Bản in     Gởi bài viết  
NHỮNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN “Người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo” tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2010 – 2015 

    5 năm qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo” gắn với 10 nội dung phong trào thi đua do Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động đã và đang phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; phù hợp với tâm tư, tình cảm và nếp sống đạo của đồng bào Công giáo. Từ trong các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều điển hình người tốt, việc tốt, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh”.

 

Đoàn đại biểu Quảng Bình dự Hội nghị biểu dương người tốt, việc tốt trong đồng bào công giáo toàn quốc lần thứ IV

   Tham dự Hội nghị biểu dương Người tốt việc tốt trong đồng bào Công giáo lần thứ IV do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn đại biểu Quảng Bình vinh dự có 04 đại biểu tiêu biểu trong vườn hoa gương người tốt, việc tốt. Mỗi đại biểu đại diện cho mỗi vị trí công việc khác nhau nhưng ở họ giống nhau về nhiệt tình dấn thân phục vụ, đồng hành cùng dân tộc, sống Tin Mừng Đức Kitô theo đường hướng tinh thần Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam và Sứ điệp của Đại hội Dân Chúa năm 2010: “Sống Phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.

   Linh mục Hồ Thái Bạch từng tâm sự: “Là một Linh mục nhưng trước hết là một công dân, tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình phải tham gia vào công cuộc đổi mới, góp phần phát triển quê hương, đất nước. Ngoài việc chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước tại địa phương, với trách nhiệm của một Linh mục, trong phạm vi quyền năng có thể, tôi đã lồng ghép trong các buổi sinh hoạt tôn giáo để tuyên truyền, giáo dục cho bà con giáo dân về chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, nghĩa vụ công dân tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh trật tự. Thường xuyên động viên bà con chấp hành triệt để mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước, tham gia các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận TQVN các cấp phát động. Nhắc nhở bà con giáo dân thực hiện đường hướng của Giáo hội Công giáo Việt Nam theo tinh thần thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980: “Sống Phúc âm giữa lòng Dân tộc” và huấn từ của Giáo hoàng Beneđitto XVI “Người Công giáo tốt đồng thời là người công dân tốt”.

   Những năm tháng mục vụ tại giáo xứ Khe Gát xã Xuân Trạch huyện Bố Trạch ngoài việc nhắc nhở giáo dân thực hiện sống “Tốt đời, đẹp Đạo”, Linh mục còn động viên bà con chăm lo làm ăn, khuyến khích tìm tòi các mô hình phát triển kinh tế, hổ trợ giáo dân chăn nuôi, trồng trọt, cùng chính quyền xã xây lò đốt vôi bón ruộng lạc cho năng suất cao. Góp vốn hỗ trợ cùng địa phương xây dựng công trình nước sinh hoạt, 01 trường tiểu học, 07 nhà mẩu giáo, trung tâm y tế xã. . .vv. Khi về mục vụ tại giáo xứ Liên Hòa, xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, thấy được những khó khăn vất vả của bà con giáo dân trong việc đi lại giữa hai vùng cồn bãi, Linh mục đã xin kinh phí từ các nhà tài trợ và động viên sức dân để đắp đê bảo đảm cho dân đi lại thuận tiện. Linh mục đã vận động bà con giáo dân chăm lo làm ăn, học nghề, học việc, phát triển kinh tế gia đình; phối hợp với chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể thành lập Hợp tác xã đánh bắt xa bờ, vân động bà con liên kết các hộ gia đình đóng góp vốn, vay vốn ngân hàng mua sắm tàu, ngư lưới cụ hiện đại vươn khơi bám biển. Nhờ vậy đời sống kinh tế của bà con giáo xứ Liên Hòa ngày càng được nâng cao. Hiện nay, toàn giáo xứ có 27 tàu đánh bắt hải sản xa bờ, tạo việc làm có thu nhập cao thu hút hàng trăm lao động có thu nhập cao.

   Một điển hình người tốt việc tốt trong đoàn đại biểu là Ông Hoàng Văn Thanh, giáo dân họ giáo thôn Na, thành viên của Hội đồng mục vụ xứ Hà Lời xã Sơn Trạch huyện Bố Trạch. Hiện nay, ông đang đảm trách nhiệm vụ đội trưởng đội thuyền du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng. Từ những tổ thuyền nhỏ, thô sơ, đến nay đội thuyền du lịch tuyến giao thông đường thủy Xuân Sơn - Phong Nha Kẻ Bàng đã có 326 chiếc với tổng giá trị lên tới 32,6 tỷ đồng. Thu hút 652 lao động phục vụ, trong đó 95% là anh chị em người Công giáo thuộc giáo xứ Hà Lời. Với trách nhiệm là đội trưởng đội thuyền du lịch, ông thường xuyên trăn trở, về những việc mình cần phải làm để cùng anh em đội thuyền vừa làm tốt công tác phục vụ, vừa quảng bá hình ảnh tươi đẹp của quê hương đến du khách bốn phương. Vậy nên ngay từ bước đầu thành lập, đội thuyền phải vừa phục vụ vừa học, học cách giao tiếp, lắng nghe, tranh thủ ý kiến góp ý của hành khách, học để nâng cao tay nghề, làm chủ phương tiện, học để ngày càng nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác phục vụ. Từ năm 2010 đến nay toàn đội đã đưa đón được 163.000 lượt khách vào tham quan động Phong Nha bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và tài sản được du khách trong và ngoài nước khen ngợi, được lãnh đạo các cấp ghi nhận và đánh giá cao. Riêng bản thân ông 3 năm liền được Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh và Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Bình tặng bằng khen.

