Bản in     Gởi bài viết  
Mặt trận huyện Quảng Ninh tham gia giải quyết các sự cố, điểm nóng góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn 
 

     Năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017, công tác tuyên truyền vận động nhân dân trên địa bàn huyện Quảng Ninh gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài tập trung vào các nhiệm vụ chính trị chung, Quảng Ninh phải tập trung giải quyết các nhiệm vụ đột xuất khác như giải quyết bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển do Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Fomosa gây ra; tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân ổn định tình hình để khởi công dự án FLC; hỗ trợ đời sống nhân dân khắc phục hậu quả của 2 trận lũ lụt kép trong tháng 10, tháng 11 năm 2016 và hậu quả của cơn bão số 10 diễn ra vào giữa tháng 9 năm 2017. Liên quan đến những nhiệm vụ trên, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn có những diễn biến phức tạp, gây những tác động xấu đến sự ổn định trật tự xã hội trên địa bàn.

     Chỉ riêng liên quan đến giải quyết bồi thường thiệt hại môi trường biển, người dân đã khiếu kiện đông người vượt cấp, liên tục, lên cả huyện, tỉnh. Năm 2016, toàn huyện Quảng Ninh đã có 07 đoàn khiếu kiện vượt cấp lên tỉnh. Trong 9 tháng đầu năm 2017, Ban Tiếp công dân huyện đã tiếp định kỳ và đột xuất 77 lượt, 280 người, trong đó 27 lượt đông người ( 227 người). Các kiến nghị chủ yếu về đất đai, chế độ chính sách, giải quyết bồi thường do sự cố môi trường biển. Toàn huyện tiếp nhận 152 đơn kiến nghị của công dân có nội dung liên quan đến bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do sự cố môi trường biển, trong đó có 133 đơn kiến nghị, phản ánh, đơn nặc danh; 09 đơn khiếu nại, 1 đơn tố cáo, tập trung chủ yếu ở các xã Hàm Ninh, Võ Ninh, Gia Ninh, Xuân Ninh, Hải Ninh…. Trong những năm qua, chưa có năm nào lượng đơn thư đột biến như năm nay.

    Xác định trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền, vận động, tham gia giải quyết các sự cố, điểm nóng góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn huyện, Mặt trận huyện đã hướng dẫn chỉ đạo Mặt trận cơ sở, nhất là xã Hải Ninh và các xã bị ảnh hưởng của sự cố môi trường biển phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể nắm chắc tình hình, tuyên truyền, vận động nhân dân, tập trung vào hai nhiệm vụ chính: Thực hiện tốt công tác chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển và ổn định tình hình để tiếp tục triển khai Dự án FLC tại Hải Ninh.

     Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã phân công, bố trí cán bộ bám địa bàn xã, khu dân cư, các vùng trọng điểm và nhạy cảm để nắm tình hình, làm rõ những nguyên nhân dẫn đến vụ việc, xác định đâu là xuất phát từ nhu cầu chính đáng, đâu là những nguyên nhân khác và có nguyên nhân sai sót của chính quyền cơ sở làm nhân dân bức xúc hay không... trên cơ sở đó, có những giải pháp giải quyết phù hợp như: Phân loại đối tượng, dùng lực lượng tại chổ, người có uy tín, có tầm ảnh hưởng để tuyên truyền vận động; dùng nhân dân để đấu tranh với các phần tử tiêu cực trong cộng đồng; tham mưu cho cấp uỷ, phối hợp cùng chính quyền để giải quyết.

    Riêng tại xã Hải Ninh, vừa là xã ảnh hưởng nặng do sự cố môi trường biển, vừa là xã có Dự án FLC, Ủy ban Mặt trận huyện đã tham mưu cho Huyện uỷ thành lập đoàn công tác, thành viên gồm Mặt trận và các đoàn thể trong khối trực tiếp bám, nắm địa bàn, nắm tình hình, diễn biến tư tưởng của người dân, để tham mưu cho cấp uỷ chính quyền có phương án cụ thể, xử lý kịp thời tình hình phức tạp nổi lên, không để bị động bất ngờ.

