Bản in     Gởi bài viết  
Mặt trận Quảng Bình quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 
   Trong những năm qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận các cấp ở tỉnh Quảng Bình đã tăng cường vai trò phối hợp, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động bằng những việc làm cụ thể, thiết thực góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. 

   Đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Bình sinh sống ở 106 thôn, bản thuộc 17 xã miền núi, vùng cao của các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Với đặc thù, cư trú ở trên địa hình núi đồi, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, thói quen sản xuất nhỏ lẻ nên đời sống đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn... Để giúp đồng bào vươn lên xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, thời gian qua, Mặt trận các cấp ở tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào người dân tộc thiểu số đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế. Với phương châm "Đi từng ngõ, gõ từng nhà", "Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin" nên việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đạt hiệu quả cao. Từ 2015 đến nay, Mặt trận các cấp ở tỉnh Quảng Bình đã chủ trì và phối hợp tổ chức 413 cuộc tuyên truyền trong đồng bào dân tộc thiểu số về các phong trào thi đua yêu nước, thu hút hơn 32.422 lượt người tham gia.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm và động viên đồng bào dân tộc người Mã Liềng vươn lên thoát nghèo

   Hiệu quả của việc tuyên truyền "Cầm tay, chỉ việc" đã từng bước làm thay đổi nhận thức của bà con. Từ tập quán canh tác lạc hậu “phát, đốt, cốt, trỉa”, sản xuất “tự cung, tự cấp” đến nay đồng bào dân tộc thiểu số đã biết thâm canh tăng vụ, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm với cải tạo vườn đồi, vườn rừng, tạo ra các mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, đa dạng. Nhiều vùng đồng bào Rục, Khùa, Mày, Macoong, Mã Liềng… đã chuyển đổi tập quán từ sản xuất nương rẫy sang sản xuất lúa nước 2 vụ với diện tích hơn 290 ha, sản lượng bình quân đạt 40 tạ/ha. Toàn tỉnh hiện có hơn 700 hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế khá, giỏi. Trong đó có trên 500 hộ cho thu nhập 30 triệu/năm trở lên, gần 200 hộ có thu nhập 70 triệu đồng/năm trở lên. Tiêu biểu, như hộ gia đình ông Hồ Văn Pan, ở bản Cây Bông (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy); ông Hồ Viên ở bản Cà Xen (xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa); ông Đinh Hợp, người Ma Coong (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch); ông Hồ Soa ở bản Khe Dây (xã Trường Xuân, Quảng Ninh); ông Hồ Khanh ở bản La Trọng 1 (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa)… Đặc biệt, để giúp đồng bào các dân tộc thiểu số đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế bằng những việc làm thiết thực, năm 2017, được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã triển khai Đề án “Hỗ trợ bò giống sinh sản cho hộ nghèo bị thiệt hại do lũ lụt năm 2016 và vùng thường xuyên bị thiên tai để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2017 - 2018”. Theo đó, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hỗ trợ 1.000 con bò cái lai giúp đồng bào phát triển chăn nuôi sản xuất. Năm 2018, Mặt trận tỉnh tiếp tục hỗ trợ người dân nghèo vùng khó khăn thêm 500 con bò trong đó có nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

  Từ công tác gần dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân bị thiệt do thiên tai, tháng 7 năm 2017, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Bình đã triển khai xây dựng 46 nhà ở cho đồng bào Mã Liềng ở 2 xã Lâm Hóa và Thanh Hóa (Tuyên Hóa) với tổng mức đầu tư trên 3,9 tỷ đồng. Năm 2018, Mặt trận tỉnh Quảng Bình đã tiếp tục hỗ trợ xây dựng 37 ngôi nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) với số tiền hơn 2,9 tỷ đồng. Dự kiến, trong năm 2019 sẽ hỗ trợ xây dựng thêm 43 nhà ở cho các hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 xã Dân Hóa và Trọng Hóa (huyện Minh Hóa).

  Công tác xây dựng mô hình, điển hình trong đồng bào dân tộc luôn được Mặt trận các cấp chú trọng. Nhất là mô hình điểm về cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc"... ngày càng đi vào chiều sâu. Giai đoạn 2012 đến 2017, Mặt trận các cấp đã phối hợp xây dựng 17 mô hình điểm "Tổ tự quản an ninh trật tự khu vực biên giới", "Khu dân cư đoàn kết xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc", mô hình điểm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, mô hình về "Giảm nghèo bền vững tại KDC đồng bào dân tộc thiểu số". Qua triển khai thực hiện các phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu người dân tộc thiểu số tình nguyện hiến đất, hiến tài sản. Cụ thể như ông Hồ Soa ở bản Khe Ngang (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh) hiến 729 m2 đất để làm nhà sinh hoạt cộng đồng cho bà con trong bản. Ông Hồ Việt ở bản Khe Ngang (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh) hiến hơn 400 m2 đất để làm nhà văn hoá của bản.

   Cùng chung tay thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở vùng đồng bào dân tộc, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã xây dựng mô hình điểm tại bản Khe Khế (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy). Cùng với chính quyền địa phương, Mặt trận tỉnh đã hỗ trợ bản xây dựng 2 đoạn đường bê tông, 35 giếng nước sạch; 16 công trình vệ sinh; đồng thời hỗ trợ 5 con bò trị giá 75 triệu đồng cho 5 hộ nghèo để phát triển sản xuất. Đến nay, bản Khe Khế đã có điện chiếu sáng, đồng bào đã biết trồng lúa nước để đảm bảo lương thực nên không còn hộ đói.

  Không chỉ quan tâm, hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Mặt trận các cấp ở tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể vận động đồng bào giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan. Các lễ hội truyền thống như Lễ hội Đập trống Ma Coong ở xã Thượng Trạch (Bố Trạch); Lễ hội Lấp lỗ Vân Kiều (Trường Sơn, huyện Quảng Ninh); Lễ hội Rằm tháng 3 (Minh Hóa); Lễ hội mừng cơm mới; Lễ cúng Giàng, Lễ buộc chỉ cổ tay... được đồng bào gìn giữ và phát triển. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao dân tộc được các địa phương duy trì và tổ chức thường xuyên. Đến nay, 64/64 xã miền núi, vùng cao dân tộc thiểu số có nhà văn hoá xã; 100% thôn bản có nhà sinh hoạt cộng đồng. Toàn tỉnh có hơn 2.200 hộ đồng bào dân tộc được công nhận "Gia đình văn hóa"; 22 bản được công nhận "Bản văn hóa".

 Có thể nói, bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, Mặt trận các cấp ở tỉnh Quảng Bình đã góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu ở trên địa bàn toàn tỉnh vươn lên xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Đến nay, ý thức của đồng bào đã có nhiều thay đổi, nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc đã trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng bản làng phát triển, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.

 

( Văn Minh -  MT tỉnh)
 

[Trở về]