Bản in     Gởi bài viết  
Mặt trận TQVN tỉnh Quảng Bình thực hiện công tác giám sát và phối hợp triển khai thi hành Hiến pháp 2013 
   Triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên trong tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện nghiêm túc quyền và trách nhiệm của mình.  

     Hiến pháp 2013 đã quy định rõ vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận TQVN trong hệ thống chính trị tại điều 9, Chương I. Thực hiện quy định “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân”, với trách nhiệm là một chủ thể đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tăng cường thực hiện chức năng giám sát theo quy định của Hiến pháp. Việc giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được thể chế hoá bằng Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218 - QĐ/TW của Bộ Chính trị, Luật Mặt trận TQVN năm 2015, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND, Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nhiều Luật khác liên quan. Qua đó, nhiệm vụ giám sát của Mặt trận Tổ quốc ngày càng được nhận thức sâu sắc hơn với tư cách là phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 217/QĐ-TW và  218/QĐ-TW của Bộ Chính trị về công tác giám sát và phản biện xã hội

    Công tác giám sát được xem là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Mặt trận TQVN các cấp. Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận TQVN tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ các cấp triển khai nhiệm vụ giám sát thông qua nhiều hình thức khác nhau; lựa chọn những vấn đề quan trọng, được dư luận xã hội quan tâm, liên quan mật thiết đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân cũng như trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, đại biểu dân cử để giám sát việc cụ thể hóa và thực hiện các quy định của Hiến pháp của các cơ quan nhà nước, như: việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; thực hiện chính sách, pháp luật về đền bù, giải phóng mặt bằng; giải quyết chế độ chính sách đối với người có công, người nghèo; công tác bồi thường sự cố ô nhiễm môi trường biển; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; thực hiện các quy định pháp luật về công tác tổ chức bộ máy cán bộ, chuyển đổi vị trí việc làm; việc thực hiện niêm yết giá thuốc tân dược và thanh toán của bệnh nhân tại khu vực khám, chữa bệnh theo quy định trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân....

    Trong 5 năm qua, Mặt trận 3 cấp và các đoàn thể đã chủ trì tổ chức 1.231 cuộc; phối hợp tham gia giám sát với HĐND và các cơ quan có thẩm quyền 1.881 cuộc; nghiên cứu, xem xét 2.321 văn bản của các cơ quan chức năng ban hành liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân. Thông qua hoạt động giám sát việc thực hiện Hiến pháp năm 2013 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội đã góp phần phát hiện những khó khăn, hạn chế của các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện quy định pháp luật, chế độ, chính sách của nhà nước, từ đó kịp thời đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ bổ sung sửa đổi hoàn thiện pháp luật; đề xuất cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo thực hiện các giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế từng bước được nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

    Đồng thời với nhiệm vụ giám sát việc thi hành Hiến pháp, Mặt trận TQVN các cấp đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ban, ngành triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Thực hiện quy định: “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội”, Mặt trận các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận chủ trì phát động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh. Tập trung thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân toàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các chương trình an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm...

    Thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước quy định tại Hiến pháp, các cấp Mặt trận đã phối hợp với các ngành liên quan, như Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên - Môi trường, Công an…đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến Nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật, xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật, từ đó bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Mặt trận đã tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện thể chế, đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật và các chủ trương, quyết định của tỉnh, địa phương trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Trong 5 năm qua, Mặt trận đã phối hợp với các cơ quan chức năng đã tổ chức 1.132 hội nghị và trên 5.400 lượt tuyên truyền pháp luật, cung cấp hàng trăm tờ gấp, tài liệu tuyên truyền về pháp luật; tham gia góp ý và lấy ý kiến nhân dân tham gia góp ý vào các dự thảo văn bản Luật theo đề nghị của Quốc hội, chính quyền địa phương, trong đó có các dự thảo Luật quan trọng như: Luật Hình sự, Luật Dân sự sửa đổi, Luật đất đai sửa đổi, Luật tổ chức chính quyền địa phương…

    Các cấp Mặt trận đã thường xuyên nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân thông qua hoạt động tổ chức tiếp xúc cử tri, thực hiện công tác tiếp nhận xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, ý kiến phản ánh, kiến nghị của công dân gửi đến Mặt trận và các cơ quan chức năng thông qua tiếp công dân định kỳ của UBND các cấp. Những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân đã được các cấp Mặt trận tập hợp, lựạ chọn và phản ánh kịp thời với Đảng và chính quyền tại các diễn đàn. Các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh trước Hội đồng nhân dân các cấp đã thể hiện đầy đủ, toàn diện và sâu sắc những vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm, đồng thời thể hiện rõ quan điểm của Mặt trận Tổ quốc bằng các kiến nghị cụ thể đến HĐND và UBND các cấp.

   Tích cực tham gia công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 03/10/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về ban hành hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Triển khai thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.

   Mặt trận các cấp phối hợp với chính quyền tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” theo quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, công tác hoà giải ở cơ sở; bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố; vận động Nhân dân tham gia xây dựng hương ước, quy ước ở khu dân cư. Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, bảo đảm ANTT, an toàn xã hội ở địa bàn dân cư.

   Thông qua các hoạt động, Mặt trận đã đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần quan trọng và tích cực vào thắng lợi chung của tỉnh nhà, củng cố niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với cấp uỷ Đảng, chính quyền.

   Bên cạnh những kết quả đạt được, việc giám sát và phối hợp tổ chức triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên còn những khó khăn, hạn chế nhất định, như:

   - Công tác tuyên truyền Hiến pháp, vận động nhân dân thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật của các cấp Mặt trận chưa thường xuyên. Hiểu biết và pháp luật của Nhân dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.

  - Mặt trận giám sát việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật của các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành mới tập trung trên một số lĩnh vực được nhân dân quan tâm. Những kiến nghị của Mặt trận qua giám sát đã được cấp uỷ, chính quyền quan tâm chỉ đạo các ban ngành thực hiện tuy vậy kết quả thực hiện còn hạn chế.

   - Kiến thức pháp luật, năng lực của một số cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là cấp cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.

   - Sự phối hợp giữa MTTQ với các cơ quan, ban ngành trong thi hành Hiến pháp có lúc, có nội dung chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

   Để thực hiện tốt Hiến pháp năm 2013, Mặt trận các cấp cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục hạn chế, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả việc triển khai thực hiện Hiến pháp. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến những nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 2013 đến các tầng lớp nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo… bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng; Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận TQVN các cấp với chính quyền và các sở, ngành để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Hiến pháp quy định: như giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân, tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Mỹ Hiền
 

[Trở về]