    Làm công tác dân vận đến từng người dân, tuyên truyền, vận động, giải thích cho những người dân chưa đồng thuận một cách thường xuyên, liên tục, làm cho người dân hiểu rõ, thấy được lợi ích của Dự án; tổ chức thăm hỏi, động viên các hộ gia đình khó khăn, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng tại xã Hải Ninh vào các dịp lễ, tết. Tuyên truyền, vận động Nhân dân nỗ lực khắc phục hậu quả về ô nhiễm môi trường biển; làm tốt công tác tiếp nhận và phân bổ tiền hàng cứu trợ cho bà con vùng biển (với tổng trị giá năm 2016 trên 3,7 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2017 trên 75 triệu đồng) góp phần ổn định cuộc sống của Nhân dân trong thời điểm khó khăn.

    Mặt trận các cấp trong huyện đã phối hợp tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến việc kê khai, đánh giá và bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển; chủ trì giám sát 4 cuộc và tham gia Tổ Giám sát của Huyện về việc kê khai, rà soát, đánh giá và bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển để làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo… để việc bồi thường thiệt hại đúng đối tượng, đúng mức độ, đúng chính sách, với quyết tâm không để bỏ sót đối tượng và kịp thời ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi. Đến nay, huyện Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành việc rà soát các đối tượng thuộc diện hỗ trợ thiệt hại theo Quyết định 1880/QĐ-TTg và Quyết định 309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để thẩm định, phê duyệt, chi trả tiền cho người dân theo quy định. UBND huyện đã phê duyệt số tiền 207,1 tỷ đồng; cấp tiền cho các xã, thị trấn 205,96 tỷ đồng/ 259,320 tỷ đồng UBND tỉnh cấp; các xã, thị trấn đã thực hiện chi trả cho người dân trên 197 tỷ đồng.

    Cùng với công tác tuyên truyền vận động, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã phối hợp với chính quyền đối thoại trực tiếp với nhân dân. Năm 2016, có 01 cuộc đối thoại theo kế hoạch ở Hàm Ninh, 6 cuộc đối thoại đột xuất ở xã Hải Ninh; 6 tháng đầu năm 2017, đối thoại 01 cuộc theo kế hoạch tại An Ninh và hàng chục cuộc đột xuất khác. Đồng thời, phối hợp giải quyết một số kiến nghị, đề xuất của bà con; có các chính sách hỗ trợ kịp thời ổn định đời sống cho ngư dân sau sự cố; giải thích rõ những vấn đề mà nhân dân còn quan tâm, vận động nhân dân đồng thuận thống nhất cao trong nhận thức và hành động, đảm bảo các điều kiện để tiếp tục triển khai Dự án FLC.
Thông qua các hoạt động đã phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân, qua đó nắm bắt được tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với các cấp ủy Đảng, chính quyền, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Mặt trận tham gia giải quyết các sự cố, điểm nóng trên địa bàn huyện còn gặp một số hạn chế, khó khăn, đó là:
Việc nắm bắt tình hình tư tưởng và và dư luận xã hội, công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước có lúc, có nơi còn thiếu kịp thời. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở hiện nay quá khó khăn, còn có biểu hiện lợi dụng dân chủ, khiếu kiện đông người, vượt cấp hoặc gây mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, hoặc lợi dụng dân chủ để trục lợi. Văn bản của Chính phủ, các Bộ, ngành thay đổi nhiều lần, nhiều nội dung chưa rõ, yêu cầu tiến độ thực hiện quá gấp, khó khăn cho công tác tuyên truyền vận động và tổ chức thực hiện. Ví dụ : Trong bồi thường sự cố môi trường biển, văn bản quy định, hướng dẫn thay đổi liên tục, nên việc kê khai phải thực hiện nhiều lần, gây khó khăn và mất thời gian; nhiều nội dung chưa rõ, khó trong xác định đối tượng thiệt hại dẫn đến người dân kê khai tràn lan hoặc bỏ sót đối tượng; một số đối tượng bị thiệt hại nhưng chưa được quy định hỗ trợ trong các văn bản; một bộ phận Nhân dân chưa hiểu hoặc cố tình không hiểu các quy định dẫn đến khiếu kiện, gây mất ổn định tình hình trên địa bàn gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

