Bản in     Gởi bài viết  
Mặt trận TQ các cấp thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 13/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm, giai đoạn 2016 - 2020 . 

 

     Thực hiện Chương trình hành động số 05 ngày 13/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị quyết Liên tịch số 88 ngày 7/10/2016 của Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ngày 23/3/2017 Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ký kết Chương trình phối hợp số 35 về thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2017 - 2020.

    Bên cạnh đó, hàng năm BTT Ủy ban Mặt trận tỉnh đã ký kết Kế hoạch phối hợp với Sở Lao động Thương binh & xã hội về thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực lao động, người có công và an sinh xã hội. Ban Thường trực UBMT các cấp trong tỉnh và Ban Công tác Mặt trận khu dân cư đều triển khai Kế hoạch giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm cho lao động theo hướng giao nhiệm vụ cụ thể, có chỉ tiêu đặt ra sát với tình hình thực tế từng nội dung và địa phương. Từ năm 2016, Ủy ban Trung ương Mặt trận TQVN thống nhất chỉ đạo đưa Cuộc vận động " Ngày vì người nghèo" lồng vào Cuộc vận động " Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh" để tăng thêm nguồn lực thực hiện; nhận thấy tầm quan trọng của Cuộc vận động nói chung và công tác giảm nghèo bền vững nói riêng. Ban Thường trực UBMT tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình ban hành Chỉ thị số 06 CT-TU ngày 01/7/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

    Từ những văn bản có tính chất rất quan trọng trong định hướng, chỉ đạo thực hiện như đã nêu, Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền, quán triệt, tập huấn để triển khai thực hiện. Từ năm 2016 đến nay, Ban Thường trực UBMT tỉnh đã phối hợp với Sở LĐTB&XH, Sở NN & PTNT tổ chức 22 lớp tập huấn cho 1.855 lượt cán bộ Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên về công tác chỉ đạo triển khai và lập kế hoạch về công tác giảm nghèo bền vững; tập huấn về chuổi giá trị bền vững trong chăn nuôi đối với 500 hộ nghèo, đồng thời hướng dẫn và xây dựng 67 mô hình điểm các cấp về chăn nuôi, trồng trọt để giúp các hộ dân thoát nghèo bền vững.

    Có thể khẳng định rằng: Thông qua việc quán triệt, tuyên truyền Chương trình hành động 05 của BTV Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm và các các văn bản phối hợp triển khai thực hiện Mặt trận các cấp trong tỉnh đã cơ bản thay đổi tư duy, nhận thức và hành động về công tác giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm, thể hiện trên một số quan điểm:

    Thứ nhất: Mặt trận đã xác định việc thay đổi tư duy, nhận thức và ý thức tự vươn lên thoát nghèo bền vững của các hộ dân đóng vai trò quyết định còn việc hỗ trợ của Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể và cộng đồng chỉ đóng vai trò quan trọng bước đầu, tạo cơ sở để giúp cho hộ nghèo có điều kiện vươn lên vì vậy công tác tuyên truyền, hướng dẫn, động viên khích lệ là việc làm rất cần thiết, cần tiến hành thường xuyên.

     Thứ hai: Trong điều kiện kinh tế nói chung còn khó khăn, các loại Quỹ, nhất là Quỹ “Vì người nghèo” còn hạn hẹp trong khi số lượng hộ nghèo cần giúp đỡ còn nhiều thì việc sử dụng nguồn lực phải đảm bảo tính cụ thể và thiết thực, tức là theo hướng giúp đỡ những gì hộ nghèo đang cần để có điều kiện vươn lên thoát nghèo thay vì hỗ trợ những gì "mình" có.

     Thứ ba: Từ các nguồn Quỹ, nhất là Quỹ “Vì người nghèo”; ngoài các nội dung giúp đỡ, hỗ trợ mang tính khẩn cấp và thường xuyên như hỗ trợ bệnh nhân nghèo, hỗ trợ học sinh nghèo đến trường, hỗ trợ quà tết cho hộ nghèo và các hỗ trợ đột xuất khác thì cần phải chú trọng hỗ trợ phương tiện sản xuất để các hộ nghèo có điều kiện tham gia phát triển kinh tế hộ và thoát nghèo đồng thời đây củng là một phương thức giúp giải quyết việc làm tại chổ có hiệu quả.

     Thứ tư: Trong triển khai cần phải phối hợp và huy động nhiều nguồn lực cùng thực hiện trên một nội dung mới có hiệu quả như kết hợp với Quỹ Cứu trợ để hỗ trợ cho người nghèo bị thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ phương tiện sản xuất phải đi đôi với công tác khảo sát đánh giá nhu cầu và khả năng từng hộ; đồng thời tập huấn về kỹ thuật, chuổi giá trị; thường xuyên hướng dẫn, có giám sát, đánh giá, tìm đầu ra cho sản phẩm và nhân rộng mô hình, điển hình.

