Bản in     Gởi bài viết  
Mặt trận TQVN tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án số 85/ĐA-BTT về hỗ trợ bò giống cho người nghèo giai đoạn 2017-2018 
     Sáng ngày 14/9, Ủy ban Măt trận TQVN tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án số 85/ĐA-BTT về hỗ trợ bò giống cho người nghèo giai đoạn 2017-2018. Đồng chí Trần Văn Tuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh, Trưởng Ban Cứu trợ tỉnh chủ trì hội nghị. 

   Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Viettel CN Quảng Bình, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh, Chi cục chăn nuôi - thú y tỉnh và Chủ tịch, cán bộ Mặt trận các huyện, thị xã, thành phố phụ trách Đề án 85 trên địa bàn tỉnh.

   Thực hiện Đề án số 85/ĐA-BTT ngày 15/7/2018, đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận các huyện, thị xã, thành phố hoàn thành trao 1.000 con bò giống (500 con vào năm 2017, 500 con vào đầu năm 2018) và đang tiến hành trao 500 con bò giống bổ sung (dự kiến sẽ hoàn thành cuối tháng 9/2018) cho hộ nghèo bị thiệt hại do lũ lụt năm 2016 và vùng thường xuyên bị thiên; đồng thời phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức thành công 08 Chương trình truyền hình "Tiếp sức cho người nghèo vùng thiên tai" tại các huyện, thị xã, thành phố.

 

Toàn cảnh Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án 85/ĐA-BTT

   Việc thực hiện Đề án số 85/ĐA-BTT luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền các cấp, các cơ quan, ban ngành và các tổ chức thành viên của Mặt trận; sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Trong 02 năm, 8/8 huyện, thị xã, thành phố tổ chức được 26 Hội nghị tập huấn cho các hộ được hỗ trợ bò năm 2017, 2018 về những nội dung liên quan đến hợp đồng trách nhiệm, yêu cầu chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, kiến thức về thú y,… . Mặt trận cấp huyện đã tuyên truyền, quán triệt về quyền lợi và nghĩa vụ khi được nhận hỗ trợ bò; tổ chức ký kết Hợp đồng trách nhiệm với các hộ được hỗ trợ bò, có sự chứng giám của Mặt trận cấp xã và Ban công tác Mặt trận khu dân cư. Công tác thẩm định và kiểm tra chuồng trại được Mặt trận cấp huyện và xã tiến hành trước khi giao bò. Đa số các hộ nuôi bò đã trồng cỏ làm thức ăn cho bò ngoài việc chăn thả. Ban công tác Mặt trận đã phối hợp phân công đại diện các tổ chức thành viên theo dõi, giúp đỡ, kiểm tra, giám sát việc chăn nuôi bò để kiểm tra, đánh giá tình hình chăn nuôi và chất lượng con giống định kỳ. Đơn vị cung ứng giống, các trạm thú y cấp huyện, cán bộ thú y cấp xã đã phối hợp với Mặt trận trong chữa trị kịp thời cho bò bị bệnh và hướng dẫn bà con chăm sóc bò. Đề án bước đầu đã tạo được công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động nhàn rỗi và người yếu thế trong gia đình các hộ được hỗ trợ bò.

   Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án 85, vẫn còn một số khó khăn thách thức như: Tại một số đơn vị cấp xã và khu dân cư, đặc biệt là ở địa bàn vùng sâu vùng xa, việc phối hợp giữa Mặt trận, thôn, cán bộ đoàn thể trong giám sát việc chăm sóc, chăn nuôi bò chưa chặt chẽ; những tình huống như điều kiện chăm sóc, thú y, phát hiện dịch bệnh,… chậm phát hiện và xử lý. một số đơn vị cấp huyện còn thiếu kinh nghiệm trong công tác tham mưu triển khai thực hiện; đối tượng hỗ trợ bò giống là hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, đa số trình độ hiểu biết của bà con còn thấp nên gặp khó khăn trong công tác tập huấn, chăm sóc bò,…

   Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Văn Tuân khẳng định việc hỗ trợ bò và hỗ trợ thẳng trực tiếp cho người dân kèm theo điều kiện chặt chẽ là một chủ trương đúng đắn của Mặt trận; việc thực hiện Đề án có ý nghĩa không chỉ về mặt an sinh mà còn có ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến cuộc sống của người dân bằng những hành động trực tiếp, thiết thực và hiệu quả. Đồng chí đề nghị, để duy trì được “sức sống” của Đề án, Mặt trận và các ban, ngành đoàn thể các cấp cần quan tâm, phối hợp để nắm rõ tình hình phát triển của đàn bò, số lượng bò mang thai và động dục, số lượng bê con được sinh ra, …; thường xuyên có sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các hộ dân về chuồng trại, nguồn thức ăn dự trữ cho bò trong mùa đông sắp tới; phối hợp với cơ quan thú ý để hướng dẫn người dân phát hiện tình trạng động dục của bò để tiến hành thụ tinh nhân tạo đúng thời điểm và công tác chăm sóc, nuôi dưỡng sau khi bê con được sinh ra;… trong thời gian tới./.

Hoàng Anh
 

[Trở về]