Bản in     Gởi bài viết  
MÔ HÌNH “Xã bình yên, gia đình hòa thuận” trong đồng bào Công giáo xã Thanh Thạch, huyện Tuyên Hoá cần được nhân rộng 
   Mô hình “Xã bình yên, gia đình hòa thuận” ở xã miền núi, đồng bào Công giáo sau hơn một năm triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả khả quan; tình hình ANCT, TTATXH trên địa bàn xã so với trước đã có những chuyển biến tích cực; kinh tế - xã hội phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân xã Thanh thạch nói chung và đồng bào Công giáo nói riêng ngày càng được nâng lên.

 

   Thanh Thạch là một xã miền núi nằm phía tây bắc của huyện Tuyên Hoá, có 04 khu dân cư với 612 hộ, 2582 nhân khẩu; trong đó, bà con Công giáo chiếm 94, 5%. Trong xã có 01 Nhà thờ xứ, 01 Nhà thờ họ, 01 Linh mục. Là xã miền núi nên đời sống, sản xuất và sinh hoạt của bà con gặp rất nhiều khó khăn, tình hình ANTT trên địa bàn xã có nhiều diễn biến phức tạp; tình trạng thanh niên uống rượu say gây rối, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ; tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, chở quá người quy định; tranh chấp đất đai, mâu thuẩn trong khu dân cư thường xuyên xảy ra…Trước tình hình trên, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện chọn xã Thanh Thạch để chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình “Xã bình yên, gia đình hoà thuận”

   Để đảm bảo việc xây dựng mô hình “Xã bình yên, gia đình hòa thuận” có hiệu quả, UBND xã đã thành lập ban chỉ đạo, Mặt trận xã thành lập 4 ban vận động ở 4 khu dân cư với 37 thành viên do các đồng chí Trưởng ban công tác Mặt trận làm trưởng ban, các thành viên khác là đại diện các tổ chức, các cá nhân, chức sắc, chức việc tiêu biểu. Uỷ ban MTTQ Việt Nam phối hợp Công an xã tham mưu cho UBND xã ban hành Kế hoạch với 5 nội dung và 5 tiêu chí về “Xã bình yên, gia đình hòa thuận”. Sau hội nghị ra mắt mô hình tại xã, Thường trực Mặt trận xã đã phối hợp với công an xã về tại các khu dân cư tổ chức hội nghị xây dựng “Khu dân cư bình yên, gia đình hòa thuận” trong đồng bào Công giáo và tổ chức cho các khu dân cư ký cam kết. Dựa trên Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo xã, Ban vận động của các thôn xây dựng Quy chế hoạt động riêng của từng thôn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Hàng tháng, hoặc nhân các buổi sinh hoạt thôn, Ban vận động đã tổ chức tuyên truyền các văn bản Luật như: Luật bảo vệ và phát triển rừng; Luật giao thông đường bộ; Nghị định 157/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; Luật môi trường... Trong thời gian qua Ban vận động thôn bằng nhiều hình thức đã tổ chức được 32 buổi tuyên truyền, quán triệt với 1.646 lượt người tham gia; có 46 lượt tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã và của các thôn. Ngoài ra UBND đã tổ chức diễn đàn “công an lắng nghe ý kiến nhân dân” qua đó, nắm bắt tình hình, tư tưởng và có giải pháp hiệu quả hơn trong tổ chức thực hiện công tác đảm bảo ANCT, TTATXH. Hàng quý, 6 tháng, 1 năm, các Ban vận động tổ chức họp để đánh giá tình hình thực hiện và triển khai nhiệm vụ tiếp theo. Các hoạt động của mô hình được gắn với thực hiện các nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

   Tình hình ANTT trên địa bàn xã sau khi củng cố và triển khai thực hiện mô hình, đến nay có nhiều chuyển biển tích cực, phong trào tham gia giữ gìn ANTT phát triển rộng khắp trên địa bàn toàn xã. Tinh thần đấu tranh, tố giác tội phạm được bà con nhân dân quan tâm, mạnh dạn đấu tranh với những trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm ANTT. Quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng Công an xã nhiều nguồn tin quan trọng phục vụ đắc lực cho công tác nắm bắt tình hình để phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm. Tình hình hoạt động của các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật được kiềm chế và có chiều hướng giảm so với những trước. Nếu như trong năm 2017 xảy ra 3 vụ, 7 đối tượng, thì năm 2016 giảm chỉ còn 1 vụ, 2 đối tượng và từ đầu 2018 đến nay xảy ra 3 vụ việc gồm 3 đối tượng; trong đó 2 vụ, 2 đối tượng vi phạm đốt pháo trái phép, công an xã đã lập biên bản xử phạt 4 triệu đồng. Các thành viên trong Ban vận động của các thôn thường xuyên tham gia với lực lượng công an đi tuần tra, kiểm soát nên đã góp phần bảo đảm ANTT, ATGT trên địa bàn.

   Đi đôi với việc tổ chức xây dựng mô hình điểm Mặt trận TQVN xã Thanh Thạch đã tích cực vận động Nhân dân, bà con lương giáo thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận phát động như: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng“Quỹ vì người nghèo” qua đó. đã góp phần tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững. Phong trào xây dựng nông thôn mới được nhân dân tích cực hưởng ứng, với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm bà con đã góp công góp của xây dựng 04 tuyến đường giao thông nông thôn và đường lâm sinh 1.454,24m. Đặc biệt, đã có 48 hộ hiến đất và tài sản trên đất gồm: 2,9ha, 5.100 cây keo, 80 cây huê, dó trầm và cây ăn quả các loại. Trong năm 2018, các thành viên trong Ban vận động các thôn đã phối hợp với UBND xã cắm móc và giải phóng mặt bằng hành lang an toàn giao thông đường liên xã, đường liên thôn. Trong quá trình triển khai thực hiện đã có 116 hộ dân tự nguyện hiến cây, hiến đất và tài sản với tổng kinh phí ước tính 1.529.835.000 đồng.

   Có được kết quả trên là nhờ Ban vận động đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo ANTT tại địa bàn; phối hợp với các tổ chức đoàn thể, Ban công tác Mặt trận các thôn, đặc biệt là Người cao tuổi, chi hội CCB, chi hội Phụ nữ…đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt Linh mục quản xứ, Hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ vận động con cháu, người thân trong gia đình, bà con giáo dân thực hiện tốt 10 nội dung “7 tốt đời, 3 đẹp đạo” do Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động. Các thôn phối hợp với tổ hòa giải tham gia hòa giải được nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân đạt kết quả cao, đem lại tình đoàn kết, gắn bó trong thôn xóm, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; hòa giải thành công 25/25 đơn kiến nghị về tranh chấp đất rừng; Ban vận động thôn 4 hòa giải thành công 02 vụ tranh chấp đất vườn.

   Mô hình “Xã bình yên, gia đình hòa thuận” ở xã miền núi, đồng bào Công giáo sau hơn một năm triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả khả quan; tình hình ANCT, TTATXH trên địa bàn xã so với trước đã có những chuyển biến tích cực; kinh tế - xã hội phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân xã Thanh thạch nói chung và đồng bào Công giáo nói riêng ngày càng được nâng lên. Đây thực sự là mô hình thiết thực đáng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Văn Sinh
 

[Trở về]