Bản in     Gởi bài viết  
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả Cuộc vận động ”Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” 
 

     Năm 2017, trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, việc đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động ”Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân đã góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.

     Công tác tuyên truyền Cuộc vận động ”Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2017 tiếp tục được các sở, ngành và địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện thông qua nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân trong việc ưu tiên lựa chọn, sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng, đồng thời thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh của các nhà sản xuất, chế biến, phân phối, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng.

    Công tác quản lý nhà nước của các sở, ngành, địa phương được tăng cường, góp phần hạn chế tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong tỉnh đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Các kênh phân phối hàng Việt Nam được mở rộng và phát triển với các điểm bán hàng Việt, các siêu thị, chợ và hoạt động đưa hàng Việt về vùng nông thôn của doanh nghiệp. Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh đã chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Cuộc vận động của các sở, ngành, các Ban chỉ đạo cuộc vận động cấp huyện thông qua đó đôn đốc, nâng cao chất lượng Cuộc vận động.

    Thực hiện Cuộc vận động ”Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các cơ quan, đơn vị, địa phương đã ưu tiên lựa chọn sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng trong xây dựng trụ sở và mua sắm trang thiết bị văn phòng. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư thiết bị sản xuất hiện đại, thay đổi mẫu mã để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, như Công ty Cổ phần Dược Quảng Bình, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Long Giang Thịnh, Công ty Cổ phần bia Hà Nội - Quảng Bình... Hiện nay, nhiều mặt hàng của địa phương đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường về mẫu mã, chất lượng và giá cả như mộc mỹ nghệ, sản phẩm gỗ, xi măng, sản phẩm chế biến từ nông sản như: nấm Tuấn Linh, mật ong Tuyên Hóa, khoai gieo Hải Ninh, rượu Tuy Lộc, nón Lá Quy Hậu, bánh tráng mè Quảng Thanh, mây tre đan mỹ nghệ… Các cơ sở kinh doanh, buôn bán, siêu thị có chiều hướng kinh doanh nhiều mặt hàng Việt Nam chất lượng cao. Tỷ lệ tiêu dùng hàng Việt của người dân ngày càng cao, chiếm trên 90%.

Gian bán hàng Việt tại Siêu thị Thái Hậu - Thị xã Ba Đồn

    Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền về Cuộc vận động trong các Sở, ngành, địa phương vẫn còn hình thức. Nhận thức của các doanh nghiệp về công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, xây dựng niềm tin trong nhân dân về nhãn hàng của doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Công tác quản lý nhà nước, phối hợp đấu tranh chống gian lận thương mại, phòng chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng mất an toàn vệ sinh thực phẩm của một số sở, ngành chức năng chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ, nên hạn chế kết quả kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Các địa phương còn chưa chủ động trong việc kết nối chuỗi giá trị bền vững từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, người sản xuất gặp khó khăn trong thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn và các chợ địa phương.

Trang trại trồng rau bằng phương pháp thuỷ canh của Công ty CP thực phẩm xanh Đông Dương

    Để tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động, các cấp, các ngành cần vào cuộc sâu hơn và tập trung triển khai tốt một số biện pháp như:

    Xây dựng Kế hoạch thực hiện Cuộc vận động của Ban chỉ đạo Cuộc vận động cấp tỉnh, cấp huyện; của từng cơ quan, đơn vị, đoàn thể một cách cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện của đơn vị, địa phương.

    Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt các nội dung về Cuộc vận động theo Kết luận số 107 - KL/TW của Ban Bí thư và Công văn số 641CV/TU ngày 19/6/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đài PTTH tỉnh, Báo Quảng Bình tăng cường thời lượng tuyên truyền về CVĐ, xây dựng nhiều tin, bài, phóng sự về Cuộc vận động. Chỉ đạo hệ thống Đài truyền thanh - truyền hình các địa phương tăng cường tuyên truyền về các mô hình, điển hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu, các sản phẩm đặc trưng của từng vùng, miền trong tỉnh để tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân. Các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền về các mô hình, điển hình sản xuất kinh doanh giỏi, các sản phẩm do đoàn viên, hội viên sản xuất trên các diễn đàn và phương tiện truyền thông.

    Thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Công thương theo Quyết định số 634/QĐ -TTg, ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại trên thị trường nội địa, tăng cường hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trung tâm thương mại tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về vùng nông thôn, tổ chức Hội chợ thương mại, xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn…

    Các Sở, ngành như Sở Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Du lịch nghiên cứu các giải pháp phù hợp để gắn sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc trưng của địa phương như hàng hải sản, nông sản, mộc mỹ nghệ, hàng lưu niệm với các hoạt động phát triển du lịch, tạo điểm mua sắm, điểm đến mới cho du khách, góp phần quảng bá các sản phẩm mang thương hiệu Quảng Bình đến du khách trong và ngoài nước; tiếp tục nhân rộng mô hình “Điểm bán hàng Việt, hàng Quảng Bình” trên địa bàn tỉnh, đây là những địa chỉ tin cậy để đưa các sản phẩm có chất lượng của Quảng Bình đến với người tiêu dùng.

    Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất về thủ tục pháp lý các Sở, ngành trong Ban chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tham mưu các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về hồ sơ pháp lý chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn mác, chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm địa phương. Trên cơ sơ đó các sản phẩm có chất lượng của địa phương trong tỉnh có điều kiện thâm nhập vào hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị lớn như BigC, Co.opmart, Vingroup...

    Tăng cường công tác quản lý nhà nước của các sở, ban, ngành trong triển khai thực hiện Cuộc vận động. Sở Công thương tiếp tục tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát chất lượng, giá cả, an toàn vệ sinh thực phẩm của hàng hóa trên thị trường, nhất là kiểm soát chất lượng hàng khuyến mãi, hàng bán tại các hội chợ; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra việc buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của các cơ sở kinh doanh; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật, buôn bán, tàng trữ hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và uy tín của các doanh nghiệp, nhà sản xuất hàng nội địa chân chính. Sở Tài chính kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm các thiết bị vật tư, thiết bị văn phòng phẩm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước theo hướng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam...

     Các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư đổi mới trang bị thiết bị kỹ thuật, sản xuất các mặt hàng có chất lượng cao, mẫu mã đa dạng và giá cả hợp lý, phù hợp với thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng, từ đó để người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn mua và sử dụng.

    Các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ xây dựng các thương hiệu, nhãn mác hàng hóa, sản phẩm của địa phương. Hướng dẫn các nhà sản xuất quản lý tốt chất lượng sản phẩm để đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị có uy tín, các điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt” trên địa bàn tỉnh.

Mỹ Hiền

[Trở về]