   Bên cạnh việc chăm lo chỉ đạo đội thuyền không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao đời sống vật chất cho các thuyền viên. Với trách nhiệm nhiều năm tham gia Hội đồng giáo xứ, ông luôn gần gũi với bà con giáo dân, động viên bà con tích cực tham gia các phong trào ở địa phương như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”... Đặc biệt là đã kết hợp lồng ghép phổ biến đến tận bà con giáo dân 10 nội dung thi đua “7 tốt đời, 3 đẹp đạo” do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động. Tuyên truyền vận động Giáo dân nâng cao nhận thức và chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong các họ đạo, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, động viên, nhắc nhở con em luôn chú trọng việc học hành, giúp đở động viên trẻ em nghèo vượt khó, giử gìn vệ sinh môi trường đường làng, ngỏ xóm sạch, đẹp.

   Nhà doanh nghiệp, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn và xây dựng Quang Trương là một điển hình trong phong trào thi đua phát triển kinh tế. Ông Trương Quang Độ nguyên là Chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ Kim Lũ xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, nhiều nhiệm kỳ là Ủy viên Hội đồng nhân dân, Ủy viên Ủy ban Mặt trận TQVN xã Kim Hóa và huyện Tuyên Hoá từ năm 2003 đến nay. Trong bất kỳ lĩnh vực công tác nào ông cũng đều tham gia nhiệt tình, tích cực, kết hợp giữa công việc Giáo hội và xã hội. Năm 2000 ông mạnh dạn tập hợp những lao động có tay nghề trong giáo họ, thành lập Hợp tác xã xây dựng tổng hợp, đến năm 2004 nâng lên thành Công ty với 300 công nhân thường xuyên có việc làm, với mức lương bình quân hiện nay là 07 triệu đồng tháng. Doanh thu hàng năm của Công ty từ 50 – 80 tỷ đồng. Hàng năm bên cạnh việc hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước, ông thường trích ngân sách đóng góp quỹ phúc lợi ở địa phương, quỹ khuyến học, khuyến tài, đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa, thăm hỏi những gia đình gặp khó khăn, động viên trẻ em nghèo vượt khó ... Ông đã được các cấp Chính quyền, Mặt trận, Tổng cục Thuế, Tòa giám mục Giáo phận Vinh tặng nhiều Bằng khen và Giấy khen.

   Ông Nguyễn Ngọc Cảnh sinh ra giữa xóm đạo Tân Mỹ, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó, phải đi làm thuê trên các tàu đánh cá của các tỉnh Quảng Ngải, Hải Phòng và nhiều nơi khác. Qua nhiều năm bôn ba sóng nước, vật lộn với nghề nghiệp, anh nhận ra rằng mình cũng có thể làm được như bao chủ tàu khác. Từ quyết tâm đó, năm 2004 anh bàn với gia đình mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua một con tàu nhỏ, vận động anh em, bạn bè ra khơi bám biển. Bước đầu đã tạo công ăn, việc làm cho 08 lao động chính của 08 gia đình dần dần có cuộc sống ổn định. Không dừng lại ở đó, với kinh nghiệm thực tiễn và không ngừng học hỏi vươn lên, năm 2010 anh đã mạnh dạn đóng mới một con tàu lớn có công suất 430 CV, thu nhận hơn 25 thuyền viên, trang bị máy móc ngư cụ hiện đại, vận dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để thực hiện đánh bắt nhiều ngày ở ngoài biển khơi. Từ thu nhập của mỗi thuyền viên 06 triệu đồng/ tháng đến nay lên 09 triệu đồng. Không dừng lại ở việc đánh bắt, khi thác cá, anh còn có sáng kiến thành lập tổ đoàn kết giữa các tàu có liên lạc với nhau thường xuyên trên biển, cùng nhau phát hiện luồng cá, hỗ trợ nhau khi đánh bắt, giúp nhau khi hoạn nạn, khó khăn. Mô hình này được các tàu tích cực hưởng ứng và được nhân rộng ở nhiều địa phương như ở Quảng Văn, Quảng Xuân, Cảnh Dương ... Bên cạnh việc ra khơi bám biển, anh còn động viên gia đình và bà con tích cực hưởng ứng các cuộc vận động của Mặt trận và các đoàn thể ở địa phương, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với 10 nội dung thi đua “7 tốt đời, 3 đẹp đạo” do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động. Giúp nhau phát triển các nghành nghề dịch vụ, nhất là các dịch vụ chế biến hải sản, tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ gìn xóm làng bình yên.

   Mỗi đại biểu là một tấm gương sáng người Công giáo yêu nước. Họ thực sự là những bông hoa đẹp trong vườn hoa thi đua của đồng bào Công giáo cả nước.

Phạm Hạnh
UBĐKCG tỉnh Quảng Bình

[Trở về]