Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình phát huy vai trò trong tham gia thực hiện pháp luật về Bảo vệ môi trường.
Những năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, tỉnh Quảng Bình đã gặt hái được nhiều thành quả trên các lĩnh vực, nhất là về phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã tạo những áp lực, tác động, ảnh hưởng đến môi trường. Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường, chất lượng môi trường sống một số nơi đang bị suy giảm, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tài sản và cuộc sống bình thường của người dân. Việc thực thi pháp luật về môi trường là nhiệm vụ, là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Trong thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đóng góp vai trò tích cực. Tại Điều 157 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định rõ trách nhiệm của Mặt trận TQVN: 1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên và Nhân dân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường; 2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường. Thời gian qua, Mặt trận các cấp tỉnh Quảng Bình đã tích cực phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện những hoạt động cụ thể, đóng góp quan trọng vào thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường. * Trước hết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế của địa phương, như đã: tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai; tổ chức 18 lớp tập huấn truyền thông về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cho hơn 1.700 cán bộ Mặt trận các cấp; phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Quảng Bình xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về chủ đề bảo vệ môi trường, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; tổ chức ký kết Quy chế phối hợp giữa Mặt trận tỉnh, Sở Tài nguyên Môi trường và Giáo Hội Phật giáo tỉnh, Ủy ban đoàn kết Công giáo tỉnh về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổ chức thành viên Mặt trận tỉnh tổ chức Hội nghị tuyên truyền, Mặt trận các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với chính quyền thực hiện tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư thông qua hệ thống truyền thanh ở cơ sở, Trang thông tin điện tử tổng hợp của cơ quan, đơn vị, ứng dụng nền tảng mạng xã hội: zalo, fanpage; facebook; qua hình ảnh trực quan, pano, khẩu hiệu tại trụ sở làm việc và khu dân cư; tổ chức các hoạt động thiết thực hướng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam; xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình điểm về bảo vệ môi trường ở nhiều địa phương, vùng miền khác nhau, như: “Mô hình thu gom, xử lý rác thải tại các bờ biển”; “Mô hình tạo cảnh quan xanh, trồng cây chắn cát ven biển”; “Mô hình thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng”; “Mô hình Đường hoa, Đường cây ở khu dân cư”…Từ năm 2019 - 2024, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã xây dựng 32 mô hình điểm cấp tỉnh về “Khu dân cư bảo vệ tài nguyên, môi trường biển”, 19 mô hình “Khu dân cư chung tay bảo vệ môi trường”; Mặt trận cấp huyện, cấp xã phối hợp xây dựng hơn 100 mô hình điểm “Khu dân cư chung tay bảo vệ môi trường”. Qua những hoạt động cụ thể, hình thức phong phú Mặt trận các cấp đã góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các tầng lớp nhân dân. * Mặt trận các cấp vận động nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động, các phong trào bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phát huy các tiềm năng, sức mạnh của Nhân dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhân dân tích cực, hăng hái tham gia các hoạt động như: trồng cây xanh, xây dựng và bảo vệ đường làng, ngõ xóm sáng - xanh -sạch - đẹp; thu gom rác thải sinh hoạt; từng bước thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Các tổ chức thành viên của Mặt trận đã phát động các phong trào thi đua, như: Đoàn Thanh niên với phong trào “Thanh niên xung kích vì cuộc sống cộng đồng”, “Hành trình xanh”, Hội Phụ nữ với phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Nói không với túi nilon khi đi chợ”, Hội Nông dân với phong trào thực hiện nền nông nghiệp sạch… Bà con nhân dân làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp Bà con nhân dân tham gia thu gom rác thải nhựa, vệ sinh môi trường Biển * Thường xuyên nắm bắt tình hình, tập hợp, phản ánh, cung cấp thông tin, ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân về việc thực thi pháp luật bảo vệ môi trường ở địa phương đến các cơ quan có thẩm quyền Với hệ thống tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sâu rộng đến khu dân cư; thông qua các hoạt động cụ thể của Mặt trận, như: tổ chức các Hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư, kiến nghị của công dân, Mặt trận các cấp có điều kiện thuận lợi để thường xuyên nắm bắt ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân về việc thực thi pháp luật, việc quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường ở các địa phương để phản ánh kiến nghị, đề xuất đến chính quyền và các cơ quan có thẩm quyền quan tâm chỉ đạo xử lý, giải quyết. Đây là kênh thông tin quan trọng giúp các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về môi trường. Từ năm 2019 - 2024, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận các cấp đã tổng hợp hơn 200 ý kiến, kiến nghị liên quan về lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên, khoáng sản, nhất là các ý kiến kiến nghị về quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông, khai thác đá; quản lý, bảo vệ rừng; vấn đề xả thải gây ô nhiễm không khí tại các Nhà máy, cơ sở sản xuất, các công trình, dự án trên địa bàn, việc quản lý đất đai, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của chính quyền