Bản in     Gởi bài viết  
Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Quảng Bình đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới 
 

     Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam là yêu cầu cần thiết, khách quan, nhìn thấy rõ, định danh được những nội dung và phương thức phù hợp đúng thời điểm, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể trong thời kỳ đổi mới hội nhập và phát triển để thực hiện tốt yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra. Thời gian qua, Uỷ ban Mặt trận các cấp tỉnh Quảng Bình được củng cố và mở rộng, thu hút thêm nhiều thành viên mới, tăng thêm số lượng người tiêu biểu, có tín nhiệm về năng lực, phẩm chất đạo đức. Hệ thống tổ chức, bộ máy của Uỷ ban Mặt trận các cấp tỉnh được tăng cường. Công tác kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư được đầu tư, coi trọng với nhiều giải pháp thiết thực.

     Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, UBMTTQ các cấp tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các đoàn thể nhân dân không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới trong từng cộng đồng dân cư, kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trong toàn tỉnh. Mặt trận Tổ quốc các cấp ngày càng thể hiện vị trí, vai trò trách nhiệm của mình trong việc vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. Cùng với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, UBMTTQ các cấp tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật Nhà nước, phối hợp tổ chức tốt các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp.

    Công tác giám sát từng bước được chú trọng theo từng chuyên đề, lĩnh vực, tham gia giám sát cùng Thường trực và các Ban của HĐND. MTTQ các cấp vận động nhân dân tích cực triển khai thực hiện nâng cao vai trò giám sát quy chế dân chủ ở cơ sở đối với chính quyền các cấp trong việc công khai cho dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, cụ thể như: Giám sát trong việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của chính quyền; giám sát việc thu chi các loại quỹ; vấn đề xây dựng nhà văn hóa; làm đường giao thông nông thôn... Công tác củng cố và kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp và Ban công tác Mặt trận khu dân cư được chú trọng. Đến nay, 100% Ban Công tác Mặt trận khu dân cư trong tỉnh được củng cố kiện toàn về tổ chức và hoạt động đạt kết quả.

    Với vai trò chủ trì, MTTQ các cấp đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền, phối kết hợp chặt chẽ với các đoàn thể nhân dân, mở rộng dân chủ, tổ chức thực hiện có hiệu quả cao các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước tạo nên khí thế thi đua, đoàn kết, sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân. Phát động tháng cao điểm “Chung tay vì người nghèo” được triển khai ở 100% khu dân cư trong tỉnh, trở thành hoạt động thường xuyên có hiệu quả với nhiều hình thức vận động phong phú. Qua hơn 15 năm thực hiện với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Quỹ “Vì người nghèo” đã huy động được số tiền hơn 282 tỷ đồng. Đã hỗ trợ xây dựng và sữa chửa hơn 13 ngàn nhà Đại đoàn kết, nhà tạm cho hộ nghèo. Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ cho người nghèo khám chữa bệnh, cây, con giống để phát triển sản xuất luôn được Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động và hưởng ứng tích cực. Có thể nói, một trong những thành công trong công tác vận động Quỹ “Vì người nghèo” chính là sự hưởng ứng tích cực của các cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn tỉnh và bà conkiều bào đang sinh sống ở nước ngoài. Từ thực tiễn triển khai các hoạt động vì người nghèo cho thấy, chính sự vào cuộc kịp thời, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cấp uỷ Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể đã cùng với ủy ban Mặt trận TQ các cấp tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng, công tác vận động quỹ đã được triển khai và lồng ghép vào các phong trào thi đua, các chương trình hoạt động của từng địa phương, tổ chức đơn vị đầy linh hoạt và thiết thực.

Bàn giao nhà cho đồng bào dân tộc khó khăn

    Một điểm nhấn trong hoạt động hướng về người nghèo trong năm 2017 đó là MTTQVN tỉnh đã trích từ nguồn Quỹ Cứu trợ để hỗ trợ cho 46 hộ đồng bào dân tộc khó khăn thuộc địa bàn ảnh hưởng do lũ lụt và vùng thường xuyên bị thiên tai tại Bản Kè, Bản Cáo xã Lâm Hóa và Bản Cà Xen xã Thanh Hóa huyện Tuyên Hóa có ngôi nhà mới, kiên cố với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng. Ngoài ra, 1.000 hộ nghèo trên toàn tỉnh đã và sẽ được tặng 1 con bò cái lai sinh sản với mục đích giúp người nghèo có hướng thoát nghèo một cách bền vững. Đây là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc được người dân đón nhận và hưởng ứng tích cực.