     Xuất phát từ việc đổi mới tư duy, nhận thức và hành động, trong những năm qua Mặt trận các cấp đã thực hiện có hiệu quả các nội dung theo Chương trình hành động số 05 như: Từ năm 2016 đến nay, Ủy ban Mặt trận TQ và Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" các cấp trong tỉnh đã tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" được hơn 47,261 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ "Vì người nghèo" và sự đối ứng của cộng đồng, của các hộ được hỗ trợ đã xây dựng được 344 nhà Đại đoàn kết, sửa chữa trên 100 nhà, trị giá gần 15 tỷ đồng; hỗ trợ trên 1.300 lượt học sinh nghèo đi học với số tiền gần 1,2 tỷ đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất gần 9 tỷ đồng; hỗ trợ khám chữa bệnh gần 850 lượt người với hơn 2 tỷ đồng; tặng quà thăm hỏi, lễ, Tết, trợ cấp khó khăn với số tiền trên 10 tỷ đồng...

    Được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy, đồng thời xuất phát từ tư duy kết hợp để phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc giúp đỡ hộ nghèo về phương tiện sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững đồng thời giải quyết việc làm tại chổ cho người lao động, đặc biệt là người yếu thế. Năm 2017, từ nguồn Quỹ Cứu trợ tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh triển khai thực hiện Đề án: Hỗ trợ 1.500 con bò cái lai Brahman sinh sản cho 1.500 hộ nghèo bị thiệt hại do thiên tai để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Việc triển khai Đề án được tiến hành nghiêm túc, khoa học và bài bản từ khâu: lấy ý kiến rộng rãi về nội dung Đề án; tuyên truyền mục đích, ý nghĩa; bình xét hộ được hưởng lợi; cam kết trách nhiệm, tập huấn, chuẩn bị chuồng trại, thức ăn, công tác quản lý, đặc biệt là đã phối hợp với Viettel tài trợ phần mềm quản lý; 2.000 sim điện thoại và giao dịch miễn phí qua số điện thoại đường dây nóng cho các hộ, cán bộ quản lý các cấp, cán bộ thú y để thực hiện chương trình tư vấn, khuyến cáo và quản lý bò đến từng hộ.

     Đến nay Đề án đã hỗ trợ được 1.436 con, qua công tác kiểm tra đánh giá, Đề án đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, bước đầu đàn bò phát triển tốt; đã tạo thêm việc làm cho lao động nhàn rỗi và tại chổ cho gần 1.500 lao động. Ngoài ra Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh cũng phối hợp trao 50 con bò do Bộ Tư lệnh Biên phòng tài trợ cho các hộ nghèo bị thiệt hại do thiên tai ở 9 xã biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt thông qua việc triển khai Đề án, Ban Thường trực UBMT tỉnh đã phối hợp vận động các doanh nghiệp tài trợ 520.000.000 đồng, đồng thời phối hợp với Đài PTTH tỉnh tổ chức 08 chương trình truyền hình thực tế "Tiếp sức cho người nghèo vùng thiên tai" tại 8 huyện, Thị xã, Thành phố từ tháng 10 năm 2017 đến tháng 8 năm 2018. Thông qua Chương trình truyền hình người dân nắm bắt được nhiều kiến thức trong việc chăn nuôi bò lai sinh sản đồng thời tăng thêm nguồn lực cho các hộ củng như cổ vũ, động viên các hộ nghèo có ý thức vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đại diện lãnh đạo MTTQ tỉnh và Đài PTTH tỉnh trao quà cho hộ nghèo tại Chương trình "Tiếp sức cho người nghèo vùng thiên tai"

     Một trong những hoạt động vì người nghèo nhưng đã để lại ý nghĩa chính trị sâu sắc và củng là hướng đi mới của Mặt trận trong những năm gần đây trong công tác giảm nghèo bền vững đó là kết hợp sử dụng các nguồn Quỹ Vì người nghèo và Quỹ cứu trợ để hỗ trợ cho cộng đồng nghèo, những vùng đặc thù để động viên nhân dân như: Hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa ở thôn có đông đồng bào công giáo nhưng trong những năm qua nhân dân đã có ý thức chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước như tại thôn Minh Tiến xã Quảng Minh; thôn Kinh Nhuận xã Cảnh Hóa và hỗ trợ công trình nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số thôn Tân Sơn, xã Trường Sơn. Đặc biệt trong 02 năm (2017 và 2018) Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã xin chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy trích từ Quỹ Cứu trợ tỉnh số tiền 3.450.000.000 đồng cùng với huyện Tuyên Hóa triển khai hỗ trợ xây 46 nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng do thiên tai thuộc xã Lâm Hóa, Thanh Hóa huyện Tuyên Hóa; công trình đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 10 năm 2017. Năm 2018 trích từ Quỹ Cứu trợ tỉnh số tiền 2.960.000.000 đồng cùng với huyện Bố Trạch triển khai làm nhà ở cho 37 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở xã Tân Trạch và Thượng Trạch đặc biệt khó khăn bị thiệt hại về nhà ở do bão số 10 năm 2017 gây ra. Hiện nay, công trình đang thi công và dự kiến sẽ khánh thành và bàn giao cho các hộ gia đình đưa vào sử dụng vào giữa tháng 10/2018. Ngoài ra BTT UBMT tỉnh đã chủ động phối hợp thường xuyên giúp đỡ xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy là xã do Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công đồng chí Chủ tịch UBMT phụ trách giúp đỡ giảm nghèo. Hàng năm Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đều tổ chức làm việc với địa phương, khảo sát tình hình thực tế, xây dựng kế hoạch kèm theo nhiệm vụ và chỉ tiêu cụ thể để triển khai. Năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, Mặt trận tỉnh đã kêu gọi, vận động và phối hợp hỗ trợ cho các hộ nghèo trên địa bàn xã tổng số tiền là 1.344.600 đồng và 85 tấn gạo, 04 tấn muối; hỗ trợ xây dựng 12 nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ 32 con bò cho 32 hộ gia đình nghèo có lao động, có khả năng chăn nuôi để phát triển sản xuất, hỗ trợ trạm y tế xã 30 triệu để khắc phục hậu quả do thiên tai. Nhờ đó đã góp phần giúp cho 34 hộ trên địa bàn xã thoát nghèo.

