôn mới, đến năm 2017 có 62 xã đạt tiêu chí giao thông, đạt 45,6% số xã, tăng 61 xã so với năm 2010. Nhân dân đã nhận thức được mình là chủ thể thực hiện và hưởng lợi ích trực tiếp từ chương trình xây dựng nông thôn mới và đã tích cực tham gia đóng góp hàng trăm tỷ đồng, ủng hộ hàng trăm nghìn ngày công, hàng trăm nghìn m2 đất để xây dựng nông thôn mới (riêng năm 2017, nhân dân hiến tặng 118.068 m2 đất, giá trị ước tính 9.850 triệu đồng; đóng góp tài sản, tiền mặt và 106.341 ngày công, giá trị quy đổi là 21.848.038.000 đồng). Bằng các nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới, nhân dân đã đầu tư xây dựng 129,8 km đường bê tông các loại (trong đó: 3,8 km đường liên xã; 39,7 km đường liên thôn; 56,6 km đường nội thôn, xóm; 29,7 km đường trục nội đồng). Nâng cấp sửa chữa 33,2 km kênh mương, 78 công trình công cộng, 06 công trình nước sạch và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác. Thông qua các nguồn vốn, đã đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp nhiều công trình thủy lợi, nhờ vậy năng lực tưới tiêu ngày càng tăng. Đến năm 2017, toàn tỉnh có 110 xã đạt tiêu chí thủy lợi theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 80,9% số xã; tăng 102 xã so với năm 2010.

    Tham gia thực hiện tiêu chí về nhà dân cư, nâng cao thu nhập, giảm nghèo. Với điều kiện là tỉnh còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ nhà tạm, nhà dột nát còn nhiều, nên hàng năm Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Cuộc vận động "Ngày vì người nghèo”, nay là Quỹ "Vì người nghèo" do Ủy ban Trung ương MTTQVN phát động, nhằm góp phần tạo thêm nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo, thực hiện có hiệu quả các chương trình An sinh xã hội, giảm nghèo do tỉnh phát động. Từ năm 2010 đến nay, Ủy ban MTTQ và Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" các cấp trong tỉnh đã tích cực vận động ủng hộ được trên 69 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ "Vì người nghèo" và sự đối ứng của cộng đồng, của các hộ được hỗ trợ, Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" các cấp đã hỗ trợ xây dựng "Nhà Đại đoàn kết" trên 4.827 nhà, sửa chữa trên 250 nhà, trị giá gần 43 tỷ đồng; hỗ trợ trên 4.000 lượt học sinh nghèo đi học với số tiền trên 1,6 tỷ đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất trên 6,2 tỷ đồng; hỗ trợ khám chữa bệnh gần 4.000 lượt người, trị giá 1,6 tỷ đồng; tặng quà thăm hỏi, lễ, Tết, trợ cấp khó khăn khoảng 10.000 lượt hộ gia đình, với số tiền gần 15 tỷ đồng. Ban Cứu trợ Ủy ban MTTQ các cấp đã phát động quên góp ủng hộ Quỹ Cứu trợ và đã hỗ trợ nhân dân vùng bị thiệt hại do thiên tai, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, sự cố nghiệm trọng, xây dựng, sửa chữa trường, lớp học, nhà ở bị thiệt hại do mưa bão gây ra với số tiền trên 160 tỷ đồng.

Hỗ trợ bò giống sinh sản cho hộ nghèo ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh

   Đặc biệt là để giúp người nghèo phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững, năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh triển khai thực hiện Đề án "Hỗ trợ bò giống sinh sản cho hộ nghèo bị thiệt hại do lũ lụt năm 2016 và vùng thường xuyên bị thiên tai để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017 - 2018" và chương trình truyền hình thực tế "Tiếp sức cho người nghèo vùng thiên tai". Qua Đề án, đã hỗ trợ 1.050 con bò giống sinh sản cho 1.050 hộ nghèo. Được sự đồng ý về chủ trương của Thường vụ Tỉnh ủy, hiện nay đang tiếp tục trao 500 con bò cho các hộ nghèo. Đề án đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng các cấp, phối hợp của chính quyền, các cơ quan, ban ngành và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp. Dư luận các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, đánh giá cao mục đích, ý nghĩa và hiệu quả kinh tế, chính trị và xã hội của Đề án. Đề án bước đầu đã tạo được công ăn việc làm cho khoảng 1.800 lao động trong gia đình các hộ được hỗ trợ bò. Chương trình truyền hình thực tế tạo hiệu ứng tuyên truyền tốt về xóa đói giảm nghèo bền vững và cách làm bài bản, gần dân, sát dân của Mặt trận.