Hỗ trợ bò cái lai sinh sản cho hộ nghèo

    Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã được triển khai tổ chức ở tất cả khu dân cư trong toàn tỉnh và trở thành hoạt động thường niên, có nền nếp. Hàng năm, có từ trên 86% số khu dân cư trong tỉnh đạt các danh hiệu khu dân cư tiên tiến, khu dân cư văn hóa; trên 87% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa và trên 96% số khu dân cư tổ chức được “Ngày hội Đại đoàn kết” toàn dân tộc. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai sâu rộng với nhiều nội dung phong phú và cách làm thiết thực phù hợp đã góp phần tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân. Thông qua các phong trào, các cuộc vận động, tổ chức Mặt trận ở các cấp được tăng cường, đội ngũ cán bộ Mặt trận được trưởng thành, mối quan hệ giữa Mặt trận với chính quyền và các ngành, các đoàn thể ngày càng chặt chẽ, vai trò, vị trí của Mặt trận tiếp tục được khẳng định và nâng cao.

    Quán triệt sâu sắc phương châm “đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân, xuất phát từ thực tiễn, nhạy bén với cái mới”, MTTQ các cấp và các đoàn thể đã căn cứ vào điều lệ, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình, thường xuyên tìm tòi, sáng tạo và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; quan tâm đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp nhân dân, triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước… Qua đó, tạo nên những chuyển biến tích cực cả về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh; góp phần xây dựng tổ chức đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Hội nghị giao ban giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tỉnh với Chủ tịch Mặt trận cấp huyện

    Để khắc phục bệnh hình thức và hành chính, lãnh đạo Cơ quan Mặt trận các cấp đã tích cực đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành theo hướng gọn, rõ việc và có sản phẩm. Đặc biệt đã đổi mới nhiều trong việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị. Năm 2017 đã chỉ đạo tổ chức Hội nghị giao ban giữa Ban Thường trực với Chủ tịch Mặt trận cấp huyện trước khi tổ chức Hội nghị ủy UBMT tỉnh cuối năm. Qua Hội nghị giao ban nhằm có thời gian để Chủ tịch Mặt trận cấp huyện báo cáo rõ các hoạt động nổi bật, đặc biệt là các mô hình mới, cách làm sáng tạo hiệu quả; đồng thời chia sẽ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị để có giải pháp tháo gỡ.

    Thực tế cho thấy, các phong trào, các cuộc vận động lớn do MTTQ Việt Nam và các đoàn thể phát động tổ chức thực hiện ngày càng phong phú, đa dạng có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế, sự phát triển của văn hoá, xã hội và tăng cường quốc phòng, an ninh… đòi hỏi phải “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân phù hợp với chức năng, tôn chỉ, mục đích hoạt động của từng tổ chức; hướng về cơ sở; khắc phục tình trạng hành chính hoá, xa dân, phô trương, hình thức”.

    Để thực hiện tốt chủ trương trên, trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể cho các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân. Cần nhận thức rõ, MTTQ và các đoàn thể là một bộ phận quan trọng của hệ thống chính trị, có chức năng, tôn chỉ, mục đích hoạt động phù hợp với khuôn khổ của pháp luật, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, có vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân; đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, tham gia quản lý đất nước, xây dựng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh vào cuộc sống, góp phần xây dựng sự đồng thuận trong xã hội. Chăm lo xây dựng MTTQ các cấp và các đoàn thể vững mạnh toàn diện là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân, mà trước hết trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp. Đồng thời, MTTQ các cấp của tỉnh và các đoàn thể cũng cần nhận thức đúng vai trò của mình, không ngừng nâng cao vị thế, xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, xứng đáng là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính trị. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, làm nền tảng phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”./.

Văn Lộc – Mặt trận tỉnh

 

[Trở về]