    Song song với việc hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo Mặt trận các cấp đã thực hiện 55 cuộc giám giám sát liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; việc giao đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; tình hình thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn và giải quyết việc làm; việc bình xét hộ nghèo; việc quản lý các nguồn quỹ nhân đạo, từ thiện; Ban giám sát đầu tư cộng đồng củng đã giám sát, khảo sát 256 cuộc liên quan đến đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm ở cơ sở.

    Có thể khẳng định, Chương trình hành động số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, quá trình triển khai đã tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Chương trình đã được Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp với chính quyền, các sở ngành, các tổ chức thành viên triển khai đồng bộ, hiệu quả.

     Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, phối hợp, giám sát thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm còn nhận thấy một số khó khăn, hạn chế như:

    1. Một bộ phận người dân và lãnh đạo các xã nghèo còn tâm lý thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Công tác bình xét hộ nghèo, cận nghèo trong quá trình thực hiện chưa nghiêm túc, khách quan và trung thực.

     2. Việc lập Kế hoạch giảm nghèo bền vững ở một số địa phương nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đa số chưa sát với tình hình thực tế của từng hộ; xuất phát từ năng lực thực tiễn của cán bộ chỉ đạo, cán bộ làm công tác giảm nghèo, cán bộ Mặt trận, cán bộ đoàn thể và công tác khảo sát đánh giá; phân công phụ trách giúp đỡ... vì vậy quá trình triển khai hiệu quả mang lại không cao.

     3. Công tác vận động nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo, nhất là các loại quỹ, trong đó có Quỹ Vì người nghèo chưa được nhiều vì vậy khả năng thực hiện còn hạn chế, bên cạnh đó việc sử dụng có hiệu quả các nguồn Quỹ là vấn đề cần được tiếp tục quan tâm nhiều hơn.

     4. Các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ gia đình sinh sống không tập trung, trình độ dân trí thấp từ đó công tác hỗ trợ, đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và vốn phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững còn nhiều khó khăn.

      5. Trình độ, tay nghề, ý thức học nghề và tạo việc làm của một bộ phận người lao động nông thôn nói chung và người nghèo nói riêng còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc vươn lên thoát nghèo.

      6. Mặc dù những năm gần đây công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp đã được coi trọng nhưng tâm lý của một bộ phận nhân dân là vẫn phấn đấu cho con em học đại học, chưa coi trọng việc học nghề.

      Để Chương trình hành động số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ trong thời gian tới thực sự đi vào cuộc sống và đem lại hiệu quả cao hơn nữa, Mặt trận các cấp phải không ngừng làm tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy đảng, đồng thời chỉ đạo phối hợp với các cấp chính quyền, các ngành và các địa phương để thực hiện, đồng thời đề nghị cấp ủy các cấp trực tiếp chỉ đạo cụ thể công tác giảm nghèo và giải quyết việc làm đối với từng địa phương, địa bàn. Chỉ đạo Chính quyền, Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp xây dựng Kế hoạch sát đúng để phân công trách nhiệm, giao chỉ tiêu từng tổ chức giúp đỡ hộ nghèo, củng như chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu về giải quyết việc làm. Chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn cần phối hợp chặt chẽ với Mặt trận trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và một bộ phận cán bộ trong thoát nghèo bền vững. Hạn chế tối đa tâm lý trông chờ và ỷ lại. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ về quy trình, trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo. Chính quyền các cấp cần tập trung chỉ đạo phát triển các làng nghề truyền thống để tạo việc làm và tạo ra các sản phẩm đặc trưng của địa phương nhất là sản phẩm du lịch; đào tạo các ngành nghề là tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp và nâng cao nhận thức về việc học nghề cho các tầng lớp nhân dân.

Trần Quang Minh - PCT UBMT tỉnh

[Trở về]