Bản in     Gởi bài viết  
Mặt trận TQVN huyện Bố Trạch chung tay xây dựng nông thôn mới 

 

   Xác định chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung phát triển kinh tế nông thôn, tăng nhanh thu nhập của người dân, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, trường học, các công trình phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; coi việc xây dựng nông thôn mới vừa là mục tiêu, yêu cầu của phát triển bền vững vừa là nhiệm vụ cấp bách, trong đó Mặt trận đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân phát huy sức mạnh đoàn kết, thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới.  

   Sau khi có các văn bản của cấp trên, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã xây dựng các hướng dẫn, kế hoạch để tuyên truyền, vận động nhân dân trong toàn huyện hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, trong năm 2017 Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận huyện chọn hai nội dung trọng tâm tập trung chỉ đạo đó là: Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và tích cực tham gia bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, Uỷ ban Mặt trận huyện phối hợp các tổ chức thành viên, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp huyện và các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến các tầng lớp nhân dân về các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nội dung, tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả quan trọng. Trong những năm qua, Uỷ ban Mặt trận TQVN và các tổ chức đoàn thể đã phối hợp phát động phong trào thi đua thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Cựu chiến binh gương mẫu chung sức đồng lòng xây dựng nông thôn mới”; thanh niên xung kích, tình nguyện bảo vệ môi trường; phụ nữ với Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” tham gia xây dựng nông thôn mới... MTTQ và đoàn thể nhân dân các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền đưa nội dung, chương trình kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới vào Chương trình công tác hàng năm, hướng dẫn cơ sở ký giao ước thi đua. Qua đó đã tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Chương trình đang dần trở thành phong trào sâu rộng, huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, bước đầu đạt kết quả tốt, trong đó: 28/28 xã đạt tiêu chí Quy hoạch. Trong năm 2017, nhân dân đã hiến 56.468m2 đất, xây dựng nâng cấp được 5 km đường liên xã, 16 km đường liên thôn, 24 km đường làng ngõ xóm; nâng cấp 3,19 km kênh mương, 10 trợ sở làm việc cấp xã được tu sữa, nâng cấp; 38 công trình trường học đã được đầu tư xây dựng; đào tạo, tập huấn nghề cho lao động nông thôn được 12 lớp với 384 lượt người, tổng kinh phí 500 triệu đồng.

   Về phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất, các địa phương đã chuyển mạnh sang nông nghiệp hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; công tác giảm nghèo và phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm luôn được chú trọng, trong năm đã giải quyết việc làm cho 3.725 lao động. Văn hóa, xã hội và môi trường có nhiều tiến bộ, MTTQ và các đoàn thể đã quan tâm phối hợp xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, bài trừ tệ nạn xã hội và hủ tục lạc hậu; nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Số khu dân cư có hương ước, quy ước đạt 97%, khu dân cư văn hóa đạt 66,4%, có 80,05% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 87,8% hộ dùng nước hợp vệ vệ sinh.

Bà con thu hoạch lúa  (Hình minh họa)

   Thông qua kết quả đạt được trong chương trình xây dựng nông thôn mới, vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể được khẳng định rõ hơn trong phối hợp tham gia vận động nhân dân thực hiện các nội dung cụ thể của xây dựng nông thôn mới phù hợp với nhiệm vụ, chức năng của mình, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện. Đến nay có 11/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 04 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 10 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 03 xã đạt 5 - 9 tiêu chí. Phấn đấu năm 2018, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

   Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Công tác tham mưu, phối hợp hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các nội dung, tiêu chí xây dựng nông thôn mới có lúc, có nơi chưa quyết liệt, nhận thức của một số người dân về chương trình chưa đầy đủ. Công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới ở một số nơi còn hình thức, nhiều đơn vị chưa chọn được cách thức, nội dung tuyên truyền, vận động phù hợp. Kinh phí để tổ chức các hoạt động tuyên truyền còn khó khăn; tài liệu cho công tác tuyên truyền còn hạn chế, việc gắn thực hiện 5 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với chương trình xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương còn lúng túng. Công tác sơ, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm hàng năm chưa được chú trọng, nên chưa tạo được hiệu ứng tốt cho chương trình.

   Để hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc sự nghiệp đổi mới và chính sách Đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước, tập trung đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân xây dựng, củng cố và mở rộng khối Đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Tiếp tục giữ vai trò là lực lượng nòng cốt, tích cực, tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tập trung hướng về cơ sở với những mục tiêu cụ thể, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện sớm hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

   Để thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp: Thứ nhất: Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tạo sức lan tỏa rộng khắp đến tận khu dân cư, làm cho mọi người hiểu rõ và thấm nhuần sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động.

   Thứ hai: Cần xây dựng kế hoạch cụ thể, phát huy mạnh mẽ nội lực sức dân nhằm khuyến khích sự tự nguyện tham gia đóng góp công sức, tiền của, đặc biệt là việc hiến đất để mở đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi và kết cấu hạ tầng nông thôn.

   Thứ ba: Triển khai các cuộc vận động gắn với các phong trào thi đua như đẩy mạnh xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, thực hiện tốt công tác cứu trợ, công tác đền ơn đáp nghĩa, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

   Thứ tư: Phối hợp hướng dẫn, tổ chức, phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền giám sát, tham gia đóng góp ý kiến trong xây dựng nông thôn mới.

    Thứ năm: Tổ chức sơ kết, tổng kết các phong trào gắn với việc đánh giá, biểu dương khen thưởng các cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong phong trào xây dựng nông thôn mới./.

Trần Tánh – Mặt trận Bố Trạch
 

[Trở về]