    Tham gia thực hiện các tiêu chí văn hóa. Xác định công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh chỉ đạo Mặt trận cấp huyện hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN xã, phường, thị trấn tổ chức cho các Khu dân cư đăng ký xây dựng “Khu dân cư văn hóa”, các Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư vận động các hộ gia đình đăng ký danh hiệu “Gia đình văn hóa”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã hướng dẫn Ủy ban MTTQVN các cấp trong tỉnh phối hợp với các tổ chức thành viên, ngành Văn hóa - Thông tin triển khai các quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hoá”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” đến 100% xã, phường, thị trấn và khu dân cư.

    Đến nay, toàn tỉnh có 878 khu dân cư (chiếm 67,7%) đạt danh hiệu “Khu dân cư tiến tiên và tiến tiến xuất sắc”, có có 190.914/232.891 hộ được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 82%, tăng 12% so với năm 2008 (70%); có 862/1.236 thôn, bản tổ dân phố đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”, đạt tỷ lệ 69,7%, tăng 42,9% so với năm 2008 (26,8%). Số người tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tăng từ 34% năm 2008 lên 40% năm 2012.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh hướng dẫn Ủy ban MTTQVN các cấp trong tỉnh tổ chức tốt “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư nhân dịp Kỷ niệm ngày truyền thống MTTQVN 18/11 hàng năm để đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” mỗi năm, và rút kinh nghiệm để triển khai cuộc vận động đồng thời đăng ký danh hiệu “Gia đình văn hóa” năm tiếp theo. Hàng năm đã có khoảng 96,43% khu dân cư tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” với nội dung và hình thức ngày càng được đổi mới, các đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã về tham dự ngày hội. Đặc biệt rất nhiều khu dân cư đã đã có những cách làm hay, sáng tạo, góp phần tăng cường tình đoàn kết, phát huy nội lực của các tầng lớp nhân dân trong giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, ngăn ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

    Tham gia thực hiện tiêu chí về giáo dục. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, vận động về công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó đã góp phần đẩy mạnh chất lượng giáo dục, kịp thời triển khai các chế độ chính sách đối với học sinh và giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi cho con em vùng nông thôn, nhất là vùng đặc biệt khó khăn được đến lớp, đẩy mạnh phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; Đến nay 159/159 xã, phường, thị trấn; 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục các cấp; có 344/590 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ trẻ em 5 tuổi đến lớp đạt 99,95%; tỷ lệ trẻ em 6 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 99,73%; tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%; tỷ lệ thanh thiếu niên 15-18 tuổi tốt nghiệp THCS đạt 95,2% (tăng 1,3%). Phong trào xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” phát triển cả bề rộng và chiều sâu.

    Tham gia thực hiện tiêu chí về môi trường. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường là một trong những nội dung được Mặt trận TQVN các cấp trong tỉnh thực hiện hiệu quả. Nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã tăng cường phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, tranh thủ nguồn kinh phí để hướng dẫn đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân, như: Tổ chức Hội nghị tập huấn ở cấp tỉnh, cấp huyện và ở các khu dân cư xây dựng mô hình điểm; thực hiện các chuyên trang, chuyên mục về bảo vệ môi trường trên sóng PTTH tỉnh và Báo Quảng Bình; chú trọng công tác tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử Uỷ ban Mặt trận TQVN tỉnh; tổ chức Lễ ra quân hưởng ứng ngày môi trường thế giới 5- 6, Tuần lễ biển và hải đảo; treo pano, băng rôn tuyên truyền; in ấn, cấp phát tài liệu về môi trường, biển và hải đảo; tuyên truyền qua loa phát thanh ở khu dân cư; đưa tiêu chí môi trường vào công tác thi đua, khen thưởng.

    Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp với Ủy ban Đoàn kết Công giáo về phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 2017 - 2020); Phối hợp với Ban Trị sự Phật giáo tỉnh ra Thông bạch tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong bà con phật tử toàn tỉnh; tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết thực hiện bảo vệ môi trường gắn với thực hiện Hương ước, Quy ước của khu dân cư. Đây trở thành tiêu chí đánh giá xếp loại gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa hàng năm; triển khai tuyên truyền, xây dựng mới 02 mô hình và duy trì 12 mô hình điểm về “Khu dân cư thực hiện hài hoà xoá đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu” tại các KDC, trong đó có 02 khu dân cư vùng đồng bào tôn giáo. Các mô hình điểm đã nhận được sự đồng tình cao của các cấp chính quyền địa phương, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân và các chức sắc, chức việc tôn giáo, đặc biệt là ý thức, trách nhiệm của mỗi một người dân trong bảo vệ môi trường tại KDC đã được nâng lên rõ rệt. Phong trào tự quản bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu dân cư được thực hiện đa dạng, phong phú với nhiều hình thức thiết thực. Các khu dân cư đã thành lập Tổ tự quản thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ gia đình bảo vệ môi trường, Tổ dịch vụ thu gom rác thải, tập kết đúng nơi quy định để xử lý hiệu quả, điển hình như thôn Đông Cổ Hiền xã Hiền Ninh; thôn Tân Đức 1 xã Hương Hóa...

    Tham gia thực hiện tiêu chí về xây dựng hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh; tiêu chí về an ninh, trật tự xã hội. Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã giám sát và phối hợp giám sát được trên 300 cuộc. Các Ban TTND các xã, phường, thị trấn; Ban giám sát đầu tư cộng đồng giám sát hàng nghìn cuộc, tập trung các nội dung như: việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc bình xét hộ nghèo, việc quản lý các nguồn quỹ do nhân dân đóng góp xây dựng các công trình công cộng, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư...Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã phát huy vai trò của các Hội đồng tư vấn của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác giám sát và khảo sát. Đồng thời quan tâm đến công tác phản biện xã hội đối với các dự thảo Nghị quyết, Quyết định của HĐND, UBND tỉnh. Tiêu biểu và chất lượng như hội nghị phản biện Quyết định ban hành Quy chế thi đua – khen thưởng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

    Nhằm đảm bảo tính khách quan, thực chất kết quả xây dựng nông thôn mới, đề cao vai trò, trách nhiệm và phát huy chức năng giám sát của Mặt trận TQVN các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận trên địa bàn tỉnh trong việc công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tỉnh đã ban hành hướng dẫn về nội dung, cách thức, quy trình lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở cấp xã. Qua tổ chức thực hiện, kết quả có 09 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 đã tổ chức lấy ý kiến với 10.658 hộ/ 13.437 (78,31%) hộ gia đình được phát phiếu lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới. Kết quả các nội dung theo mẫu phiếu lấy ý kiến đều được người dân đánh giá đạt mức cao từ 90% trở lên, riêng nội dung về kết quả xử lý, hạn chế ô nhiễm môi trường ở địa phương đạt tỷ lệ hơn 80%, tâm tư của người dân vẫn còn mong muốn sự quan tâm nhiều hơn về vấn đề ô nhiễm môi trường ở cộng đồng dân cư.

    Có thể khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã được Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên triển khai đồng bộ, hiệu quả, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, hệ thống chính trị, an ninh trật tự và quốc phòng ở khu vực nông thôn được giữ vững. Tính đến hết năm 2017 số tiêu chí đạt được bình quân/xã tăng từ 3,6 tiêu chí lên 14,6 tiêu chí, đã có 52 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 38,2%; Tỷ lệ số xã dưới 10 tiêu chí còn 12,5% đạt mục tiêu mà Ban chỉ đạo Trung ương đưa ra (Trung ương đặt mục tiêu phấn đấu còn khoảng 25%). Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa được nâng cao; cảnh quan môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét.

Duy Hưng - Ban Phong trào

[Trở về]