    Công tác bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển cơ bản làm tốt, nhưng hiện nay, ở một số khu dân cư vẫn còn xảy ra tình trạng thắc mắc khiếu kiện do không nằm trong đối tượng được bồi thường. Việc tiếp cận nội dung văn bản hướng dẫn ở một số thôn, xã khác nhau nên việc triển khai chưa đồng bộ, gây nên sự so sánh dẫn đến khiếu kiện trong nhân dân. Việc giải quyết đơn thư kiến nghị của công dân liên quan đến sự cố môi trưởng biển ở một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng đơn thư vượt cấp, tụ tập động người kéo lên tỉnh, lên huyện.

    Từ những kết quả đạt được cũng như những khó khăn hạn chế nêu trên, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác Mặt trận tham gia giải quyết các sự cố, điểm nóng góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân và đảm bảo ANTT trên địa bàn huyện như sau:

   Một là, phải làm tốt công tác nắm thông tin, nắm chắc tình hình, làm rõ nguyên nhân dẫn đến các mâu thuẫn, bức xúc, thành phần tham gia khiếu kiện để kịp thời tham mưu, đề xuất cấp uỷ, phối hợp với chính quyền tập trung giải quyết ngay từ cơ sở.

   Hai là, nhanh chóng củng cố, phát huy vai trò của những tổ chức Mặt trận - đoàn thể, người có uy tín trong giải quyết những vụ việc phức tạp.

   Ba là, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Mặt trận với các ban ngành, đoàn thể trong việc trao đổi thông tin, tuyên truyền vận động nhân dân và giải quyết tình hình. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân cần kiên trì, bình tĩnh, mềm dẻo, thận trọng, cương quyết, lấy vận động thuyết phục là chính, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của những người có uy tín cao tại cộng đồng dân cư.

   Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực thực hành dân chủ ở cơ sở cho cán bộ, công chức và nhân dân.

   Năm là, chủ động phối hợp với chính quyền các cấp trực tiếp đối thoại, giải quyết những vấn đề còn vướng mắc ngay từ cơ sở, ngay từ khi vụ việc mới phát sinh, không để phát triển và lan sang các lĩnh vực khác, địa bàn khác.

   Sáu là, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận và các đoàn thể trong việc triển khai thực hiện các chế độ chính sách trên địa bàn; trong việc công khai, minh bạch các hoạt động cho người dân.

   Bảy là, tranh thủ mọi điều kiện để chăm lo đời sống nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thu hẹp dần các điểm phức tạp không để lây lan sang các địa bàn khác.

   Để góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân và đảm bảo ATTT trên địa bàn, trong thời gian tới, UBMT huyện Quảng Ninh và các tổ chức thành viên tiếp tục tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ, nhận thức đúng hơn về các quy định của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành nhất là các văn bản liên quan đến công tác bồi thường thiệt hại do sự cố môi trưởng biển; về việc tiếp tục triển khai Dự án FLC, tránh bị lôi kéo, lợi dụng nhằm ổn định tình hình. Nắm tình hình, diễn biến tư tưởng của người dân để tham mưu cho cấp uỷ, phối hợp với chính quyền xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra, không để bị động bất ngờ. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Mặt trận; cùng với chính quyền tăng cường công tác đối thoại, tham gia giải quyết đơn thư kiến nghị của công dân, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Chủ động nắm tình hình khiếu nại trên địa bàn, phát hiện những dấu hiệu có thể dẫn đến khiếu kiện phức tạp để tham mưu cho cấp uỷ, phối hợp với chính quyền kịp thời giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở, không để phát sinh thành điểm nóng. Đặc biệt, trong giải quyết cần chú ý bảo đảm lợi ích cốt lõi của người dân, vận dụng chính sách sao cho có lợi nhất cho người dân nhưng không trái với quy định./.

Hải Lê - MT Quảng Ninh

[Trở về]