các cấp…Những ý kiến của cử tri và Nhân dân được cơ quan chức năng quan tâm kiểm tra, xử lý, hạn chế tác động đến đời sống của người dân. * Mặt trận các cấp đã tăng cường hoạt động giám sát và phản biện xã hội đối với việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của chính quyền các cấp, các công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh ở trên địa bàn tỉnh. Mặt trận các cấp trong tỉnh đã tổ chức phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đã tổ chức phản biện đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Quyết định quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hình thức và mức thu đối với hộ gia đình, cá nhân và các đối tượng khác cho công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; tham gia đóng góp ý kiến đối với nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh về quản lý tài nguyên, môi trường, góp phần đảm bảo tính khả thi của các dự thảo văn. Uỷ ban Mặt trận tỉnh tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định Tổ chức hoạt động giám sát qua thông qua nhiều hình thức như nghiên cứu báo cáo định kỳ của các cơ quan, đơn vị; trực tiếp tổ chức các Đoàn giám sát của Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh; phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng và vận động Nhân dân tham gia giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn; trong hoạt động khai thác cát, đất, đá trên địa bàn; việc giải quyết một số đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cử tri và Nhân dân trong thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại một số địa phương, Nhà máy, Công ty trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát đã đánh giá thực trạng và những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ môi trường ở các địa phương, đồng thời phát hiện những khó khăn, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường và thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường. Nhìn chung cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ngành, Công ty, Nhà máy trên địa bàn tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, quan tâm tiếp nhận và giải quyết đơn thư, kiến nghị của công dân về lĩnh vực bảo vệ môi trường. Các đơn vị, cơ sở sản xuất đã quan tâm đầu tư cải tiến, đổi mới thiết bị, máy móc, ứng dụng một số thành tựu khoa học kỹ thuật, lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường, trồng cây xanh ở những khu vực đã hoàn thổ, từng bước kiểm soát tốt hơn lượng bụi, tiếng ồn, chất thải...phát tán trong sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn quy định. Mặt trận đã phát huy vai trò của cộng đồng tham gia vào bảo vệ môi trường, tạo thêm nguồn lực tại chỗ đóng góp, cung cấp thông tin, giám sát môi trường nhanh và hiệu quả, giúp chính quyền giải quyết kịp thời các vấn đề môi trường ngay từ khi mới xuất hiện, nhất là các vấn đề môi trường liên quan trực tiếp đến số đông dân cư, ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, qua quá trình giám sát, phối hợp nắm tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Mặt trận các cấp trong tỉnh nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống văn bản quy định về bảo vệ môi trường, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường thường xuyên được điều chỉnh, thiếu ổn định nên khó khăn cho việc thực hiện và áp dụng tại địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về Bảo vệ môi trường ở một số đia phương, đơn vị, doanh nghiệp chưa được triển khai thường xuyên. Đội ngũ cán bộ công tác trong lĩnh vực môi trường đã được quan tâm nhưng tại cơ sở chủ yếu đang kiêm nhiệm. Ý thức chấp hành Luật bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh môi trường của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, của các hộ gia đình chăn nuôi và sản xuất chưa cao. Việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, nhất là phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn còn khó khăn… Để góp phần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong thời gian tới, Mặt trận các cấp tiếp tục phát huy vai trò, tham gia thực hiện một số nội dung sau: 1. Tăng cường phối hợp với chính quyên và các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. 2. Quan tâm lắng nghe, nắm tình hình, ý kiến, kiến nghị của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và Nhân dân về việc thực thi pháp luật bảo vệ môi trường. Làm cơ sở thực tiễn để phản biện xã hội, tham gia đóng góp ý kiến góp phần xây dựng, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường. 3. Tăng cường hoạt động giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức. Vận động Nhân dân phát huy vai trò, trách nhiệm trong giám sát, phản ánh, kiến nghị việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trương ở địa phương. 4. Tích cực vận động nhân dân hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường gắn với các cuộc vận động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ trì phát động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Vân động nhân dân phát huy tính tự quản, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình cộng đồng dân cư bảo vệ môi trường, phòng ngừa và ứng phó với biến đổi khí hậu; tuyên truyền, vận động nhân dân tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn, tái sử dụng nguyên vật liệu nhằm hạn chế phát thải ra môi trường, xây dựng môi trường sống an toàn. 5. Tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành, tổ chức liên quan trong tổ chức thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường; quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận và các tổ chức thành viên trong công tác tuyên truyền, vận động thực thi pháp luật bảo vệ môi trường./. Mỹ Hiền - PCT Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh
Các tin đã đăng
|